Ban nghiên cứu và phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về kết quả khảo sát tình hình người lao động (NLĐ) và một số đề xuất, tham mưu để hỗ trợ người lao động vượt qua khó khăn.

Cụ thể, thị trường lao động đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi những biến động kinh tế gần đây. Trong tổng số 8.343 NLĐ tham gia khảo sát trên cả nước, có 31% đang ở trong tình trạng không có việc làm. Tỷ lệ này đã giảm so với những năm Covid-19 (62% tại thời điểm tháng 8/2021 và 53% tại thời điểm tháng 10/2021), tuy nhiên vẫn còn khá cao, cho thấy bối cảnh nhiều thách thức đối với thị trường lao động.

Trước đó, trong báo cáo cụ thể của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, trong 5 tháng đầu năm, số lao động bị ảnh hưởng việc làm là 509.903 người, tương đương khoảng 3,4% tổng số lao động trong doanh nghiệp. Trong đó, số lao động thôi việc, mất việc làm là 279.409 người (chiếm 54,79% lao động bị ảnh hưởng); số lao động giảm giờ làm là 195.039 người (chiếm 38,25%); số lao động bị ngừng việc, nghỉ việc không lương là 17.003 người (chiếm 3,33%).

Theo đại diện của Ban IV, nguyên nhân khiến việc cắt giảm lao động hiện nay chủ yếu do tình hình kinh tế khó khăn, chính sách tiền tệ thắt chặt khiến sức mua sụt giảm, dư nhiều hàng tồn kho; doanh nghiệp thiếu đơn hàng mới; chi phí sản xuất tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam không thể cạnh tranh được; một số thị trường lớn của Việt Nam đặt ra yêu cầu mới về tiêu chuẩn hàng hoá và có sự thay đổi quan điểm thị hiếu của người tiêu dùng nên các doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn để tổ chức, sắp xếp lại hoạt động sản xuất.

Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, người lao động đứng trước nguy cơ mất việc làm
Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, người lao động đứng trước nguy cơ mất việc làm

Để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, việc quan trọng nhất hiện nay vẫn là phải trợ lực cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp duy trì và phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Từ đó, sẽ hỗ trợ gián tiếp cho người lao dộng.

Trước thực tế trên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đưa ra các chính sách đối với NLĐ thôi việc, mất việc làm; tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; hỗ trợ học nghề; chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm; chính sách hỗ trợ đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề cho NLĐ...

Bên cạnh chính sách chung của Nhà nước, các doanh nghiệp, tổ chức, địa phương cũng đưa ra nhiều phương thức khác nhau nhằm hỗ trợ người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn.

Tuy nhiên, Ban IV cũng đề xuất Chính phủ cần thúc đẩy các giải pháp để thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh; tập trung vào việc giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường; tìm kiếm các đơn hàng mới; giảm chi phí sản xuất, kinh doanh thông qua việc giảm lãi suất vay; kéo dài thời gian giảm thuế giá trị gia tăng cùng một số khoản phí, lệ phí liên quan đến bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn, hay xem xét mức đóng thuế thu nhập cá nhân mới để phù hợp với bối cảnh mới.

Ban nghiên cứu và phát triển kinh tế tư nhân lưu ý: Không ban hành thêm văn bản mới tạo thêm gánh nặng về thuế, phí, thủ tục hành chính cho cả doanh nghiệp và người lao động.

Thảo Nguyễn (T/h)