Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), sau khi uptrend được xác nhận, VN-Index tiếp tục vận động tích cực và hình thành các nền tảng tích lũy mang tính chất củng cố ngắn hạn để tiếp tục tích lũy động lực tăng. Ở khu vực vận động hiện tại, VN-Index không đối diện với ngưỡng cản thực sự rõ ràng, tuy nhiên, thị trường hoàn toàn có thể hình thành các vùng điều chỉnh trong quá trình tăng điểm như các nhịp điều chỉnh và tích lũy ngắn hạn trong thời gian qua.
“Thị trường trong ngắn hạn tiếp tục bứt phá liên tiếp nhưng sẽ đối diện với các nhịp rung lắc, do đó, nhà đầu tư ngắn hạn cần thận trọng và chỉ giải ngân trong các nhịp điều chỉnh. Trong trung, dài hạn thị trường đã hình thành uptrend và mục tiêu VN-Index hướng tới sẽ là khu vực 1.300 điểm. Các nhà đầu tư trung và dài hạn liên tục giải ngân trong giai đoạn vừa qua từ chân sóng hoàn toàn đã cơ cấu được danh mục hợp lý, trong trường hợp cần giải ngân thêm có thể tận dụng các phiên điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng, hướng giải ngân nên lựa chọn các cổ phiếu đầu ngành có nền tảng cơ bản tốt, các cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng ổn định đang vận động trong trạng thái tích lũy hiện nay”, chuyên gia của SHS nêu quan điểm.
Còn nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán ASEAN (ASEANSC) cho rằng, thị trường phiên cuối tuần trước 28/7 ghi nhận một phiên tăng điểm khá với giá đóng cửa ở mức cao nhất trong ngày, trong bối cảnh thanh khoản giảm nhẹ nhưng vẫn cao hơn trung bình 20 phiên. Điều này cho thấy bên mua đang chiếm ưu thế, và xu hướng tăng tiếp tục được duy trì. Do đó, thị trường sẽ tiếp tục có quán tính tăng điểm trong phiên hôm nay 31/7.
“Trong phiên giao dịch hôm nay 31/7, chỉ số VN-Index sẽ có quán tính tăng điểm trong phiên sáng để kiểm định vùng kháng cự gần 1.210 – 1.215 điểm, và xa hơn là vùng kháng cự 1.220 – 1.225 điểm. Sự rung lắc có thể diễn ra ở vùng giá cao khiến VN-Index thu hẹp đà tăng về phía cuối ngày”, chuyên gia của ASEANSC dự báo.
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán VNDIRECT đánh giá, thị trường có chút lưỡng lự và rung lắc đầu tuần qua do tâm lý nhà đầu tư thận trọng chờ đợi cuộc họp của FED về chính sách tiền tệ vào giữa tuần. Mọi thứ diễn ra đúng như thị trường kì vọng và sau đó VN-Index đã có nhịp tăng khá mạnh về cuối tuần và chính thức vượt mốc 1.200 điểm. Bên cạnh đó, thông tin về tăng trưởng GDP quý II của Mỹ đạt 2,4% cao hơn so với dự đoán của các chuyên gia và Quý 1/2023 cũng góp phần vào đà tăng trưởng của thị trường. Tuy nhiên, thị trường đã có một nhịp tăng điểm khá dài và đang trong trạng thái quá mua, do đó, nhà đầu tư nên giữ trạng thái tâm lý tỉnh táo và hạn chế “Fomo” ở thời điểm này.
Trước đó, VN-Index có tuần thứ 4 liên tiếp tăng điểm với thanh khoản thị trường, khối lượng giao dịch gia tăng mạnh. VN-Index duy trì tăng trong 3 phiên đầu tuần, sau đó rung lắc mạnh ở vùng tâm lý 1.200 điểm, phục hồi tốt ở vùng giá quanh 1.190 điểm và kết thúc tuần tăng mạnh 1,84% so với tuần trước, lên mức 1.207,67 điểm. VN30 tăng 2,18% lên mức 1.212.45 điểm và HNX-Index tăng 1,09% so với tuần trước lên mức 237,54 điểm.
Trong tuần qua, thanh khoản trên HOSE đạt 102.614,47 tỷ đồng, tăng 14,2% so với tuần trước, trong đó có phiên giao dịch thanh khoản cao nhất 1 năm nay với gần 23.000 tỷ đồng. Khối lượng giao dịch tăng mạnh hơn 17,8% cho thấy dòng tiền ngắn hạn gia tăng trở lại ở các nhóm vốn hóa trung bình và nhỏ, tập trung nhiều ở nhóm bất động sản.
Thanh khoản HNX tăng 14,2% với 9.226,45 tỷ đồng được giao dịch. Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng tuần thứ hai với giá trị 807,08 tỷ đồng, duy trì mua ròng trên HNX với giá trị 53,66 tỷ đồng.
Tâm lý FOMO trong đầu tư chứng khoán
Tâm lý sợ bỏ lỡ FOMO có thể dẫn đến các quyết định sai lầm của nhà đầu tư khi chứng kiến một mã cổ phiếu trên đà tăng trưởng hoặc giảm mạnh.
FOMO là viết tắt của cụm từ "Fear of missing out", chỉ trạng thái tâm lý lo lắng, sợ bỏ lỡ cơ hội. FOMO dẫn dắt lòng tham và đánh thức nỗi sợ sâu thẳm của mỗi người nên thường được coi là "cái bẫy" với không chỉ các nhà đầu tư F0 mà còn với cả những người giàu kinh nghiệm.
Trong chứng khoán, FOMO phản ánh tâm lý của nhà đầu tư khi chứng kiến một mã cổ phiếu đang trên đà tăng trưởng hoặc giảm mạnh.
Khi thị trường tiếp đà tăng trưởng, FOMO sẽ dẫn dắt nhà đầu tư giao dịch theo tâm lý đám đông. Còn trong trường hợp thị trường trên đà giảm điểm, nếu bị chi phối bởi hiệu ứng FOMO, nhà đầu tư thường nảy sinh cảm giấc bất an, thiếu tự tin, từ đó dễ dẫn đến các quyết định sai lầm.
Minh An(T/h)