Nối dài cánh tay… ngân hàng
Hội CCB tỉnh Phú Thọ đang quản lý 1.024 Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), trong đó có hơn 30.870 hộ vay vốn; với tổng dư nợ ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Phú Thọ (NHCSXH) cho 14 chương trình tín dụng đạt trên 897 tỷ đồng (chiếm 23,3%/ tổng dư nợ ủy thác).
Hội CCB các cấp tại Phú Thọ đã đồng hành cùng NHCSXH, tổ chức nhiều hoạt động nhằm tạo điều kiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách thụ hưởng tín dụng ưu đãi của Chính phủ, phát huy ngày càng hiệu quả nguồn vốn vay, góp phần giảm nghèo và thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Rời quân ngũ với hai bàn tay trắng, hoàn cảnh gia đình gặp vô vàn khó khăn, thiếu thốn, với ý chí không cam chịu đói nghèo, không khuất phục khó khăn, CCB Định Công Bột (người dân tộc Mường, xã Hương Cần, huyện Thanh Sơn) đã vươn lên làm giàu bằng chính sức lao động, sự cần cù, chịu khó của mình.
“Tôi còn nhớ, 5 năm trước, ngay từ ngày đầu, với hơn 4ha đất rừng cỏ mọc um tùm, gia đình bắt đầu cải tạo lại, nhưng vốn chỉ có đầu tư để mua cây keo giống trồng được một phần diện tích. Được sự khuyến khích, hỗ trợ từ nhiều phía, cuối năm 2017, gia đình được NHCSXH huyện ủy thác Hội CCB xã cho vay 50 triệu đồng để mua thêm cây giống, tiếp tục cải tạo rừng tạp, kết hợp đầu tư nuôi trâu bò”, ông Bột chia sẻ.
Nhờ có vốn vay ưu đãi, CCB Định Công Bột đã thoát nghèo; vươn lên sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc
Nhờ cần mẫn, chịu khó, mô hình của ông Bột đã nhanh chóng tạo được hiệu quả. Sau một thời gian, rừng keo sinh trưởng tốt, chuẩn bị cho thu hoạch; từ cặp trâu bò giống, nay ông đã có cả đàn trâu bò đã lớn. Hiện tại, gia đình ông Bột suất bán đàn trâu bò sẽ mang về nguồn thu khoảng 250 triệu đồng. Gia đình ông Bột đã làm đơn xin rút khỏi hộ nghèo; dự kiến xây nhà kiên cố và tiếp tục đầu tư vào chăn nuôi, trồng rừng để cuộc sống ổn định, tốt hơn…
Ông Bột tâm sự: “Phong trào thi đua giúp nhau phát triển sản xuất, giảm nghèo đã khơi dậy được tình cảm đồng chí, đồng đội, ý thức tự lực, tự cường, đoàn kết, tương thân, tương ái vươn lên trong lực lượng hội viên. Với tinh thần “Xưa thắng giặc, nay thắng nghèo”, CCB phải là lực lượng tiên phong đi đầu trong các trận tuyến để hình ảnh người lính Cụ Hồ luôn đẹp trong lòng tất cả mọi người”.
Cùng với phong trào thi đua phát triển kinh tế, Hội CCB tỉnh Phú Thọ còn tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới và các phong trào, cuộc vận động do UBMT Tổ quốc phát động. Thông qua thực hiện các phong trào đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình. Tại trụ sở Hội CCB tỉnh Phú Thọ, chúng tôi đã được nghe các đồng chí trong Thường vụ Hội CCB chia sẻ những thông tin thú vị xoay quanh chuyện thương, bệnh binh của tỉnh hăng say tham gia vào “mặt trận” mới - mặt trận kinh tế. Đây cũng là những câu chuyện về cách làm hay của hội, nhằm giúp hội viên nói chung, hội viên là thương binh, bệnh binh nói riêng vượt khó, giảm nghèo, làm kinh tế giỏi.
Những năm qua, Hội CCB tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với NHCSXH, thực hiện ủy thác vay vốn để tạo nguồn vốn cho hội viên sản xuất kinh doanh. Tính đến 30/6/2018, NHCSXH các huyện, thành, thị đã ký 251/277 đơn vị HCCB cấp cơ sở, tỷ lệ 90,6% HCCB cơ sở ký ủy thác với NHCSXH trong công tác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; hiện HCCB các cấp đang quản lý 1.024 tổ TK&VV (chiếm 24,5% số tổ TK&VV đã ủy nhiệm). Hội CCB các cấp đã thường xuyên báo cáo, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận các chính sách hỗ trợ về đất đai để mở trang trại, nhà xưởng, bến bãi; nhờ đó, tình trạng thiếu đất, thiếu việc làm đã dần được khắc phục.
Ông Đinh Xuân Quế, Chủ tịch Hội CCB xã Hương Cần, huyện Thanh Sơn cho biết, vốn vay ưu đãi được đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất, kinh doanh, tạo ra nhiều việc làm mới, nhiều hội viên CCB đã vươn lên thoát nghèo làm giàu, góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương. Hiện tổng dư nợ của xã đạt hơn 15 tỷ đồng, trong đó có 4,7 tỷ đồng do Hội CCB quản lý với 375 hội viên. Qua bình xét hộ nghèo, xã chỉ còn 13 hộ. Phấn đấu mỗi năm giảm từ 3 đến 4 hộ…
Cựu chiến binh Dư Công Bình (xã Xuân Quang, huyện Tam Nông) tham gia chiến trường Miền Nam vào năm 1971 và bị thương trong cuộc tiến công vào Buôn Ma Thuột với thương tật 4/4. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông Bình đã trở về xây dựng quê hương bằng nghề mộc. Lúc đầu, nhìn xưởng mộc chật hẹp, máy móc sơ sài, ông Bình trăn trở lắm. Vì thế, năm 2009, ông Bình đã vay 15 triệu đồng của NHCSXH huyện để tổ chức sản xuất xưởng mộc. Nhờ được trang bị kỹ thuật tiên tiến nên hiệu quả sản xuất tăng cao.
