Những dự án còn “treo lơ lửng”...
“Chúng ta đang sống giữa thiên đường du lịch treo”- Đó là câm châm biếm mà hàng chục người dân sống tại các xã, phường ven biển từ TP. Sầm Sơn đến xã Quảng Nham (huyện Quảng Xương) thường nói tới.
Lý giải về điều này, người dân ở đây cho biết, từ những năm 2004 - 2005, khi mà đời sống của họ còn vô cùng khó khăn, quanh năm chỉ dựa vào mấy sào lúa, những chiếc bè mảng đánh cá ven bờ lúc được lúc không. Nhưng từ khi chính quyền thông báo về việc quy hoạch, thành lập những dự án du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, những resort, khu biệt thự cao cấp ven biển, cũng là lúc người dân hứng khởi về một tương lai tươi sáng hơn, con em họ đỡ vất vả hơn...
Thế nhưng, du lịch chẳng thấy đâu thì hệ quả của những dự án du lịch treo này đang hiện rõ, nó đang biến những người dân nơi đây rơi vào tình cảnh vô cùng khó khăn, vất vả.
Hàng loạt dự án du lịch, nghỉ dưỡng mang những cái tên ấn tượng như Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Toàn Tích Thiện, Khu biệt thự Hùng Sơn, Tiên Trang... từng được ồ ạt đăng ký đầu tư, hứa hẹn về một môi trường du lịch hoành tráng, cải thiện, nâng cao đời sống người dân trong vùng.
Thế nhưng, hơn 10 năm qua, những dự án này vẫn còn “treo lơ lửng” hoặc tàn phá hàng trăm hecta rừng phi lao để chia lô bán đất. Trong khi đó, người dân mất đất, mất nhà, nhà cửa không được phép sửa chữa, xây mới, rừng phi lao, cồn cát chắn sóng bị tàn phá, san phẳng.
“Dự án du lịch là bức tử môi trường, là chặt hạ những dải rừng phi lao phòng hộ, là chia lô bán nền với giá cao, là chiếm đất. Người dân chúng tôi chẳng thiết tha vào những dự án mơ hồ, vẽ vời của những doanh nghiệp chỉ biết lợi nhuận của doanh nghiệp mình mà đẩy hàng trăm hộ dân vào con đường khốn cùng.
Du lịch là khi đẩy những căn nhà ở của chúng tôi xuống cấp không được xây dựng, sửa chữa, con cái lớn lấy vợ không được xây nhà mới ở riêng trên mảnh đất ông cha để lại hàng trăm năm qua, đất đai cũng không được cấp sổ đỏ (QSDĐ), hàng năm phải oàn mình ghánh chịu những cơn bão lớn, ruộng vườn bị cát xâm thực hay sao?. Chúng tôi chẳng còn thiết tha hay dám mơ đến... du lịch nữa” - một người dân ở phường Quảng Vinh, TP. Sầm Sơn cho biết.
Về Thanh Hóa những ngày này, khi mà những cơn gió mùa đông bắc mạnh mang theonhững cơn mưa mang không khí lạnh thổi từ biển vào mới thấy hết được những lo âu, lẫn tức giận của bà con vùng dự án du lịch nghỉ dưỡng treo này.
Trước đây, dải rừng phi lao ven biển là “bức tường” rừng phòng hộ che chắn gió, bão, xâm thực và giảm phần nào hơi lạnh từ biển vào khu dân cư phía trong đến nay đã bị san ủi bằng phẳng để lại những bãi đất trống hoang hóa, xơ xác, phơi mình cho biển ăn dần.
Căn nhà của gia đình bà N.T.C
Ngồi trong căn nhà ngói lụp xụp, nứt nẻ và chật chội của gia đình bà Nguyễn Thị C. Phường Quảng Vinh (TP. Sầm Sơn) đôi khi chúng tôi giật mình vì tiếng gió rít từng hồi khiến cho căn nhà như muốn đổ ụp xuống. Cũng như bao gia đình khác, gia đình bà C. cũng là một trong những hộ chịu án “đày đọa” vì dự án khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Toàn Tích Thiện.
Theo tìm hiểu được biết dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Toàn Tích Thiện được lập quy hoạch từ những năm 94 của thế kỷ trước. Nhưng đến nay, đã hơn 20 năm qua, dự án vẫn dậm chân tại chỗ, trong khi hàng chục hộ dân chịu ảnh hưởng phải sống trong hoàn cảnh đi không được, ở không xong.
