THCL Chất thải y tế nguy hại chưa được xử lý thải đạt chuẩn gây những hiểm họa khôn lường cho môi trường và là nguồn gây bệnh đe dọa trực tiếp tới đời sống của cộng đồng dân cư.
Hiểm họa đó bắt nguồn từ chính việc buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng chuyên trách. Câu chuyện về việc quản lý nước thải y tế nguy hại trên địa bàn của Sở Y tế tỉnh Phú Thọ là một điển hình.
Mô hình quy trình xử lý nước thải phòng khám
Nước thải từ bệnh viện mang theo nhiều loại vi rút nguy hại như tụ cầu vàng, trực khuẩn mủ xanh, E.coli cùng nhiều loại vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng, virus bại liệt… có khả năng xâm nhập các loại thủy sản, vật nuôi, rau thủy canh.
Người dân ăn phải các thực phẩm mang mầm bệnh thì nguy cơ mắc bệnh sẽ rất cao. Hơn nữa, trong chất thải y tế lại chứa đựng các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm như: virus HIV, viêm gan B. Các tác nhân này có thể thâm nhập vào cơ thể qua các vết trầy xước, vết đâm xuyên, qua niêm mạc, qua đường hô hấp do hít phải, qua đường tiêu hóa do nuốt hoặc ăn phải. Ước tính ở Việt Nam, mỗi ngày có 120 nghìn m3 nước thải y tế được thải ra môi trường. Và một phần không nhỏ trong đó là nước thải y tế nguy hại, chưa được xử lý đạt chuẩn.
Bởi vậy, sau khi nhận được phản ánh của độc giả về việc một số cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Phú Thọ thường xuyên xả nước thải y tế nguy hại chưa qua xử lý ra cống, mương chung với nước sinh hoạt của khu dân cư, PV tìm hiểu và thấy rằng việc phản ánh của độc giả là hoàn toàn có cơ sở.
Nhiều cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Phú Thọ sử dụng thường xuyên cho xả thải thẳng nước thải y tế nguy hại ra cống, mương chung với nước sinh hoạt của người dân. Hoặc có chăng sẽ được xử lý bằng những công nghệ hết sức thô sơ như xục clo trước khi thải ra môi trường. Qua trao đổi với chủ một số cơ sở y tế nổi tiếng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ như Phòng khám đa khoa Âu Cơ, Phòng khám răng Hoàn Mỹ, Phòng khám Minh Hương, Phòng khám Sản chuyên nghiệp. . ., PV nhận thấy, dường như công tác quản lý và xử lý nước thải y tế nguy hại là một điều “xa lạ” và ít được các cơ sở này quan tâm xử lý theo đúng các quy định của pháp luật.
Để làm rõ vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với ThS. Phạm Văn Tính, Trưởng phòng Hành nghề y dược (Sở Y tế tỉnh Phú Thọ). Ông Tính cho biết, trước khi được cấp phép, các phòng khám lập hồ sơ trình lên Sở Y tế. Trong hồ sơ đều có bản mô tả về hệ thống xử lý nước thải được sử dụng tại phòng khám. Nhưng hệ thống xử lý nước thải đó chỉ là “bản mô tả” nằm trên giấy, chưa được các cơ chức năng kiểm tra và xác nhận là nước thải sau khi được xử lý qua hệ thống xử lý này sẽ đạt nước thải quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 28: 2010/TNMT về xử lý nước thải y tế.
Khi được hỏi về các báo cáo thanh tra, giám sát hoạt động xả thải ra môi trường của Sở Y tế đối với các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn, ông Tính khẳng định là không có. Hỏi về báo cáo ĐTM (báo cáo đánh giá tác động môi trường) của các phòng khám thì ông Tính cũng khẳng định là không có. Như vậy, từ việc cấp phép mở các cơ sở y tế tư nhân đến việc thanh tra, giám sát, báo cáo tác động môi trường của Sở Y tế tỉnh Phú Thọ đối với các cơ sở y tế đều đang tạo ra một lỗ hổng rất lớn trong việc quản lý nước thải y tế nguy hại dẫn đến việc các cơ sở y tế tư nhân xả nước thải y tế nguy hại chưa được xử lý đạt chuẩn ra môi trường. Thậm chí, vị lãnh đạo Phòng Hành nghề y dược này còn cho biết, chưa nắm được các quy định về quản lý nước thải y tế nguy hại.
Tiếp tục làm rõ vấn đề này, PV đã có buổi làm viêc với ông Trần Minh Khánh, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Phú Thọ. Tại buổi làm việc, ông Khánh thẳng thắn thừa nhận, có lổ hổng trong công tác quản lý nước thải y tế trên địa bàn tỉnh. Ông Khánh cũng khẳng định là không có báo cáo, số liệu về tổng lượng nước thải nguy hại được thải ra từ các phòng khám trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Đồng thời, ông Khánh cũng cung cấp cho PV Công văn số 183/SYT – NVY về việc quản lý chất thải y tế ngày 21/1/2016 gửi Cục Quản lý môi trường Y tế (Bộ Y tế), do ông Hồ Đức Hải, Giám đốc Sở ký kèm theo là tổng hợp báo cáo công tác quản lý chất thải y tế. Trong phần nhận xét về xử lý nước thải y tế, cũng không có bất kỳ thông tin, số liệu nào liên quan đến việc xử lý nước thải tại các phòng khám đa khoa tư nhân.
Thế nhưng, ông Khánh cho rằng, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đa phần là quy mô nhỏ, lượng nước thải y tế nguy hại thải ra không nhiều. Dường như, ông Khánh đã quên mất rằng, việc buông lỏng quản lý nước thải y tế nguy hại này của Sở đã diễn ra từ nhiều năm và với khoảng 200 cơ sở y tế tư nhân, hàng ngày xả nước thải y tế nguy hại chưa đạt chuẩn ra môi trường. Với ông Khánh, đây vẫn còn là một con số nhỏ? Và gây ô nhiễm môi trường, phát tán mầm bệnh ra cộng đồng dân cư từ những cơ sở y tế xử lý nước thải y tế chưa đạt chuẩn này, với ông Khánh vẫn là... chuyện nhỏ?
Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vấn đề này.
LÊ ĐẠI – ĐINH HOÀNG
Làm trái quyết định của Thủ tướng? Theo Quyết số 2038/QĐ-TTg ngày 15/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt tổng thể xử lý chất thải y tế giai đoạn từ 2011 – 2015, định hướng đến năm 2020 quy định, 100% các cơ sở y tế tư nhân phải thực hiện xử lý nước thải đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia. Thế nhưng, từ năm 2011 đến nay, Sở Y tế tỉnh Phú Thọ đã buông lỏng quản lý trong việc cấp phép cho hàng chục cơ sở y tế tư nhân. |