Ðược sự phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Thống kê (TCTK) bắt đầu hoàn thành nghiên cứu cơ sở lý luận, kinh nghiệm quốc tế, lựa chọn phương pháp để thử nghiệm thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát. Sau đó, đưa ra đánh giá, rút kinh nghiệm để thực hiện đo lường chính thức từ năm 2020.

Kể từ mốc thời gian nêu trên, hằng năm, các số liệu về khu vực kinh tế chưa được quan sát sẽ cập nhật vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tổng sản phẩm trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư (GRDP) cùng các chỉ tiêu kinh tế - xã hội khác và được công bố theo Luật Thống kê.

Khu vực kinh tế chưa được quan sát phản ánh kết quả của các đơn vị tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng chưa có điều kiện để thu thập thông tin. Khu vực này bao gồm năm thành tố: Kinh tế ngầm; kinh tế bất hợp pháp; kinh tế phi chính thức chưa được quan sát; kinh tế tự sản, tự tiêu của hộ gia đình; hoạt động kinh tế bị bỏ sót trong chương trình thu thập dữ liệu thống kê. Cùng với sự mở rộng của nền kinh tế, các hoạt động kinh tế không chính thức tại Việt Nam đang phát triển rất mạnh với quy mô được cho là có thể tương đương từ 25 đến 30% GDP.

Theo các chuyên gia, những hoạt động của khu vực kinh tế chưa được quan sát thường liên quan vấn đề chuyển dịch dòng tiền không theo kênh chính thức, thậm chí liên quan những hoạt động phạm pháp; tạo ra môi trường kinh doanh không bình đẳng; không khuyến khích và thúc đẩy tính sáng tạo, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Việc thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát trước hết có tác dụng đo lường chính xác hơn quy mô của nền kinh tế, đánh giá đầy đủ hơn thu nhập của người dân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, năng suất lao động, chỉ tiêu phản ánh về tài chính, bội chi ngân sách và nợ công.

Trên cơ sở đó, các cơ quan tham mưu, hoạch định chính sách có căn cứ đề xuất các định hướng, giải pháp, cơ chế quản lý của Nhà nước đối với hoạt động của các ngành kinh tế và quản lý lao động tốt hơn. Ðồng thời, đề nghị các chính sách liên quan mở rộng cơ sở thuế, chống thất thu thuế, xói mòn thuế, đưa ra các giải pháp quản lý xuất nhập khẩu... Yếu tố quan trọng khác là có cơ sở dữ liệu đánh giá và đề xuất các giải pháp quản lý, từng bước chuyển các hoạt động kinh tế phi chính thức thành hoạt động chính thức.

Trong các thành tố của khu vực kinh tế chưa quan sát được, TCTK chưa từng thu thập và tính toán đối với hai thành tố gồm: Kinh tế ngầm (hoạt động kinh tế hợp pháp nhưng bị giấu giếm một cách chủ ý, nhằm trốn thuế, bảo hiểm xã hội, tránh thực hiện các chế độ báo cáo theo quy định của pháp luật như báo cáo tài chính, báo cáo thống kê) và kinh tế bất hợp pháp (gồm các hoạt động buôn bán ma túy, cờ bạc, mại dâm và các ngành nghề hợp pháp nhưng không kinh doanh đúng với hoạt động đã đăng ký).

Do đó, để thực hiện đề án thống kê khu vực kinh tế chưa quan sát được sẽ phải tập trung vào hai thành tố nêu trên. Ðây là một thách thức lớn không chỉ đối với cơ quan thống kê của Việt Nam mà với nhiều quốc gia khác. Bởi ngay với các nước phát triển, trình độ quản trị tốt và có tính minh bạch cao cũng gặp khó khăn trong việc định lượng chính xác được khu vực kinh tế này.

Bên cạnh việc lựa chọn phương pháp thống kê đúng và phù hợp với thông lệ quốc tế, vấn đề quan trọng là cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương để tạo điều kiện cho cơ quan thống kê thu thập thông tin được đầy đủ, chính xác trong chương trình thu thập dữ liệu quốc gia.

 Tô Hà