Ông Huỳnh Văn Hải, Tổ trưởng Dân phố 13 cho biết, nhiệm kỳ này nhiều Đảng viên chi bộ 13 vẫn tiếp tục giới thiệu ông Phạm Văn Bôn ra ứng cử, nhưng ông cương quyết khước từ, ông tâm sự với chi bộ “Đã 34 năm làm Bí thư, tôi đã xin nghỉ nhiều lần rồi nhưng Chi bộ không cho lần này tôi cương quyết xin nghỉ để các đồng chí khác trẻ, khoẻ, có năng lực, trình độ văn hoá cao hơn gánh vác trách nhiệm trước dân, trước Đảng, mong chi bộ thông cảm cho!”
Sinh ra sau cách mạng tháng 8, ông đã sớm không thấy mặt cha khi mang chiếc khăn tang trên đầu lúc còn ẳm ngửa. Cha ông là Đại đội phó, thuộc trung đoàn Trần Cao Vân chiến đấu tại mặt trận huyện Phong Điền và hy sinh trong một trận giặc càn. Ông sống với mẹ tần tảo khuya sớm. Đầu năm 1968, khi chuẩn bị cho chiến dịch Mậu thân, ông lúc đó đang học lớp đệ tứ Trường Nguyễn Tri Phương, Huế (lớp 9 bây giờ) được đồng đội cũ của cha móc nối đưa vào hoạt động tại Đội công tác Khu phố 5, tiếp đó vào Biệt động thành Huế…
Sau thắng lợi tết Mậu thân, đơn vị Biệt động thành của ông về đóng căn cứ bí mật tại Thôn Sư Lỗ Thượng (xã Phú Hồ, huyện Phú Vang). Tháng 8/1968, địch về càn quét, tổ chức xăm hầm khu vực này 03 ngày 03 đêm. Nằm hầm đến đêm thứ 03, nhịn đói, khát, ông và người bạn chung hầm quyết định mở đường tìm về đơn vị. Cả hai chỉ mặc quần cộc ôm súng vượt qua sông Lợi Nông, theo cánh đồng Thanh Thuỷ Chánh về xã Thuỷ Vân thì bị địch phát hiện. Trước đội quân Mỹ đông đúc đang phục kích, kêu gọi đầu hàng cả hai không chịu, tìm đường rút lui. Trên đường rút, người bạn của ông không may bị chúng bắn lồi cả ruột ra ngoài và bị bắt còn ông thì chạy men theo bờ hói và lội xuống núp dưới một đám bèo Nhật Bản.
Rạng sáng, quân Mỹ bắt đầu lùng sục, xăm tìm dọc theo bờ hói, lâu lâu băn hú hoạ vài tràng súng liên thanh xuống sông nhưng không trúng. Núp dưới bèo suốt ngày, ông cả người bị đỉa đeo bám, lạnh, đói, nhưng không dám nhúc nhích. Đến khoảng 8g tối, ông không may bị địch xăm trúng, lôi lên bờ thấy người ông gầy ốm, trên người cả trăm con đỉa máu me đầm đìa, chúng chỉ ra chân đá mấy cái rồi đưa về giam tại Lao Thừa Phủ (Huế)
…. Và từ đây ông bắt đầu sống cuộc đời nhục hình trong các nhà tù của địch, từ Thừa Phủ đưa vào Trại giam Non Nước (Đà Nẵng) rồi ra đảo Phú Quốc (đầu năm 1969). Ở Phú Quốc, ông được Chi bộ nhà tù giao làm Bí thư Chi Đoàn Thanh niên, tổ chức các hoạt động đấu tranh theo chỉ đạo của Chi bộ nhà tù…cho đến ngày 24/3/1973, sau hơn 05 năm lao tù, khổ sai, ông được địch trao trả tù binh tại Lộc Ninh.
Sau thời gian an dưỡng ông được đưa vào Đoàn 53,55 Quân khu Trị Thiên tiếp tục cầm súng chiến đấu và được kết nạp Đảng vào tháng 4/1976. Năm 1977 ông ra quân. Năm 1982 về làm Phó chủ tịch UBND phường Vỹ Dạ, Huế; năm 1988 xin nghỉ việc UBND phường về trực tiếp làm Bí thư Chi bộ tổ 13 cho đến nay.
Phải nói rằng, 34 năm làm Bí thư Chi bộ, ông Phạm Văn Bôn ở bất cứ cương vị nào cũng hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. Ông Châu Khắc Huế, Trưởng Ban Bảo vệ Dân phố tổ 13 cho biết: Ông Bôn là Bí thư chi bộ rất được lòng dân. Nghe mưa bão đã thấy ông có mặt từ đầu làng đến cuối xóm nhắc nhở bà con chằng chống nhà cửa. Bão tan đã thấy ông xuất hiện cùng tổ trưởng Dân phố, các đoàn thể giúp dân sửa chữa nhà hư hỏng, làm vệ sinh môi trường… Thấy Ban Bảo vệ không có trụ sở, ông vận động trong nhà, người thân ủng hộ từng tấm tôn, viên gạch. Thấy vậy người dân hưởng ứng theo, đến bây giờ Trụ sở Ban Bảo vệ có cơ ngơi dù không to lớn như các khu phố khác nhưng cũng khá khang trang, là địa chỉ hỗ trợ người dân khi mưa bão, chốt chặn đảm bảo an ninh cho cả khu vực…
Ông Trần Minh Quả, “Già làng”, Trưởng tộc Họ Trần thì nói về cái “tâm” của người Bí thư Chi bộ: Tôi có thời gian dài làm Tổ trưởng Dân phố, Thanh tra nhân dân rồi Chi hội trưởng Người cao tuổi. Công việc của tôi hoàn thành, nhiều năm được giấy khen của phường, của thành phố, của tỉnh… nhờ sự hỗ trợ của ông Bôn và chi bộ rất nhiều. Gia đình nào bất hoà đã thấy ông Bôn tìm đến khuyên nhủ; nhà nào tang gia, hộ nào khó khăn ông cùng Tổ Dân phố tìm cách vận động hỗ trợ…Đọc trên báo chí thấy nhiều Đảng viên có chức có quyền nhưng chỉ lo vun vén cho gia đình, cuối cùng bị bắt giam tù tội…thì tôi thấy ông Bôn đúng là một Đảng viên chân chính!
Đại đức Thích Nhật Tuệ, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo huyện Phú Vang, ở Chùa Pháp Hải (Tổ 13, Vỹ Dạ) cho biết: Ông Bôn có hoàn cảnh gia đình khá khó khăn nhưng là người sống rất có trách nhiệm, quan tâm đến người dân, biết quán xuyến các hoạt động của địa phương. Nhiều hoạt động xã hội của Chùa, ông đều tham gia hỗ trợ…
Ông là vậy đó, không muốn nói nhiều về mình, khi tôi hỏi ông về các Huân huy chương ông đã nhận được, ông chỉ nói “Phần thưởng lớn nhất của cuộc đời tôi, của người Đảng viên là … LÒNG DÂN”
Trần Minh Tích