Bà C. bức xúc thốt lên: “Gia đình tôi và những hộ dân khác sống trong khu dự án này còn phải bị đày đọa đến bao giờ nữa?. Nhà tôi có tới 4 thế hệ phải sống chung, chen chúc trong căn nhà ngói cũ kỹ, dột nát được xây dựng từ hàng chục năm trước. Bây giờ con cái đã khôn lớn xây dựng gia đình nhưng không được xây nhà mới phải đi ở nhờ, ở đợ người ta trong khi đất của gia đình còn rất rộng”.
Cần mạnh dạn thu hồi dự án
Trong khi thiên tai mỗi năm một mạnh, sức tàn phá của bão dữ ở những vùng ven biển mỗi năm một nặng thêm. Mỗi năm đã có hàng nghìn hecta đất rừng ven biển bị biển xâm thực, hàng trăm hecta đất canh tác nông nghiệp của người dân bị cát biển làm cho hoang hóa, khô cằn.
Song những năm gần đây, các địa phương ven biển nàygần như không thể thực hiện được các dự án phủ xanh đất trống đồi trọc vùng ven biển do vướng quy hoach.Trong khi mỗi năm thêm sự có mặt của các dự án du lịch khác đã thản nhiên chặt phá dải rừng phi lao ven biển là đồng nghĩa với sự biến mất của bao cánh rừng chắn sóng, gió.
Rừng bị chặt hạ để lại bãi đất hoang hóa
Đi dọc tuyến bờ biển Thanh Hóa điều mà người nhìn nhận thấy đó là sự quy hoạch ồ ạt những dự án nghỉ dưỡng ven biển đã cướp đi hàng trăm nghìn hecta rừng phòng hộ chắn sóng ven biển. Trong khi đa số những dự án này chưa thực hiện dự án xây dựng thì hàng trăm nghìn hecta rừng đã bị chặt hạ không thương tiếc, để lại là những bãi đất hoang như con dao mẻ.
Không chỉ thiên nhiên bị tàn phá, mà dự án treo còn đẩy hàng nghìn hộ dân nơi đây rơi vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn, những ngôi nhà cũ nát của biết bao gia đình thuộc vùng dự án thản nhiên trở thành lá chắn trước sóng, bão dữ.
Ông T.V.S. phường Quảng Vinh (TP.Sầm Sơn) bức xúc: “Cuộc đời của chúng tôi ở đây gắn liền với rừng phi lao ven biển, từ khi có thông tin quy hoạch dự án du lịch chúng tôi sẵn sàng nhường đất, nhường rừng cho doanh nghiệp vì đó là cơ hội để phát triển kinh tế của địa phương và của đất nước. Bây giờ các cô, chú thấy đấy, dự án thì treo suốt hơn 20 năm qua, rừng thì bị chặt hạ không thương tiếc trong khi doanh nghiệp thì chây ì, muốn cướp không đất của chúng tôi”.
Thiết nghĩ, không chỉ riêng tỉnh Thanh Hóa đã mất đi hàng chục nghìn hecta rừng phi lao ven biển mà nhiều vùng ven biển tại Việt Nam mất đi bức tường xanh đã phải trả một cái giá quá đắt. Đó là tình trạng biển xâm thực, đất đai nhiễm mặn, sạt lở đê kè, các công trình hạ tầng dân sinh và đe dọa đến tính mạng con người, hàng chục nghìn hộ dân vùng dự án treo rơi vào hoàn cảnh khốn khổ.
Một thực tế cho thấy nữa, các cơn bão đổ bộ vào vùng ven biển Thanh Hóa những năm gần đây đều để lại hậu quả nặng nề. Tuy nhiên, nhiều địa phương vẫn coi nhẹ vai trò của rừng phòng hộ ven biển, thay vào đó họ chú trọng cho việc quy hoạch ồ ạt những khu nghỉ dưỡng du lịch ven biển mà không theo một định hướng, chủ trương nhất định.
Trong tương lai gần, nếu đà quy hoạch du lịch ven biển ồ ạt tạo sự tàn phá khủng khiếp về thiên nhiên, môi trường sống ven biển như hiện nay, thì mức độ tàn phá của thiên nhiên sẽ vô cùng khủng khiếp...
Hà Trần