Mới đây, ông Bình tiếp tục vay thêm 50 triệu đồng của NHCSXH huyện để mở rộng đầu tư quy mô xưởng. Từ số vốn ít ỏi những năm đầu lập nghiệp đến nay, giá trị tài sản xưởng mộc của ông Bình lên đến hàng tỷ đồng. Hiện nay, xưởng mộc của ông Bình tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động, có thời điểm lên tới 12 lao động, với mức lương từ 5-7 triệu đồng/tháng.
Ông Bùi Đức Thắng, Phó Giám đốc NHCSXH huyện Thanh Sơn cho biết, tính đến 1/6/2018, Hội CCB huyện có tới 94 tổ TK&VV, với tổng dư nợ ủy thác của NHCSXH huyện cho 10 chương trình tín dụng đạt hơn 93 tỷ đồng... Qua đánh giá, hầu hết các hộ sử dụng đúng mục đích, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó, đến nay đã có gần 200 hộ CCB thoát nghèo, làm giàu bền vững…
Nhờ sự cố gắng của các cấp Hội CCB trong tỉnh và sự hỗ trợ của NHCSXH, tỷ lệ hộ CCB nghèo, cận nghèo hiện nay toàn tỉnh còn khoảng 4%.
Kiểm tra, giám sát thực hiện ủy thác
Theo đánh giá của ông Trương Việt Phương, Giám đốc NHCSXH tỉnh Phú Thọ, những năm qua Hội CCB đã tích cực hỗ trợ hội viên nghèo vay vốn phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội. Trong đó, Hội CCB đã phối hợp chặt chẽ và triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm trong công tác ủy thác. Ngoài ra, Hội CCB và NHCSXH các cấp đã phối hợp tốt trong công tác kiểm tra, giám sát, ưu tiên nguồn lực cho các đơn vị có chất lượng tín dụng còn thấp và đã có nhiều giải pháp đồng bộ, tích cực để củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng.
NHCSXH huyện Yên Lập giải ngân nguồn vốn tại điểm giao dịch xã Mỹ Lương
Bên cạnh những thành tích đạt được, việc tổ chức thực hiện dịch vụ ủy thác của Hội vẫn còn một số hạn chế: Chưa làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng và các quy định về tín dụng của ngân hàng cho nên không ít khách hàng có đủ khả năng trả nợ nhưng cứ trông chờ, chây ỳ, coi đây là vốn cấp không của Nhà nước, dẫn đến nợ quá hạn; Một số địa phương chưa có sự phối kết hợp chặt chẽ thường xuyên giữa chính quyền, hội và NHCSXH trong khi năng lực và trình độ chuyên môn của một số nhân viên trong Tổ TK&VV chỉ ở mức trung bình dẫn đến đồng vốn ủy thác chưa đến đúng địa chỉ, vay ké phát sinh, chiếm dụng vốn lan tỏa, nhiều món vay chưa trả lãi trong thời gian dài...
Phát huy những thành tích đã đạt được, thời gian tới, Hội CCB Phú Thọ tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng, khai thác tất cả các chương trình, tập trung đầu tư hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn nhằm phục vụ sản xuất, kinh doanh tạo việc làm; phối hợp chặt chẽ với NHCSXH, bình xét cho vay, đảm bảo vốn vay đến đúng đối tượng thụ hưởng; quản lý chắc hội viên vay vốn và sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả.
Tiếp tục kiện toàn nâng cao chất lượng hoạt động các Tổ TK&VV, đảm bảo 100% tổ hoạt động hiệu quả, chất lượng tốt, đảm bảo đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách tại cơ sở. Phối hợp chặt chẽ với ngân hàng kịp thời tập huấn, hướng dẫn kiến thức cơ bản về quản lý tín dụng và kiểm tra, giám sát, phát hiện phòng ngừa rủi ro, hướng dẫn hộ vay vốn sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích. Nâng cao trách nhiệm của hội các cấp; tranh thủ sự chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương và hội cấp trên; đồng thời mỗi cấp hội đều phân công cán bộ chuyên trách theo dõi quản lý việc nhận uỷ thác vốn NHCSXH.
NHCSXH và Hội Cựu Chiến binh Phú Thọ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách tín dụng để mọi người hiểu rõ và ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ của người vay và sử dụng vốn vay; góp phần đầy nhanh tiến độ thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
Ðể nguồn vốn tín dụng chính sách qua việc ủy thác cho vay ngày một đạt hiệu quả cao và bền vững hơn, cả Hội CCB và NHCSXH tiếp tục đi cơ sở, bám sát đặc điểm và phong tục tập quán làm ăn từng địa bàn, từ đó nghiên cứu, tổng hợp, phổ biến kinh nghiệm các nơi giúp người vay vốn xem xét áp dụng vào thực tiễn của mình như chăn nuôi, trồng trọt, phát triển ngành nghề... để đồng vốn sinh lời ngày một cao hơn.
Hoan Nguyễn