Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Thừa thiếu giáo viên cục bộ… lỗi ở Bộ GD&ĐT và các địa phương - Hình 1

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị

Sáng 21/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2016-2017 và triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018. Vấn đề được nhắc tới nhiều là tuyển sinh của trường sư phạm, cơ hội xin việc của sinh viên ngành sư phạm, thừa thiếu giáo viên, biên chế giáo viên.

“Giáo viên… chế độ đãi ngộ như hiện tại là chưa đủ”

Nêu ý kiến tại hội nghị, ở điểm cầu Nam Định, đại diện Sở GD&ĐT Nam Định cho rằng, hiện nay có quá nhiều cơ sở đào tạo giáo viên, nhưng tuyển sinh không dựa trên nhu cầu nhân lực thực tiễn khiến sinh viên ra trường bị thất nghiệp. Nhiệm vụ của các trường đại học bị chồng lấn với trường sư phạm khiến khối cao đẳng đứng trước nguy cơ không tuyển sinh được.

Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội Nguyễn Văn Minh cũng chỉ ra nguyên nhân điểm chuẩn vào một số trường sư phạm thấp là cung vượt quá cầu.

"Hiện ngành giáo dục tỉnh Kiên Giang thiếu gần 1.000 biên chế các cấp, trong đó bậc mầm non còn thiếu hơn 500 biên chế, nhưng biên chế lại phân theo số học sinh. Kiên Giang là tỉnh vùng sâu, vùng xa, có hơn 700 trường học nhưng có tới 1.900 điểm lẻ. Chúng tôi đã giảm hết mức các điểm lẻ, khoảng cách các điểm là 5-10 km nên không thể giảm hơn. Cần bố trí giáo viên theo lớp học thay vì bố trí theo đầu học sinh", bà Nguyễn Thị Minh Giang cho biết.

Về vấn đề điểm chuẩn ngành sư phạm trong đợt tuyển sinh vừa qua thấp, theo ý kiến của ông Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội, đây là hệ lụy của việc đào tạo quá nhiều, khiến cung vượt quá cầu. "Cần cấp học bổng cao, cam kết vị trí việc làm để thu hút sinh viên vào ngành sư phạm. Và đó là cơ sở để Nhà nước đặt hàng", Hiệu trưởng Nguyễn Văn Minh đưa ra ý kiến nhằm thu hút sinh viên đăng ký xét tuyển vào ngành sư phạm.

Trước những ý kiến về vấn đề trên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt câu hỏi:  "Không có một ngành nào chúng ta biết được nhu cầu nhân lực rõ ràng như giáo dục. Ta có Phòng, Sở Giáo dục, nắm được số lượng dân cư, học sinh, dự đoán được biên chế giáo viên cho từng môn, từng cấp học. Vậy tại sao vẫn để xảy ra chuyện thừa giáo viên dẫn đến nhiều hệ lụy trong đó có việc học sinh không muốn vào sư phạm".

Tôi rất chia sẻ với chế độ đãi ngộ của giáo viên nhưng chế độ đãi ngộ như hiện tại là chưa đủ. Nếu giáo viên ra trường có thể xin được việc ngay thì ngành Sư phạm sẽ hấp dẫn hơn rất nhiều. Và nếu nâng được chế độ đãi ngộ cho giáo viên thì càng hấp dẫn hơn nữa. Tôi phải nói công khai là giờ chạy việc rất khó, nhiều cháu phải mai phục nằm dạy hợp đồng ở trường nhiều năm nhưng vẫn chưa vào được biên chế".

Việc thừa thiếu giáo viên cục bộ đã có từ lâu, Phó thủ tướng cho rằng, lỗi ở Bộ Giáo dục và các địa phương. Theo Phó Thủ tướng, trọng tâm của ngành sư phạm hiện nay không còn là đào tạo mới mà là bồi dưỡng tiếp giáo viên.

"Giáo viên bậc phổ thông liên quan đến địa bàn. Không thể điều giáo viên đang ở huyện này sang huyện khác, Tôi đề nghị, Bộ GD&ĐT bàn với Bộ Nội vụ thống nhất về vấn đề này để chỉ đạo". Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cũng cho rằng, ngành giáo dục hiện nay khó điều hành vì giáo viên là viên chức do Bộ Nội vụ, Sở Nội vụ quản lý. Do đó, Bộ Giáo dục và Nội vụ cần có sự phối hợp, điều chỉnh hợp lý.

