Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), trong ngắn hạn, thị trường có khả năng sẽ tiếp tục diễn ra các nhịp rung lắc, phục hồi để hình thành vùng tích lũy mới sau khi đã thất bại tại vùng 1.250 điểm.

Xu hướng tăng điểm trung hạn của VN-Index vẫn được duy trì khi chỉ số vẫn đang nằm trên vùng 1.125 điểm - 1.150 điểm và khả năng thị trường có thể tích lũy lại tạo nền tảng mới để chuẩn bị cho nhịp tăng tiếp theo. “Trong ngắn hạn, thị trường có thể tiếp tục rung lắc kiểm định lại vùng hỗ trợ trong vùng 1.150 điểm – 1.170 điểm. Nhà đầu tư ngắn hạn nên duy trì tỷ trọng thấp và tiếp tục quan sát diễn biến thị trường. Nhà đầu tư trung, dài hạn tiếp tục nắm giữ danh mục hiện tại”, chuyên gia của SHS nêu quan điểm.

Còn theo nhóm phân tích của Công Ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN), chỉ số VN-Index có thể sẽ tiếp tục biến động gần đường trung bình 50 phiên trong phiên giao dịch hôm nay 24/8. Đồng thời, các chỉ báo kỹ thuật giảm về gần vùng quá bán nên thị trường có thể sẽ xuất hiện các nhịp hồi trong phiên giao dịch hôm nay, điểm tích cực là áp lực bán có dấu hiệu suy yếu. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý vẫn đang ở giai đoạn bi quan quá mức nên các nhà đầu tư nên hạn chế bán tháo ở giai đoạn này.

“Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, trong ngắn hạn, các nhà đầu tư nên dừng bán ở giai đoạn hiện tại và xem xét mua thăm dò với tỷ trọng thấp dưới 10%”, chuyên gia của YSVN lưu ý.

Về góc nhìn kỹ thuật, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương (VCBS) đánh giá, VN-Index đóng cửa với 1 nến marubozu và vẫn tiếp tục xu hướng kiểm tra lại vùng 1.180 điểm. Tuy nhiên, cùng với hai phiên hồi phục liền trước, biên độ dao động đang có xu hướng mở rộng hơn đi cùng khối lượng sụt giảm cho thấy cả phe bán và phe mua đều đang khá do dự và chờ đợi tín hiệu về xu hướng mới.

Chỉ báo RSI tiếp tục rơi về 40, cho thấy động lượng đảo chiều xu hướng để chuyển sang tăng giá là tương đối thấp, nhưng ở kịch bản tích cực, VN-Index sẽ dao động tích lũy tại vùng điểm số này và hấp thụ dần lực cung tiềm năng trong những phiên tới.

Kết phiên giao dịch ngày 23/8, VN-Index giảm 7,93 điểm (-0,67%) về mức 1.172,56 điểm.
Kết phiên giao dịch ngày 23/8, VN-Index giảm 7,93 điểm (-0,67%) về mức 1.172,56 điểm.

Kết phiên giao dịch ngày 23/8, VN-Index giảm 7,93 điểm (-0,67%) về mức 1.172,56 điểm và kiểm tra lại vùng giá thấp nhất ngày 21/08/2023 tương ứng quanh 1.165 điểm. HNX-Index giảm 1,58 điểm (-0,66%) về 238,07 điểm. Độ rộng trên hai sàn niêm tiếp tục nghiêng về tiêu cực khi mức độ phục hồi kém và áp lực bán vẫn gia tăng ở nhiều mã khi tổng cộng có 376 mã giảm giá (8 mã giảm sàn), 252 mã tăng giá (17 mã tăng trần), và 135 mã giữ giá tham chiếu.

Thanh khoản trên hai sàn niêm yết chỉ đạt 18.390,09 tỷ đồng được giao dịch, giảm mạnh 22,71% so với phiên trước, dưới mức mức trung bình của thị trường, khối lượng giao dịch của VN-Index thấp nhất từ 5/7 trở lại đây cho thấy tâm lý thận trọng hơn và nhiều mã vẫn phục hồi kém với thanh khoản suy giảm.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng dưới áp lực bán ròng mạnh nhưng phiên gần đây của khối ngoại, tiếp tục điều chỉnh, nhiều mã giảm khá mạnh với thanh khoản gia tăng kém tích cực như: STB (-3,89%), VCB (-2,38%), HDB (-1,83%), VPB (-1,70%)... bên cạnh một số mã tăng giá nhẹ với NAB (+1,65%), TCB (+0,30%)... Nhóm cổ phiếu thép HPG (-1,91%) tiếp tục điều chỉnh khi khối ngoại bán ròng đột biến trong 2 phiên gần đây, các mã còn lại cũng điều chỉnh như: TVN (-2,82%), SMC (-0,88%), TLH (-0,74%), HSG (-0,54%)...

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu đầu tư công, xây dựng, vật liệu xây dựng phân hóa trước những thông tin về cuộc họp liên quan đến gói thầu 5.10 của dự án thành phần 3, dự án Sân bay Long thành với đa số mã phục hồi, thanh khoản suy giảm như: HBC (+2,32%), VCG (+1,73%), PHC (+1,48%), PLC (+0,88%), CTD (+0,85%)...

Minh An(T/h)