Ảnh minh họa
Với chủ trương hội nhập quốc tế, thời gian qua, Việt Nam đã tham gia, khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA), qua đó đạt được nhiều thành tựu nổi bật về phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, cùng với việc thực hiện lộ trình giảm thuế theo các FTA, sức ép cạnh tranh và các biện pháp phi thuế cũng gia tăng, nổi bật là các biện pháp phòng vệ thương mại.
Việc cắt giảm thuế theo FTA dẫn đến nhiều hàng hóa nước ngoài gia tăng đột biến vào Việt Nam, trong đó, một số hàng hóa có dấu hiệu bán phá giá, được trợ cấp đã khiến doanh nghiệp trong nước phải thu hẹp sản xuất, người lao động giảm thu nhập và thậm chí mất việc làm. Vì vậy, cần đẩy mạnh áp dụng công cụ phòng vệ thương mại để duy trì và thúc đẩy sản xuất trong nước trước các hành vi bán phá giá, trợ cấp đối với hàng hóa nhập khẩu.
Bên cạnh đó, cho đến nay, đã có khoảng 200 cuộc điều tra phòng vệ thương mại nhằm vào hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam với kim ngạch bị ảnh hưởng lên tới 12 tỷ USD, phần lớn là hàng xuất khẩu chủ lực và thâm dụng lao động, dẫn tới kim ngạch xuất khẩu bị giảm sút.
Nếu các biện pháp phòng vệ thương mại trước đây chỉ bao gồm bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ thì hiện nay đã được phát triển dưới nhiều hình thức khác nhau. Điều này buộc các cơ quan quản lý phải luôn theo dõi sát tình hình và phối hợp đồng bộ từ trung ương tới địa phương cũng như với doanh nghiệp, hiệp hội xuất khẩu trong quá trình xử lý để đảm bảo mục tiêu xuất khẩu bền vững.
Vì vậy, đề thực thi hiệu quả các FTA thế hệ mới, nâng cao năng lực thực thi công tác phòng vệ thương mại một cách tổng thể, toàn diện nhằm hướng tới việc bảo vệ hợp pháp và hợp lý sản xuất và lao động trong nước, nâng cao hiểu biết của doanh nghiệp, hiệp hội về công cụ phòng vệ thương mại, đồng thời có chiến lược ứng phó hiệu quả với các vụ kiện phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”.
Đề án đưa ra mục tiêu cụ thể, đến năm 2025, rà soát hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật về phòng vệ thương mại kể cả vấn đề thu nộp, hoàn thuế, thủ tục khai báo thuế phòng vệ thương mại trên cơ sở so sánh, đối chiếu với các cam kết của WTO, cam kết trong các FTA và thực tiễn công tác thực thi, kiến nghị sửa đổi, hoàn thiện và xem xét nghiên cứu xây dựng Luật về phòng vệ thương mại;
Xây dựng báo cáo về mô hình cơ quan phòng vệ thương mại của các nước trên thế giới, từ đó đề xuất giải pháp củng cố cơ cấu, tổ chức bộ máy của Cơ quan phòng vệ thương mại của Việt Nam, đảm bảo số lượng, chất lượng điều tra viên về phòng vệ thương mại đáp ứng nhu cầu thực tiễn, tương xứng với kim ngạch xuất nhập khẩu;
Xây dựng cơ sở dữ liệu về 5 ngành sản xuất trọng điểm của Việt Nam có khả năng bị thiệt hại trong quá trình thực thi các FTA. Xây dựng cơ chế hỗ trợ, tư vấn doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, doanh nghiệp thuộc các ngành sản xuất phân tán liên quan đến lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi trong quá trình nộp hồ sơ yêu cầu áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại hoặc ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại nước ngoài liên quan đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Xây dựng hệ thống một cửa liên thông giữa cơ quan về phòng vệ thương mại và cơ quan hải quan trong việc giám sát hàng hóa nhập khẩu bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại theo hướng đơn giản, không phát sinh thủ tục hành chính. Xây dựng hệ thống truy cập, kết nối cơ sở dữ liệu hải quan đối với các mặt hàng bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để theo dõi hiệu quả thực thi, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận thương mại.
Nâng cao năng lực của đội ngũ luật sư, tư vấn pháp lý trong nước để tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, hiệp hội, ngành sản xuất trong nước trong quá trình điều tra, ứng phó và giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực phòng vệ thương mại liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Đề án cũng đề ra các mục tiêu cụ thể đến năm 2030, trong đó, xây dựng cơ sơ dữ liệu đồng bộ, hoàn thiện, được cập nhật thường xuyên về 10 ngành sản xuất trọng điểm của Việt Nam trong mối tương quan với năng lực cạnh tranh và tình hình thương mại quốc tế. Đảm bảo mục tiêu nội dung phòng vệ thương mại được đưa vào các chương trình, chiến lược, chính sách phát triển các ngành sản xuất trọng điểm để bảo vệ sản xuất trong nước. Điện tử hóa các quy trình tiếp nhận, điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, tính toán biên độ trợ cấp, phá giá và thiệt hại của các ngành sản xuất trong nước;
Tích cực tham gia và đăng cai tổ chức các diễn đàn quốc tế về phòng vệ thương mại để có ý kiến phản biện về chính sách, pháp luật của các nước gây thiệt hại cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam; chủ động tham gia sâu vào quá trình xây dựng, đàm phán các chính sách quốc tế và sửa đổi các quy định của WTO trong lĩnh vực phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ lợi ích của nền kinh tế Việt Nam….
Tại Hội thảo "Phòng vệ thương mại - công cụ bảo vệ lợi ích ngành sản xuất nội địa trong bối cảnh hội nhập" được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng với Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp tổ chức sáng 27/10, ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) đã khái quát bối cảnh hội nhập và các nguy cơ từ việc hàng hóa nhập khẩu ồ ạt vào Việt nam sẽ ảnh hưởng như thế nào với các ngành sản xuất nội địa.
Ông Dũng cho rằng, công cụ phòng vệ thương mại có vai trò và ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc hỗ trợ và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho hàng hóa Việt Nam; cũng như các ngành sản xuất ở Việt Nam. Do đó, trước hiện trạng doanh nghiệp và các hiệp hội chưa thực sự biết cách vận dụng hiệu quả công cụ phòng vệ thương mại, việc đề ra các giải pháp hỗ trợ, đánh giá tính khả thi và hợp lý khi triển khai là rất quan trọng.
Phòng vệ thương mại là “phao cứu trợ” doanh nghiệp đi ra biển lớn, hội nhập quốc tế. Chính vì vậy, các nền kinh tế hội nhập, tự do nhất cũng là nước có nền kinh tế sử dụng phòng vệ thương mại nhiều nhất. Có thể nói, đây là công cụ phổ biến, yếu tố quan trọng trong môi trường kinh doanh thực tế. Các doanh nghiệp cần nghiên cứu, sử dụng để bảo vệ lợi ích trên chính thị trường nội địa trước hoạt động cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu.
Trần Nguyên