"Bộ Giáo dục cần có chiến lược xây dựng đội ngũ giáo viên. Trong đó, ngoài đào tạo, chúng ta cần có chính sách để thầy cô về đúng vị thế của xã hội, đảm bảo chất lượng, không phân biệt giáo viên trường công lập hay tư thục", ông Bình nói. Câu chuyện tuyển sinh sư phạm gây "nóng" dư luận vừa qua đã đặt ra câu hỏi mà ngành giáo dục cần xem xét kỹ lưỡng là "ngành sư phạm của chúng ta hiện tại như thế nào"?

Trong báo cáo tổng kết năm học 2016-2017, Bộ Giáo dục thừa nhận việc thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở một số địa phương (thừa giáo viên THCS, thiếu giáo viên mầm non, tiểu học, đặc biệt là giáo viên dạy các môn Tin học, Ngoại ngữ, Nhạc, Họa...) là hạn chế lớn. Vì thế, trong 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm Bộ dự kiến lựa chọn để tập trung chỉ đạo trong năm học tới, việc quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục, đặc biệt là đào tạo giáo viên, được đặt lên hàng đầu.

"Đẩy nhanh việc quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm, theo đó các trường có chất lượng cao, có uy tín sẽ được chọn làm trung tâm, trường khác sẽ chuyển đổi hoạt động trở thành phân hiệu hay vệ tinh của các trường trung tâm để trước mắt tập trung vào nhiệm vụ đào tạo lại đội ngũ giáo viên cho các địa phương", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh trước hội nghị.

Bên cạch đó, các đại biểu cũng đánh giá kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 diễn ra hết sức nghiêm túc, không tạo áp lực nặng nề cho thí sinh, người nhà thí sinh do không phải di chuyển xa gây tốn kém công sức, tiền bạc, thời gian như những năm trước. Mặt khác, với sự hỗ trợ của thiết bị công nghệ, kết quả kỳ thi được đảm bảo công khai, minh bạch, chính xác, kịp thời… Việc tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng cũng diễn ra nhanh gọn, tạo điều kiện tối đa cho thí sinh được lựa chọn các nguyện vọng theo sở thích, phù hợp với năng lực.

Các đại biểu đề nghị trong năm 2018 sắp tới, Bộ GD&ĐT tiếp tục tổ chức chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia như năm 2017 trên cơ sở phát huy thành công của kỳ thi vừa qua, đồng thời tiếp tục hoàn thiện, chỉnh sửa những vấn đề kĩ thuật để kỳ thi hoàn thiện hơn, đặc biệt là ở khâu ra đề thi.

“Đổi mới là làm một lần…vậy chất lượng là trên hết”

Cũng  tại hội nghị đại diện một số tỉnh, thành phố đã đề xuất Bộ GD&ĐT xem xét lùi thời gian thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, nên bắt đầu từ năm học 2019-2020 thay vì năm học 2018-2019 như dự kiến.

Các đại biểu đánh giá, Bộ GD&ĐT đã thực hiện nghiêm túc, bài bản lộ trình chuẩn bị thực hiện chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể Bộ GD&ĐT thông qua đã khá hoàn chỉnh tuy nhiên việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới trên toàn quốc cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng về đội ngũ giáo viên và như cơ sở vật chất. Do đó, một số địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo, nơi khó có điều kiện thực hiện xã hội hóa sẽ gặp khó khăn khi triển khai.

Trả lời vấn đề này, Phó Thủ tướng cho rằng, Nghị quyết của Quốc hội đã ban hành từ lâu, các địa phương đều đã có thời gian chuẩn bị vì thế cần khẩn trương, tích cực hơn nữa.

“Đổi mới là làm một lần để áp dụng cho nhiều năm vì vậy chất lượng là trên hết. Trong quá trình chuẩn bị, nếu thấy chưa đảm bảo về chất lượng, Bộ GD&ĐT có thể đề nghị với Chính phủ, Quốc hội để xin lùi thời điểm thực hiện nhưng quan trọng nhất là phải đưa được tinh thần đổi mới vào ngay từ bây giờ. Khi tinh thần đổi mới thấm đến từng giáo viên, họ sẽ có ý thức để tự đổi mới. Một thầy giáo có biết bao thế hệ học trò, vì vậy, nếu thầy giáo tốt sẽ có những thế hệ học sinh tốt và ngược lại ” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Nguyễn Quyên