Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, kể từ khi xuất hiện vào cuối năm 2021, biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 đã nhanh chóng trở thành biến thể chủ đạo trên toàn cầu.
Omicron có các biến thể phụ gồm BA.1, BA.1.1, BA.2 và BA.3. Trong đó, số liệu từ cơ sở dữ liệu GISAID cho thấy BA.1 và BA.1.1 hiện chiếm hơn 96% tổng số mẫu nhiễm Omicron được giải trình tự gene.
Đặc biệt, số ca nhiễm biến thể BA.2 đang gia tăng nhanh chóng. Đây được gọi là biến thể tàng hình vì nó khó phát hiện hơn so với các biến thể khác. Ngoài việc khó phát hiện hơn, BA.2 còn được cho có thể dễ lây lan hơn chủng "họ hàng", nhưng chưa có bằng chứng cho thấy nó có thể dễ dàng lách qua lớp bảo vệ từ vaccine.
Đến nay, các mẫu giải trình tự gene chứa BA.2 báo cáo lên GISAID đã được ghi nhận ở 57 quốc gia. Theo đại diện của WHO thì tại một số nước, BA.2 đã chiếm tới hơn 50% số mẫu Omicron giải trình tự gene.
Theo WHO, hiện vẫn còn rất ít thông tin về sự khác biệt giữa các dòng phụ của biến thể Omicron và tổ chức này kêu gọi có thêm các nghiên cứu về điều này, bao gồm độc lực, khả năng lây truyền, khả năng né tránh phản ứng miễn dịch.
Một số nghiên cứu gần đây cho thấy rằng BA.2 có khả năng lây nhiễm cao hơn so với Omicron phiên bản gốc (BA.1).
Bà Maria Van Kerkhove, một trong những chuyên gia hàng đầu của WHO về Covid-19 thông tin về "Omicron tàng hình" rất hạn chế, nhưng một số dữ liệu ban đầu cho thấy BA.2 có "tốc độ tăng nhẹ so với BA.1". Bà cũng nhấn mạnh Covid-19 vẫn là một căn bệnh nguy hiểm và người dân nên cố gắng phòng tránh lây nhiễm.
Các quan chức y tế Đan Mạch ước tính BA.2 dường như đang lây lan nhanh hơn BA.1 khoảng 1,5 lần, dù không gây ra triệu chứng nặng hơn. BA.2 hiện chiếm khoảng 82% các trường hợp mắc Covid-19 ở Đan Mạch.
Nguyễn Dương