Theo đó, dự án nhà máy giày Thường Xuân có tổng diện tích đất thu hồi để thực hiện dự án là 3.539,5 m2, gồm đất trồng cây lâu năm, đất trồng cây hàng năm, đất thủy sản, đất thủy lợi, đất giao thông, do UBND xã Xuân Dương, huyện Thường Xuân quản lý.
Tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 0 đồng. UBND huyện Thường Xuân là đơn vị được giao thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
UBND tỉnh Thanh Hoá cũng đã có quyết định thu hồi đất do UBND xã Xuân Dương quản lý để UBND huyện Thường Xuân tổ chức bồi thường, hỗ trợ GPMB thực hiện dự án nhà máy giày Thường Xuân.
Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm về tính chính xác, phù hợp với quy định của pháp luật về thông tin, số liệu, đối tượng, nguồn gốc đất, tình hình sử dụng đất và quản lý tài sản công liên quan đến dự án; tổ chức triển khai, kiểm tra việc thực hiện quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh; chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai Thanh Hóa trực thuộc và các đơn vị liên quan chỉnh lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu địa chính theo quy định của pháp luật.
UBND huyện Thường Xuân chỉ đạo Hội đồng bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tái định cư huyện Thường Xuân chấp hành nghiêm túc quy định về quản lý tài sản công; niêm yết công khai quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và thực hiện chi trả bồi thường, hỗ trợ GPMB theo hương án đã được phê duyệt.
Thường Xuân là một trong những huyện miền núi còn nhiều khó khăn của tỉnh Thanh Hóa. Giảm nghèo là mục tiêu trọng tâm của địa phương này. Những năm qua, huyện đã nỗ lực phát triển kinh tế, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.
Nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, huyện Thường Xuân đang không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn huyện. Để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, huyện đã tập trung rà soát quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội toàn huyện; quy hoạch, định hướng vùng sản xuất hàng hóa.
Hoài Thu