Phát biểu tại tọa đàm ông Đỗ Tiến Sỹ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam nhấn mạnh, năm 2023, do chịu tác động lớn khi thị trường bất động sản bị "đóng băng", tiến độ của nhiều dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân chậm lại.
Song vượt qua những khó khăn trở ngại, đến thời điểm này, các hoạt động trong nhiều lĩnh vực của ngành xây dựng cơ bản được khôi phục, phát triển phù hợp.
Sau hơn 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2011-2020, tính đến hết năm 2022, cả nước đã hoàn thành 307 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị với khoảng 157.100 căn. Đạt 41,7% kế hoạch và đang triển khai thực hiện 418 dự án với khoảng 432.400 căn.
Trong đó, nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp đã hoàn thành 126 dự án với khoảng 62.700 căn hộ và đang triển khai 127 dự án khoảng 160.900 căn hộ; nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp đô thị, đã hoàn thành 181 dự án với khoảng 94.390 căn hộ và đang triển khai 291 dự án với khoảng 271.500 căn hộ.
Ngày 03/04/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” của Bộ Xây dựng, trong đó phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025 - 2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nói: đến thời điểm hiện tại, các văn bản và chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, các chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân đã khá hoàn thiện. Muốn hiện thực hoá đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội cần sự chung tay của các cấp chính quyền và hội nghề nghiệp.
Đứng ở góc độ địa phương, ông Nguyễn Hữu Thọ – Phó chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng nói, thành phố phấn đấu đến 2025 xây dựng được 15.000 căn hộ trong đó 80% căn hộ hoàn thành.
Đại diện thành phố Hải Phòng nhấn mạnh, thành phố sẽ thực hiện giải pháp để xây dựng nhà ở xã hội. Trong đó tập trung một số giải pháp như lựa chọn và bố trí đất đai trên toàn thành phố, ưu tiên khai thác tối đa sử dụng kém tối đa trong đô thị, các nhà kém chất lượng trong đô thị để xây dựng nhà ở xã hội. Rút ngắn thời gian hành chính, bàn giao đất cho nhà đầu tư.
“Nghiên cứu các chính sách tài chính để đề xuất với thành phố để có chính sách tài chính linh hoạt cho người dân cũng như các chủ đầu tư. Ngăn chặn việc trục lợi chính sách, xoá bỏ tư duy nhà ở xã hội, nhà giá rẻ là phân khúc thấp, chỉ dành cho người cho yếu thế” – ông Nguyễn Hữu Thọ nhấn mạnh.
Trong báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 01 vừa gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng cho biết ngay sau khi Thủ tướng phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030, Bộ đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương cùng thực hiện đề án. Đến nay các địa phương trên cả nước đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 181 dự án, quy mô xây dựng khoảng 94.390 căn hộ, với tổng diện tích sàn nhà ở 4.815.000m2. Bên cạnh đó các địa phương đang tiếp tục triển khai 291 dự án, quy mô xây dựng khoảng 271.500 căn hộ, với tổng diện tích sàn khoảng 14.520.000m2.
Để đạt được mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, một trong những yếu tố quan trọng nhất hiện nay là cần phải tập trung xây dựng; hoàn thiện chính sách về nhà ở xã hội của Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi; tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về cơ chế, chính sách, tạo quỹ đất, tạo nguồn vốn ưu đãi tín dụng nhà ở xã hội để hỗ trợ cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội và huy động thêm nhiều nguồn lực xã hội hoá từ khu vực tư nhân tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội.
Khánh Yên