Quyết định “khẩn cấp tạm thời” bị “trễ” mất 1 tuần?
Trên cơ sở Bản án phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật, ngày 10/08/2018, Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định Cưỡng chế Kê biên, xử lý tài sản số 41/QĐ-CTHADS để kể biên xử lý tài sản của ông Hà Văn Thắm gồm: (i) 68.779.140 cổ phiếu đứng tên Doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo (do ông Hà Văn Thắm là Chủ Doanh nghiệp) tại Tập đoàn Đại Dương; và (ii) 3.333.333 cổ phiếu đứng tên ông Hà Văn Thắm tại Tập đoàn Đại Dương.
TAND quận Ba Đình nơi ban hành Quyết định114/2018/QĐ-BPKCTT
Nhằm ngăn chặn Hà Văn Thắm và Doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo sử dụng số cổ phiếu đã bị kê biên xử lý nêu trên để thoả thuận với các cổ đông khác có thể dẫn đến làm giảm giá trị doanh nghiệp, giảm giá trị cổ phiếu, ngày 13/08/2018, Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội đã phát hành Công văn số 3362/CTHADS gửi tới Tập đoàn Đại Dương có nội dung: “Tài sản đã bị kê biên, xử lý để thi hành án đảm bảo cho nghĩa vụ của Hà Văn Thắm đối với Nhà nước, vì vậy, Hà Văn Thắm và Doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo không được sử dụng tài sản này để tham gia thỏa thuận dưới bất kỳ hình thức nào, trong đó bao gồm cả quyền thỏa thuận với các cổ đông khác tại OGC, không được thực hiện quyền chủ sở hữu, quyền định đoạt, quyền cổ đông (quyền biểu quyết, ứng cử, đề cử và các quyền khác phát sinh từ quyền sở hữu) tại Tập đoàn Đại Dương từ thời điểm bản án có hiệu lực pháp luật cho đến khi Hà Văn Thắm thực hiện xong nghĩa vụ thi hành án”.
Ngày 15/08/2018, Tập đoàn Đại Dương tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 lần 3 (do 2 lần đầu không đủ điều kiện tổ chức theo quy định tại Điều lệ), Ban Tổ chức đại hội không chấp nhận quyền biểu quyết của Doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo và người đại diện cho ông Hà Văn Thắm tại cuộc họp này.
Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 lần 3 của Tập đoàn Đại Dương đã biểu quyết tán thành đối với các vấn đề được đưa ra với trên 90% tổng số phiếu có quyền biểu quyết.
Trong khi Hội đồng quản trị và Ban lãnh đạo của OGC đang gấp rút và tích cực triển khai Kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2018 đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua thì người đại diện cho Doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo đã khởi kiện yêu cầu Tòa án Nhân dân quận Ba Đình (Thông báo thụ lý): Hủy toàn bộ nghị quyết đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 số 002/2018/NQ-ĐHĐCĐ ngày 15/08/2018. Doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo cho rằng việc Đại hội đồng cổ đông OGC không chấp nhận quyền biểu quyết của Doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 là sai quy định.
Sau đó, ngày 10/10/2018, Tập đoàn Đại Dương tiếp tục nhận được Quyết định Áp dụng Biện pháp khẩn cấp tạm thời số 114/2018/QĐ-BPKCTT của Tòa án Nhân dân quận Ba Đình. Theo đó, Thẩm phán Trần Thị Tố Thu quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 127 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015: “Cấm thực hiện Nghị quyết đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 số 02/2018/NQ-ĐHĐCĐ ngày 15/08/2018 của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Dương cho đến khi có quyết định khác theo quy định của pháp luật”.
Quyết định số 114/2018/QĐ-BPKCTT đề ngày 03/10/2018, nhưng đến ngày 10/10/2018 OGC mới nhận được?
Đáng nói, Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 114/2018/QĐ-BPKCTT đề ngày 03/10/2018, nhưng mãi đến 10/10/2018, Tập đoàn Đại Dương mới nhận được văn bản trên của TAND quận Ba Đình. Với độ trễ đến cả tuần như vậy, các biện pháp, phản hồi của doanh nghiệp sẽ xoay sở ra sao ? Nhất là khi doanh nghiệp có mã chứng khoán niêm yết, mọi hoạt động liên quan đều có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông, những thiệt hại (nếu có) thì cá nhân nào là người chịu trách nhiệm ?
Khiếu nại của doanh nghiệp cần sớm làm rõ, kết luận
Thực tế, sau khi nhận được Quyết định 114/2018/QĐ-BPKCTT của TAND quận Ba Đình, Tập đoàn Đại Dương đã có nội dung đơn thư khiếu nại. Trong đó, đặt vấn đề về tính hợp pháp của Quyết định này.
Đại diện Doanh nghiệp nêu: Theo khoản 1 Điều 111 Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định: “Trong quá trình giải quyết vụ án, đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án quy định tại Điều 187 của Bộ luật này có quyền yêu cầu Tòa án đang giải quyết vụ án đó áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 của Bộ luật này để tạm thời giải quyết theo yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, thu thập chứng cứ, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có, tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án”.
Do đó, việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời sẽ chỉ được áp dụng trong quá trình giải quyết vụ án, không có quy định nào cho thấy Tòa án có quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong quá trình giải quyết vụ việc kinh doanh thương mại.
Theo quan điểm của Luật sư, Quyết định 114/2018/QĐ-BPKCTT không nêu rõ ai là chủ thể phải thực hiện biện pháp khẩn cấp tạm thời mà Tòa án đã quyết định áp dụng. Việc xác định tư cách của các đương sự trong quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cũng không chính xác theo quy định pháp luật tố tụng dân sự, có dấu hiệu nóng vội, thiếu khách quan.
Với diễn biến của sự việc nêu trên, cơ quan có thẩm quyền cần sớm thụ lý đơn khiếu nại và xác minh, làm rõ, kết luận theo đúng quy định pháp luật để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của các bên liên quan.
Nhóm PV
Vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm xảy ra tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (Oceanbank) là một trong các vụ án kinh tế nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.
Ngày 04/05/2018, Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã xét xử phúc thẩm và tuyên Bản án Hình sự Phúc thẩm số 281/2018/HSPT. Theo đó, Hà Văn Thắm bị tuyên buộc phải chấp hành hình phạt Tù Chung thân, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 24/10/2014, tổng giá trị khoản tiền mà Hà Văn Thắm có nghĩa vụ bồi hoàn cho Nhà nước là gần 900 tỷ đồng.
Đối với các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo như vụ án trên, việc nâng cao hiệu quả thu hồi tiền, tài sản về cho Nhà nước được dư luận xã hội quan tâm.