THCL Theo thống kê của Bộ Y tế, trên địa bàn tỉnh Nam Định, số hộ dân được sử dụng nước sạch là 48%, nước đảm bảo vệ sinh là 94%. Tuy nhiên, chất lượng của nước sạch nông thôn ở Nam Định có thực sự đảm bảo?
Nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh Nam Định có thực sự sạch khi chỉ kiểm tra được 13% tiêu chí?
Quy định khắt khe nhưng…
Nam Định hiện có 57 cơ sở đang cung cấp nước sạch (nước sinh hoạt) cho người dân, trong đó có ít nhất là 13 công trình cấp nước tập trung. Đặc biệt, có trên 10 nhà máy nước sạch nông thôn được xây dựng với công suất trên 1.000 m3 nước/ngày đêm với số vốn đầu tư xây dựng mỗi nhà máy nước lên đến cả trăm tỷ đồng.
Hầu hết các cơ sở cung cấp nước sạch này được giao cho DN quản lý, điều hành, còn lại là chịu sự giám sát và vận hành trực tiếp bởi chính quyền địa phương (xã, hợp tác xã…). Có 02 cơ sở được giao trực tiếp cho Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (Trung tâm Nước sạch) quản lý.
Theo tìm hiểu, trong quá trình giám sát và đảm bảo cho chất lượng của nước sau xử lý, có rất nhiều yêu cầu khắt khe nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Một trong những điều kiện bắt buộc đó là việc thực hiện theo các điểm được quy định trong Quy chuẩn Việt Nam: QCVN 01:20009/BYT, quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước ăn uống - do Cục Y tế dự phòng và môi trường soạn thảo và được Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành theo Thông tư số: 04/2009/TT-BYT ngày 17/6/2009.
Theo đó, có tất cả 108 danh mục các chất bắt buộc phải kiểm tra định kỳ và giới hạn cho phép đối với từng danh mục. Các danh mục này lại được chia ra làm 3 loại mức độ giám sát A, B, C. Trong mục 1,2,3 phần III của bản Quy chuẩn có ghi rõ bắt buộc các đơn vị phải xét nghiệm tất cả các chỉ tiêu thuộc mức độ A, B, C do cơ sở cung cấp nước thực hiện. Cụ thể:
- Đối với các chỉ tiêu thuộc mức độ A (15 chỉ tiêu): Xét nghiệm ít nhất 01 lần/tuần do cơ sở cung cấp nước thực hiện; Kiểm tra, giám sát, xét nghiệm ít nhất 01 lần/tháng do các cơ quan có thẩm quyền thực hiện.
- Đối với các chỉ tiêu thuộc mức độ B (16 chỉ tiêu): Xét nghiệm ít nhất 01 lần/06 tháng do cơ sở cung cấp nước thực hiện; Kiểm tra, giám sát, xét nghiệm ít nhất 01 lần/06 tháng do cơ quan có thẩm quyền thực hiện.
- Đối với chỉ tiêu thuộc mức độ C (77 chỉ tiêu): Xét nghiệm ít nhất 01 lần/02 năm do cơ sở cung cấp nước thực hiện; Kiểm tra, giám sát, xét nghiệm ít nhất 01 lần/02 năm do cơ quan có thẩm quyền thực hiện.
- Đối với việc giám sát đột xuất: Khi kết quả kiểm tra vệ sinh nguồn nước hoặc điều tra dịch tễ cho thấy nguồn nước có nguy cơ ô nhiễm; khi xảy ra sự cố môi trường có thể ảnh hưởng đến chất lượng vệ sinh nguồn nước; khi có các yêu cầu đặc biệt khác.
Thế nhưng, thực tế những yêu cầu này cũng chỉ được thực hiện ở mức độ A của QCVN01 (Quy chuẩn 01), còn mức độ B và C thì gần như là chưa thực hiện nên các chỉ số về kim loại nặng, thuốc trừ sâu từ nội đồng thoát ra và các độc tố khác vẫn chưa xét nghiệm được. Khi phát hiện những chỉ số vượt ngưỡng cho phép ở mức độ A thì báo hoặc tư vấn cho người vận hành hoặc cán bộ kỹ thuật của nhà máy, trạm nước sạch điều chỉnh sao cho nước đảm bảo chất lượng. Liệu rằng, chất lượng nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh Nam Định có thực sự bảo đảm?
