Cùng với sự phát triển của đất nước và việc thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới, phụ nữ ngày nay đã đạt được nhiều thành tựu trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội như: 30,26% đại biểu Quốc hội là nữ; tỉ lệ các bộ, cơ quan ngang bộ có lãnh đạo chủ chốt là nữ đạt trên 50%; tỉ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đạt 29,8%, xếp thứ 6 trong số các quốc gia có tỉ lệ nữ doanh nhân cao nhất; nhà nghiên cứu khoa học nữ chiếm khoảng 46% tổng số nhân lực nghiên cứu phát triển của cả nước, cao hơn so với trung bình thế giới chỉ có 30% và nhiều thành tựu khác.

Ảnh internet
Phụ nữ Việt Nam ngày càng chủ động, sáng tạo, phát triển bản thân, đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng đất nước. Ảnh internet.

Có thể nói rằng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra cho phụ nữ nhiều cơ hội để phát triển toàn diện về cả trí tuệ, sức khỏe, năng lực, tuy nhiên, những yêu cầu đổi mới của đất nước, của xã hội cũng đem tới cho người phụ nữ không ít áp lực và thách thức. Đặc biệt, thách thức lớn nhất của thời đại ngày nay vẫn là những định kiến giới, khuôn mẫu giới đang tác động và ảnh hưởng tới phụ nữ trong việc tạo cơ hội cho họ tham gia vào các lĩnh vực khác nhau trong xã hội. Những khuôn mẫu giới, định kiến giới này cũng đang hạn chế vai trò của phụ nữ trong một số lĩnh vực như:

Về chính trị, theo kết quả nghiên cứu công bố năm 2022 của UNDP, mặc dù tỉ lệ phụ nữ Việt Nam trong lĩnh vực chính trị cao hơn trung bình thế giới nhưng phụ nữ chỉ nắm giữ khoảng 21% các vị trí lãnh đạo chủ chốt.

Về kinh tế, tỉ lệ lao động nữ bị thất nghiệp cao hơn so với lao động nam. Trên thực tế, theo Điều tra lao động việc làm năm 2020, cả nước có hơn 1,2 triệu người thất nghiệp; trong đó số nữ chiếm 56,1% tổng số người thất nghiệp. Công việc chăm sóc không được trả công của phụ nữ hiện nhiều gần gấp đôi nam giới. Việc phải dành thời gian cho những công việc không được trả lương đang hạn chế cơ hội của người phụ nữ trong việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, tham gia các hoạt động cộng đồng hay dành thời gian chăm sóc sức khỏe bản thân để hướng tới việc phát triển toàn diện.

Bên cạnh đó, còn nhiều vấn đề xã hội tiếp diễn ảnh hưởng tiêu cực đến phụ nữ: Đói nghèo, biến đổi khí hậu, thay đổi chức năng gia đình; bạo lực gia đình, đặc biệt là các vụ việc xâm hại, bạo lực với phụ nữ, trẻ em ngày càng tinh vi, phức tạp, nghiêm trọng đang đe dọa đến sự an toàn của phụ nữ và trẻ em. Ngoài ra, một bộ phận không nhỏ phụ nữ đã và đang phải đối mặt với những bất ổn chưa từng có do tác động kép từ đại dịch COVID-19 như bị ảnh hưởng sức khỏe, rơi vào cảnh đói nghèo, tụt hậu về kiến thức, kỹ năng và cơ hội hòa nhập.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga thăm hỏi, động viên các nữ cán bộ, chiến sĩ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 trước khi lên đường làm nhiệm vụ tại Phái bộ Liên hợp quốc ở Bentiu, ngày 21/4/2021. (Nguồn: TTXVN)
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga thăm hỏi, động viên các nữ cán bộ, chiến sĩ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 trước khi lên đường làm nhiệm vụ tại Phái bộ Liên hợp quốc ở Bentiu, ngày 21/04/2021. Nguồn TTXVN.

Về bản thân người phụ nữ, chị em cần nâng cao ý thức học hỏi, chủ động vươn lên, trau dồi vốn văn hóa, vốn tri thức của mình, tự tin, bản lĩnh, dám nghĩ dám làm, vượt mọi khó khăn; biết tận dụng ứng dụng công nghệ nhằm tăng năng suất hiệu quả công việc, dành nhiều thời gian hơn để quan tâm, chăm sóc và phát triển bản thân.

Theo bà Chủ tịch Hội thì, chị em phụ nữ đã có những thành công nhất định trong cuộc sống sẽ trở thành những nhà tiên phong nhằm lan tỏa, chia sẻ bài học của bản thân và truyền cảm hứng cho những người phụ nữ và trẻ em gái, nhằm tạo động lực để phụ nữ và trẻ em gái có thêm cảm hứng, niềm tin cùng sức mạnh trở thành những người kiến tạo tương lai.

Về phát triển cán bộ nữ dân tộc thiểu số, Hội chủ động phối hợp tổ chức các hoạt động bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ nữ, nữ dân tộc thiểu số, đồng thời, đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới nói chung và bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số nói riêng với mục đích dần xóa bỏ tập quán lạc hậu, định kiến giới và những rào cản cản trở sự phát triển của trẻ em gái và phụ nữ. 

Về việc phát triển vai trò của phụ nữ trong sinh hoạt cộng đồng, Hội phát triển các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao như phong trào dân vũ để thu hút phụ nữ tham gia hoạt động cộng đồng góp phần giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, duy trì các CLB, tổ nhóm lưu giữ.

Chị em phụ nữ dân tộc thiểu số hiện nay cũng rất chủ động thích ứng với thời cuộc. Qua thực tế, khi tới các địa bàn đông người dân tộc thiểu số, tôi thấy nhiều chị em rất năng động, tích cực tham gia các hoạt động Hội; đồng thời, chị em cũng đã biết sử dụng vốn vay ưu đãi thông qua tổ chức Hội để phát triển kinh tế bằng cách làm homestay, làm các sản phẩm truyền thống hay để phát triển các cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Đây là những tín hiệu đáng mừng, cho thấy chị em đã nhận ra vai trò, vị thế của bản thân và biết sử dụng, biết phát huy những lợi thế, những ưu đãi về chính sách để phát triển không chỉ cho bản thân mà cho cả cộng đồng.

Bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hộ Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam: Tôi tin tưởng, với những cơ hội mà thời đại mang tới cũng như ưu thế của phụ nữ Việt Nam thời đại mới về tiềm năng, năng lực phát triển, mỗi người phụ nữ sẽ ngày càng phát huy tính chủ động sáng tạo, bản lĩnh vượt lên mọi khó khăn, phát triển năng lực bản thân, tiếp tục đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng đất nước phồn vinh, xã hội hạnh phúc và thịnh vượng.

Hải Dương (t/h)