Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng để làm được như vậy, các quốc gia cần phải nỗ lực hơn nữa để đảm bảo việc tiếp cận công bằng với vaccine và điều trị, cũng như tiếp tục theo dõi virus SARS-CoV-2 và các biến thể mới xuất hiện của nó, đồng thời duy trì các biện pháp phòng, chống lây nhiễm.
Nhiều tháng qua, WHO đã yêu cầu các quốc gia phải hành động nhiều hơn nữa để đẩy nhanh việc phân phối vaccine tại những khu vực thu nhập thấp, đồng thời kêu gọi tất cả các quốc gia hoàn thành mục tiêu tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho ít nhất 70% dân số của họ vào giữa năm nay.
Cũng theo ông Tedros, một nửa trong số 194 quốc gia thành viên của WHO đã bỏ lỡ mục tiêu trước đó là tiêm chủng cho 40% người dân của họ vào cuối năm 2021. Hiện 85% người dân ở châu Phi vẫn chưa được tiêm mũi đầu tiên.
COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 5,5 triệu người kể từ khi bùng phát vào cuối năm 2019. Số người mắc đã tăng lên mức kỷ lục bởi sự xuất hiện của biến thể Omicron đột biến cao.
Kể từ khi biến chủng này lần đầu được phát hiện ở miền Nam châu Phi cách đây 9 tuần, cơ quan y tế các nước đã báo cáo khoảng 80 triệu ca nhiễm Omicron, nhiều hơn cả năm 2020 cộng lại.
Người đứng đầu WHO khẳng định thế giới sẽ cần học cách chung sống với COVID-19 thông qua một chiến lược bền vững và tích hợp đối với các bệnh hô hấp cấp tính.
"Thật nguy hiểm khi cho rằng Omicron sẽ là biến thể cuối cùng hoặc rằng chúng ta đang ở hồi kết. Ngược lại, trên toàn cầu đang có các điều kiện lý tưởng để có thêm nhiều biến thể xuất hiện. Để thay đổi tiến trình của đại dịch, chúng ta phải thay đổi các điều kiện đang thúc đẩy nó", ông Tedros nói.
Ông Tedros cho rằng thế giới không thể "đánh cược với một virus mà chúng ta không thể dự đoán hay kiểm soát được sự tiến hóa của nó".
Người đứng đầu WHO cho biết thế giới sẽ cần học cách sống chung với COVID-19.
Nguyễn Dương