Chỉ kiểm tra được 13% tiêu chí
Ông Nguyễn Văn Phi, Phó phòng Kỹ thuật & Kiểm nghiệm của Trung tâm Nước sạch, cho biết: “Theo quy định thì bắt buộc phải thực hiện việc kiểm tra tất cả những danh mục các chất được nêu trong Quy chuẩn 01, nghĩa là 108 danh mục chất theo đúng quy định và lộ trình. Tuy nhiên, trung tâm mới chỉ thực hiện được việc kiểm tra được với các chỉ tiêu thuộc mức độ A (nghĩa là 15 chỉ tiêu). Còn lại 93 chỉ tiêu khác thuộc danh mục B, C thì gần như là chưa có nhiều những hoạt động để kiểm soát”.
Lý giải cho điều này, ông Phi cho rằng do nguồn kinh phí hoạt động hạn hẹp, không đủ để có thể triển khai thực hiện đầy đủ các hoạt động theo quy chuẩn.
Cũng theo ông Phi, bất cập tiếp theo đó chính là nguồn nước đầu vào trước khi được xử lý ở các nhà máy. Những nguồn nước này được các đơn vị xử lý nước sạch lấy từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm cả những sông lớn (sông Đào, sông Đáy, sông Ninh Cơ) và nguồn nước từ sông nhỏ, kênh thủy lợi nội đồng. Đặc biệt, thời gian qua, với tốc độ phát triển của nông nghiệp, của nền kinh tế dẫn tới những tác động không nhỏ tới chất lượng nguồn nước. Do đó, chất lượng nước đầu vào không đảm bảo!
“Trên địa bàn tỉnh, chỉ có một số đơn vị có phòng thí nghiệm đủ điều kiện, còn lại hầu hết các cơ sở được giao cho xã, hợp tác xã quản lý, việc trang bị phòng thí nghiệm, cán bộ hóa học để xét nghiệm chất lượng nước hầu hết không có…”, ông Phi thừa nhận
Theo Thông tư số 50/2015/TT-BYT do Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long ký ngày 11/12/2015, quy định việc kiểm tra vệ sinh, chất lượng nước ăn uống, nước sinh hoạt nêu rõ: Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; trung tâm y tế dự phòng hoặc trung tâm y tế huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh có thẩm quyền kiểm tra vệ sinh, chất lượng nước của các cơ sở cung cấp nước.
Thế nhưng, theo Quyết định số 1238/QĐ-UBND ngày 18/6/2009 và Quyết định số 2712/QĐ-UBND ngày 24/11/2016 của UBND tỉnh Nam Định thì Trung tâm Nước sạch là đơn vị được UBND tỉnh, Sở NN&PTNT giao nhiệm vụ thực hiện việc phân tích, xét nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định về chất lượng nước đối với các đơn vị, tổ chức, cá nhân cung cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh để phục vụ cho công tác quản lý Nhà nước đối với nước sạch nông thôn.
Tuy nhiên, việc giám sát từ trung tâm này có phần dễ dãi. Cụ thể, hàng tuần, hàng tháng các cơ sở sẽ tự kiểm tra chất lượng của mình theo 15 chỉ tiêu ở mức độ A (đã là thiếu) của QCVN 01 rồi báo cáo. Còn Trung tâm Nước sạch thì thực hiện việc này chỉ ở mức tối thiểu đó là 1 lần/tháng.
Rõ ràng, việc giám sát chất lượng sản phẩm nước chưa thực sự được khắt khe. Các cơ sở tự sản xuất nước, rồi tự đưa ra những kết quả kiểm định. Mỗi tháng cơ quan chức năng mới thực hiện việc kiểm định 1 lần, thì liệu rằng chất lượng nước có đảm bảo?
Phan Chinh - Văn Hiệp