Theo TS Phan Thế Đồng, Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng thành phố Hồ Chí Minh, thời gian qua đã xảy ra rất nhiều vụ ngộ độc thực phẩm do sử dụng phẩm màu công nghiệp trong chế biến thực phẩm. Đơn cử như Rhodamine B là hóa chất phẩm màu chỉ sử dụng để nhuộm, cấm dùng trong thực phẩm vì sẽ gây hại cho gan, thận, có thể dẫn đến ung thư. Thế nhưng, cơ quan chức năng từng phát hiện loại phẩm màu này được sử dụng trong chế biến hạt dưa, tương ớt, sa tế, vịt quay…
Màu sử dụng trong chế biến thực phẩm gồm 2 nhóm chính là màu tổng hợp và màu thiên nhiên. Màu thiên nhiên được chiết xuất từ các mô của thực vật, dùng an toàn nhưng màu không bền, có thể thay đổi theo thời gian, nhiệt độ, ánh sáng và khiến thực phẩm được nhuộm màu không đẹp mắt. Còn màu tổng hợp được tạo ra từ các phản ứng tổng hợp của hóa học, thường tan trong nước và ổn định, độ bền màu cao, không bị tác dụng do thời gian, nhiệt độ hay ánh sáng, giá thành rẻ. Chính vì vậy, các nhà sản xuất thực phẩm rất thích dùng loại màu tổng hợp này. Bằng mắt thường khó có thể phân biệt đâu là phẩm màu thiên nhiên, đâu là phẩm màu tổng hợp. Tuy nhiên, thực phẩm có màu càng sặc sỡ thì nguy cơ dùng phẩm màu tổng hợp càng cao, mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người càng nghiêm trọng.
NTD cần hết sức lưu ý những thực phẩm có màu sắc bắt mắt, cần lựa chọn những thương hiệu uy tín.
Cũng theo ông Đồng, điều lo lắng hiện nay là hoạt động buôn bán hương liệu, phẩm màu chưa được quản lý chặt chẽ. Nhóm thực phẩm chế biến sẵn như bánh kẹo, nước giải khát, sản phẩm chế biến từ thịt, thủy sản, đồ hộp chính là các sản phẩm “ưa” phẩm màu nhất. Trong khi đó, Bộ Y tế đã lên danh mục 21 chất màu, gồm 11 chất màu tự nhiên, 10 chất màu tổng hợp được phép sử dụng trong thực phẩm. Quy định sử dụng chất tạo màu vô cùng nghiêm ngặt và yêu cầu nhà sản xuất chỉ được sử dụng các loại màu thực phẩm đã được cơ quan chức năng cho phép. Tuy nhiên, để tạo thêm tính hấp dẫn cho sản phẩm, nhiều doanh nghiệp đã tự ý dùng các phẩm màu tổng hợp, thậm chí cả loại phẩm màu dùng trong công nghiệp để nhuộm màu cho thực phẩm hoặc che giấu các sản phẩm bị hư hỏng, làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.
Là người trực tiếp khám và điều trị cho nhiều trường hợp ngộ độc thực phẩm liên quan đến phẩm màu tổng hợp, bác sĩ Lê Thị Lan Anh, Phó Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trường hợp bệnh viện tiếp nhận một bệnh nhi bị tan máu cấp rất nặng vào tháng 2/2018 là một điển hình. Nguyên nhân ngộ độc được xác định xuất phát từ món thịt bò khô tự làm có sử dụng một loại phẩm màu không rõ nguồn gốc mà bệnh nhân đã ăn trước đó 3 ngày. Thông thường, không ai dùng phẩm màu tự nhiên quá ngưỡng cho phép vì nó có giá thành đắt nhưng thường dùng vượt ngưỡng đối với phẩm màu tổng hợp. Sử dụng những loại thực phẩm có nhiều phẩm màu, người sử dụng có thể bị ngộ độc cấp tính với những triệu chứng như nôn, có khi nôn ra máu, đau bụng, đi ngoài nhiều lần (phân nước, có thể lẫn máu), có thể không sốt hoặc sốt cao trên 38 độ C, thậm chí bị suy gan, suy thận... Khi trẻ có biểu hiện bất thường, cha mẹ nên nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và chữa trị kịp thời. Không thể chủ quan để trẻ ở nhà theo dõi và tự ý cho trẻ dùng thuốc bởi có thể khiến tình trạng bệnh tăng nặng, dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Theo bác sĩ Lê Thị Lan Anh, để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh liên quan đến thực phẩm, người dân tuyệt đối không ăn những thức ăn không rõ nguồn gốc, đặc biệt không ăn những thức ăn có màu lòe loẹt, bắt mắt.
Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã khuyến cáo, người tiêu dùng nên cẩn thận khi chọn mua và sử dụng thực phẩm, nguyên tắc cơ bản là lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ, ngày tháng sản xuất, hạn sử dụng rõ ràng, có nhãn mác thông tin đầy đủ, không hỏng mốc và có mùi khó chịu. Phải hết sức thận trọng với các loại thực phẩm có màu sắc bắt mắt vì có thể những . Các đoàn thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm của Bộ Y tế cũng như của các địa phương khi tiến hành kiểm tra cơ sở, nếu phát hiện sản phẩm nghi có sử dụng phụ gia thực phẩm, phẩm màu không có trong danh mục cho phép thì sẽ tiến hành lấy mẫu và kiểm nghiệm nhanh tại chỗ. Việc kiểm tra ngay tại chỗ giúp loại bỏ được những thực phẩm không bảo đảm an toàn, sớm đưa ra cảnh báo cho người tiêu dùng.
Đặc biệt, các thực phẩm ăn liền được bán tại các cổng trường, như, nước ngọt đóng chai nhựa, xúc xích, kẹo... hường các sản phẩm này có chứa phẩm màu, phụ gia độc hại cho sức khỏe. nhà trường và các bậc phụ huynh cần chủ động hợp tác với các cơ quan chức năng khi phát hiện các loại thực phẩm nghi ngờ là kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái.
Linh Tuệ (t/h)