Nông sản Việt vẫn 'mắc' về thương hiệu - Hình 1

Cần quan tâm xây dựng những thương hiệu mạnh cho nông sản Việt Nam (Ảnh: TBTC)

Xây dựng thương hiệu mạnh

Thảo luận về kinh tế - xã hội trong ngày 26/10, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề cập tới vấn đề tăng trưởng của ngành nông nghiệp.

Theo đó, các đại biểu cho rằng, nông nghiệp đang được tái cấu trúc theo hướng gia tăng giá trị nhưng vẫn gặp vướng mắc về thương hiệu. Nông sản xuất khẩu nhiều song chủ yếu là xuất thô. Hầu hết sản phẩm nông sản Việt xuất khẩu nhưng không mang thương hiệu “made in Vietnam”, mà dưới mác của doanh nghiệp.

Đại biểu Trương Anh Tuấn (Đoàn Nam Định) cho rằng, cần quan tâm xây dựng những thương hiệu mạnh cho nông sản Việt Nam.

“Chúng ta phấn khởi vì hồ tiêu, điều, ca cao xuất khẩu dẫn đầu thế giới. Cà phê đứng thứ hai, xuất khẩu gạo đứng thứ ba nhưng nếu xem kỹ thì loại giống nào, ở đâu nuôi trồng tốt, đạt chất lượng cao nhất thì câu hỏi này xem ra rất khó trả lời. Khó trả lời rõ ràng, bởi vì thương hiệu của chúng ta chưa rõ. Trong thực tế hiện nay, thương hiệu không rõ nên sản phẩm lẫn lộn, loại này lẫn vào loại kia, tốt xấu lẫn lộn và dẫn đến làm mất uy tín sản phẩm, mất giá sản phẩm”, đại biểu Tuấn nêu. 

Cũng theo vị đại biểu này, để khẳng định thương hiệu nông sản Việt Nam, cần có những cuộc thi công khai, minh bạch để tôn vinh chất lượng sản phẩm nông nghiệp, định hướng cho nhà sản xuất, định hướng cho nông dân.

"Trên thực tế đã có thi Hoa hậu bò sữa nhưng lúa gạo lại chưa có cuộc thi nào chính thức để vinh danh gạo ngon của Việt Nam. Tôi mong rằng trong thời gian tới đây, ngành nông nghiệp sẽ sớm có những vinh danh top sản phẩm dẫn đầu của các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam, qua đó xây dựng những thương hiệu tự hào của nông nghiệp Việt Nam và giúp cho nông nghiệp, cho nông dân có những định hướng cụ thể trong quá trình sản xuất, tạo những giá trị mới cho sản phẩm nông nghiệp”, đại biểu Tuấn đề xuất.

Tránh tình trạng “cửa rộng nhưng nhiều ổ khóa”

Theo đại biểu Nguyễn Như So (Đoàn Bắc Ninh), để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp đạt kết quả cao theo Nghị quyết 899 của Chính phủ thì bài toán rời rạc, chuỗi giá trị trong nông nghiệp cần được tháo gỡ. Hiện nay, mô hình liên kết của chuỗi đứt đoạn tại nhiều phân khúc, chỉ có 50% trong tổng số 700 chuỗi giá trị sản xuất hoạt động có hiệu quả. Để xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững cần giải quyết ba nút thắt.

Thứ nhất, hạn chế tối đa chi phí sản xuất bằng việc mở rộng cơ chế bảo tồn và phát triển giống, phân bón, thuốc trừ sâu trong nước, tránh lãng phí nguồn ngoại tệ lớn do phải nhập khẩu nguyên liệu này từ nước ngoài.

Thứ hai, muốn sản xuất theo chuỗi ứng dụng khoa học thành tựu công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong sản xuất nông nghiệp cần tuyệt đoạn hoàn toàn với quy mô nhỏ lẻ, manh mún.

“Tuy nhiên, cái khó là hiện nay chúng ta đang có 8,6 triệu hộ nông dân với gần 70 triệu miếng ruộng nhỏ, lẻ. Vì vậy, cần có cơ chế thúc đẩy nhanh, quyết liệt hơn nữa quá trình tích tụ đất đai sản xuất tập trung, đưa công nghệ cao thâm nhập vào tất cả các khâu trong chuỗi giá trị nhằm phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ thân thiện với môi trường, đẩy mạnh hợp tác xã, liên kết với nông dân, với doanh nghiệp hợp tác xã, coi doanh nghiệp là động lực, là đầu tàu dẫn đầu chuỗi sản xuất như các nước đang làm”, đại biểu So nêu quan điểm.

Thứ ba, bảo quản chế biến là khâu cuối cùng quyết định giá trị nông sản. Tuy nhiên năng lực bảo quản chế biến sau thu hoạch của nước ta rất yếu, chưa kịp với sản xuất. Hiện có 90% nông sản xuất khẩu dưới dạng thô, với hàm lượng chế biến chất lượng và giá trị thấp, tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch lên tới 40-45%.

Do đó, điều cần làm là nâng cao năng lực bảo quản, chế biến thông qua những chính sách hỗ trợ vốn, thuế tín dụng để nhập khẩu công nghệ. Sau thu hoạch, nhà nước chủ động linh hoạt ban hành và thực thi chính sách, tránh tình trạng “cửa rộng nhưng nhiều ổ khóa’ khiến cho người sản xuất “không biết đâu để tiếp cận”.

Phát biểu giải trình, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, sản xuất nông nghiệp tiếp tục khẳng định có tăng trưởng. Cho đến nay, nông sản Việt Nam đã xuất khẩu đi 180 quốc gia. Trong 5 năm tổng giá trị nông sản Việt Nam đã xuất khẩu được 200 tỷ. Thặng dư đưa về cho đất nước là 50 tỷ USD. 30 sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm quốc gia là sản phẩm có giá trị xuất khẩu từ 1 tỷ đô la trở lên, nhóm số hai là cấp tỉnh, nhóm thứ ba là quy mô hàng hóa cấp đặc sản ở địa phương từng bước đều được áp dụng công nghệ cao phù hợp với từng quy mô cấp độ và trình độ quản trị.

T.Nguyên