Nông dân Đà Lạt khốn khổ vì bị nông sản Trung Quốc ép giá - Hình 1

Nông dân Đà Lạt phải tự tay hủy đi bắp cải vì giá quá thấp

Tại những vựa chuyên canh rau củ quả lớn của tỉnh Lâm Đồng, nhiều nông dân cho biết các mặt hàng nông sản Đà Lạt bị ép giá khiến họ thua lỗ nặng. Nguyên nhân do nhiều tiểu thương nhập hàng Trung Quốc về Đà Lạt, thay nhãn mác, bao bì rồi chuyển xuống TP. HCM và các tỉnh khác bán với mác nông sản Đà Lạt khiến cung vượt cầu, nhiều mặt hàng rớt giá thê thảm.

Hiện tại, nông dân Đà Lạt đang thu hoạch cải thảo, cải cúc (tần ô), bắp sú, xà lách xoăn nhưng do không có nơi tiêu thụ (vì hàng Trung Quốc nhập về quá nhiều) không biết phải làm sao nên họ đành đổ bỏ hoặc bỏ úng trên ruộng.

Do khoai tây Đà Lạt có giá cao gấp 2 - 3 lần khoai tây nhập từ Trung Quốc về nên một số thương lái đã thay nhãn mác, bao bì khoai tây Trung Quốc thành khoai tây Đà Lạt rồi đưa đi tiêu thụ. Tại huyện Đơn Dương, nơi có diện tích hành tây, khoai tây, cà rốt lớn nhất tỉnh Lâm Đồng, bình thường giá khoai tây dao động từ 14.000-16.000 đồng/kg, hành tây, cà rốt cũng ở mức 11.000-15.000 đồng/kg. Hiện nay, giá các mặt hàng trên rớt còn nửa giá, chỉ 7.000-8.000 đồng/kg dù đã hết mùa. Theo nhẩm tính của những người làm vườn, với giá bán này, mỗi sào hành tây, nhà vườn phải bù lỗ thêm khoảng 3 triệu đồng nữa mới đủ vốn đầu tư ban đầu, đó là chưa kể tiền thuê người thu hoạch khoảng 250.000 đồng/ngày và công sức bỏ ra chăm sóc trong 3 tháng.

Không riêng gì khoai tây mà các loại rau như rau cải thảo, xà lách xoăn, đậu Hà Lan giá cũng rất thấp (2.000 đồng/kg). Tuy giá đã hạ hết mức có thể, nhưng lượng tiêu thụ trên thị trường đang rất chậm cho nên hầu hết nhà vườn đều lâm vào cảnh khốn đốn, thương lái không đến thu mua. Việc trồng và thu hoạch là cả một thời gian dài chăm sóc và đợi được đến ngày thu hoạch thì lại không bán được. Họ phải tự tay hủy đi sản phẩm của chính mình, cuộc sống chưa bao giờ hết khổ của người nông dân.

Để giải quyết được tình trạng trên thì cần phải có biện pháp ngăn chặn tình trạng nhập lậu nông sản từ Trung quốc về. Tuy nhiên, theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết, hiện rất khó xử lý tình trạng thương lái trộn đất giả mạo nông sản Trung Quốc thành nông sản Đà Lạt. Theo ông Sơn, hành động này không cấu thành hành vi tội phạm bởi không có luật cấm, trừ khi phát hiện các mặt hàng nhập không rõ nguồn gốc và kiểm tra vượt mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật mới tịch thu và xử phạt hành chính.

Đứng trước tình hình hiện nay, để bảo vệ thương hiệu khoai tây Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đã thành lập đề án thí điểm nhận diện sản phẩm khoai tây Đà Lạt. Qua đề án này, sẽ tập trung hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm khoai tây Đà Lạt hàng trăm ngàn bao bì, được sản xuất theo mẫu mã riêng, có tem chống hàng giả cho các túi, thùng đóng gói sản phẩm khoai tây Đà Lạt. Dự kiến trong tháng 9/2018 sẽ tiến hành ghi nhãn các bao bì với khoai tây trong vụ hè thu này.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng cũng đã chỉ đạo lực lượng QLTT thường xuyên tuần tra kiểm soát, phối hợp với Sở Công Thương TP HCM và mời một số chợ đầu mối TP HCM lên làm việc tại TP Đà Lạt để có một số giải pháp nhằm kết nối các HTX cũng như các chợ đầu mối. Sẽ áp dụng mô hình nhận diện những điểm bán hàng nông sản Đà Lạt tại chợ đầu mối các tỉnh, thành nhập hàng Đà Lạt để tránh việc mua nhầm hàng Trung Quốc giả hàng Đà Lạt. "Trước mắt, xây dựng hàng rào kỹ thuật tại Đà Lạt nhằm hạn chế nông sản Trung Quốc chở ngược lên Đà Lạt để làm giả nhãn mác nông sản Đà Lạt" - ông Bùi Thế, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng, nêu ý kiến.

Hằng Vương