Trong những năm qua, ngành khai thác tài nguyên khoáng sản (TNKS) đã có nhiều đóng góp trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Phú Thọ.
Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường, hằng năm, lĩnh vực TNKS đóng góp quan trọng vào giá trị sản xuất công nghiệp chung toàn tỉnh. Các doanh nghiệp từng bước chấp hành tốt các quy định trong khai thác TNKS, tăng nguồn thu cho ngân sách; một số doanh nghiệp chủ động tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng cho địa phương nơi có mỏ, đồng thời quan tâm đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị máy móc khai thác, chế biến khoáng sản theo sản lượng được cấp phép, nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho thị trường trong tỉnh cũng như các vùng lân cận, đặc biệt là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và nguyên liệu gốm sứ cao cấp; chủ động thăm dò nâng cấp trữ lượng khoáng sản trong khu vực được cấp giấy phép khai thác, làm cơ sở thu, nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản sau khi có Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Quy hoạch, sử dụng hiệu quả tài nguyên khoáng sản tại Phú Thọ
Hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản nhìn chung phục vụ tốt nhu cầu nguyên liệu sản xuất, vật liệu xây dựng của địa phương, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững ngành công nghiệp khai khoáng, giải quyết công ăn việc làm cho một bộ phận người lao động.
Tuy nhiên, vẫn còn có nơi xảy ra tình trạng lợi dụng việc san hạ cốt nền để khai thác TNKS trái phép; nhận thức pháp luật về TNKS của một số ít tổ chức, cá nhân chưa đầy đủ nên còn tình trạng khai thác trái phép; hoạt động thăm dò, đánh giá trữ lượng khoáng sản trên địa bàn tỉnh mới tập trung vào một số khoáng sản điển hình. Công tác bảo vệ môi trường tại nhiều khu vực khai thác, chế biến khoáng sản chưa bảo đảm yêu cầu theo quy định.
Nhiều cơ sở sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, công tác quản lý chất thải nguy hại tại một số đơn vị chưa thực hiện tốt, chưa có nhiều nhà đầu tư lớn tham gia vào phát triển công nghiệp khai khoáng trên địa bàn tỉnh.
Một số đơn vị khai thác sản phẩm chủ yếu mới chế biến thô, chưa phù hợp với chủ trương chế biến sâu của tỉnh. Quyền lợi và trách nhiệm của nhân dân địa phương, nơi có hoạt động khoáng sản chưa được quy định rõ ràng. Sự phối hợp của các cấp, các ngành trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý sai phạm trong lĩnh vực TNKS có lúc, có việc còn chưa chặt chẽ, kịp thời…
Quyết định số 10/2014/QĐ-UBND, ngày 25/8/2014 của UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, nhằm mục tiêu xác định đầy đủ, chính xác vị trí tài nguyên khoáng sản ở các mỏ, điểm mỏ, các khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản; đề ra các biện pháp tích cực để tăng cường công tác quản lý về TNKS và tổ chức lại các hoạt động khai thác khoáng sản theo quy hoạch; tăng giá trị sản xuất ngành công nghiệp khai khoáng trong giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp đến năm 2020 chiếm tỷ trọng từ 3-4% và đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 15%/năm, đến năm 2030 là 17%/năm.
Đối với loại khoáng sản có tiềm năng, lợi thế như kaolin - felspat, quặng sắt cần tập trung đầu tư khai thác gắn với chế biến sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu trong nước, mục tiêu đến năm 2020 đạt 520 nghìn tấn quặng kaolin - felspat, 80 nghìn tấn quặng talc.
Quy hoạch sử dụng TNKS đến năm 2030 được dựa trên cơ sở khối lượng TNKS cần khai thác, cung ứng cho nhu cầu sản xuất trong từng giai đoạn của các doanh nghiệp; chất lượng, trữ lượng TNKS phải đảm bảo cho các cơ sở sản xuất hoạt động ổn định theo dự án đã phê duyệt; tiêu chuẩn kỹ thuật đối với nguyên liệu sản xuất các sản phẩm của các cơ sở sản xuất; sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả TNKS. Ngày 4/3/2020, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 01/2020/NQ-HĐND về bổ sung một số nội dung Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐND ngày 16/7/2014 của HĐND tỉnh về quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, bổ sung 2 điểm mỏ kaolin-felspat đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt kết quả khoanh định khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ, gồm 7,84ha tại Gò Đáo, khu 6, xã Giáp Lai, huyện Thanh Sơn và 6,16ha tại đồi Hố Gấu, khu 6, xã Thọ Văn, huyện Tam Nông, do UBND tỉnh cấp phép; 5 điểm mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, gồm: 19,59ha của 2 mỏ cát lòng sông Hồng tại các phường Thọ Sơn, Bến Gót và Bạch Hạc, thành phố Việt Trì; 50,58ha của 2 mỏ cát, sỏi sông Dân thuộc địa bàn 12 khu tại các xã Văn Miếu và Võ Miếu, huyện Thanh Sơn; 1,73ha của mỏ sét làm gạch ngói tại xóm Ao Vèn, xã Địch Quả, huyện Thanh Sơn.
Trong quá trình quản lý và triển khai thực hiện quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh hiện nay có phát hiện thêm một sốđiểm mỏ khoáng sản mới, các điểm mỏ này chưa có trong quy hoạch khoáng sản của tỉnh. Mới đây, UBND tỉnh tiếp tục trình HĐND tỉnh thông qua bổ sung một số nội dung Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐND ngày 16/7/2014 của HĐND tỉnh về quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, tiến tới bổ sung quy hoạch đối với 3 điểm mỏ cát lòng sông Hồng thuộc các phường Minh Nông, Tiên Cát, thành phố Việt Trì và xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao với tổng diện tích 61,24ha; điểm mỏ Talc thuộc xóm Nà Nườm, xã Thu Ngạc, huyện Tân Sơn với diện tích 6,3ha, là diện tích đất lâm nghiệp giao cho người dân trồng rừng sản xuất, không thuộc đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, đất an ninh quốc phòng, đất văn hóa di tích lịch sử, du lịch và không nằm trong khu vực cấm hoạt động khoáng sản, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản.
Thời gian tới, tỉnh chỉ đạo các sở ngành, huyện, thành, thị tăng cường công tác quản lý Nhà nước và tổ chức thực hiện tốt quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản đã được phê duyệt, tuân thủ quy định của Luật Khoáng sản và các quy định có liên quan trong quản lý hoạt động khoáng sản...; kết hợp huy động bằng vốn của các doanh nghiệp được cấp phép thăm dò và Nhà nước hỗ trợ một phần bằng vốn vay ưu đãi. Tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có đủ kinh nghiệm, năng lực để đầu tư thăm dò, khai thác, chế biến sâu theo đúng quy hoạch được duyệt và theo quy định của pháp luật. Ưu tiên các dự án đầu tư thăm dò, khai thác gắn với chế biến sâu các mỏ khoáng sản.
Cùng với đó, có chính sách đãi ngộ để thu hút đội ngũ chuyên gia, cán bộ kỹ thuật có trình độ cao để thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thăm dò, khai thác tuyển khoáng sản tại địa phương. Đào tạo đội ngũ nhân lực làm công tác an toàn mỏ và bảo vệ môi trường nhằm tăng cường khả năng xử lý các sự cố phát sinh tại nguồn.
Thực hiện xã hội hóa công tác đào tạo nghề, đa dạng hóa các loại hình đào tạo trong hoạt động khoáng sản; khai thác, chế biến khoáng sản, tuân thủ triệt để Luật Bảo vệ môi trường và các quy định trong thiết kế khai thác, chế biến khoáng sản. Xây dựng quy chế ký quỹ môi trường bắt buộc đối với các cơ sở khai thác và chế biến khoáng sản trên địa bàn.
Tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát môi trường, thành lập bộ phận chuyên trách, có đầy đủ điều kiện trang thiết bị, nhân lực để theo dõi và quản lý bảo vệ môi trường, có chế tài đủ mạnh để xử lý những vấn đề về môi trường…
Hoan Nguyễn