Ông Trần Việt Hà, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy phát biểu tại buổi lễ
Tháng hành động, với mục đích, nhằm nâng cao nhận thức tuân thủ pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Đẩy mạnh thực hiện công tác huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ trong các cơ sở sản xuất kinh doanh; cải thiện điều kiện làm việc, chăm sóc sức khỏe người lao động; chủ động phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường lao động, hạn chế tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.
Đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia PCCC
Nâng cao kỹ năng sử dụng phương tiện chữa cháy, khả năng phối hợp triển khai chữa cháy cho lực lượng PCCC cơ động, lực lượng PCCC cơ sở thuộc trụ sở Quận ủy, UBND quận, các phường, công an quận, BCH quân sự quận và các chợ trên địa bàn. Tạo khí thế thi đua sôi nổi trong phong trào toàn dân PCCC.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về PCCC, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và tự giác chấp hành các quy định về PCCC, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH, góp phần giữ vững an ninh chính trị và TTATXH trên địa bàn quận…
Phát biểu tại buổi lễ phát động, ông Trần Việt Hà, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy nhấn mạnh, trong thời gian qua tình hình tai nạn lao động và cháy nổ là vấn đề nóng gây bức xúc, lo ngại cho nhân dân, gây thiệt hại lớn về kinh tế, tài sản và con người. Theo số liệu thống kê năm 2016, toàn thành phố đã xảy ra 76 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, làm 78 người chết, 11 người bị thương nặng; 831 vụ cháy nổ, trong đó có 8 vụ nghiêm trọng, làm chết 19 người và bị thương 18 người, gây thiệt hại về tài sản ước tính trên 80 tỷ đồng.
Riêng quận Cầu Giấy xảy ra xảy ra 02 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, làm chết 2 người; 8 vụ cháy lớn, trong đó có 3 vụ cháy quán Karaoke làm chết 13 người, bị thương 7 người.
Đặc biệt trong tháng 4/2017, trên địa bàn xảy ra 4 vụ tai nạn, làm chết 4 người. Nguyên nhân chủ yếu là chủ đầu tư và người lao động không tuân thủ các quy định về an toàn lao động và phòng chống cháy nổ.
Các đại biểu tham dự buổi phát động
Để bảo đảm an toàn về PCCC và hưởng ứng “Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động”, UBND quận Cầu Giấy khuyến cáo tới các tổ chức và cá nhân trên địa bàn thực hiện tốt một số nội dụng sau:
1. Quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt: Khi đun nấu, thắp hương thờ cúng…, sử dụng các thiết bị đốt nóng, sửa chữa, thi công, hàn cắt…(gây phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt) phải có người trông coi.
2. Không buôn bán, tàng trữ trái phép các chất dễ cháy, nổ; sử dụng an toàn các chất dễ cháy trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, hạn chế khối lượng chất dễ cháy như xăng dầu, gas trong gia đình.
3. Sắp xếp đồ dùng, hàng hóa, vật liệu dễ cháy ngăn nắp, gọn gàng, cách xa nơi phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt (như: tủ điện, ổ cắm điện…) ít nhất 0,5m;
4. Sử dụng hệ thống điện phải có thiết bị bảo vệ chống quá tải, chập mạch; không cắm nhiều thiết bị tiêu thụ điện vào một ổ cắm; tắt các thiết bị điện khi không cần thiết, khi đi ngủ hoặc khi ra khỏi nhà…;
5. Ứng dụng, đầu tư lắp đặt các thiết bị báo cháy, báo rò rỉ gas…(nếu có điều kiện). Chuẩn bị sẵn sàng phương tiện chữa cháy tại chỗ như: Nước, chăn, bình chữa cháy xách tay…để dập tắt cháy ngay từ khi mới phát sinh;
6. Mỗi hộ gia đình hãy chủ động chuẩn bị phương án thoát nạn khi có cháy xảy ra (dự kiến lối thoát nạn thứ 2, thứ 3…ngoài cửa chính; phương tiện phá dỡ mái che, phá khóa, phá cửa…để mở lối thoát); mặt nạ phòng độc, chăn, mềm, khăn bông…để che chắn mặt, cơ thể…khi phải thoát qua các vùng, khu vực có khói lửa bao trùm.
7. Khi xảy ra cháy trong hộ gia đình, nhất là hộ gia đình có kiểu nhà ống, nhà kín có một lối thoát nạn duy nhất là cửa chính nơi mặt tiền, hãy thật bình tĩnh suy xét, hô hoán báo động cho tất cả các thành viên trong gia đình biết để mau chóng di chuyển ra ngoài; trường hợp lối cửa chính đã bị khóa, khói bao trùm hãy nhanh chóng tìm và mở lối thoát khác: như qua ban công, lô gia, cửa sổ sang nhà bên cạnh, thoát xuống mặt đất bằng thang, thang dây…hoặc trổ lối thoát lên mái nếu là mái nhà kết cấu bằng các tấm lợp…;
Nếu không còn lối nào khác buộc phải thoát qua cửa chính, hãy dùng chăn, mềm, khăn bông thấm nước để che mặt, cơ thể và cố gắng nín thở (ở mức tối đa) khi thoát qua khu vực khói, lửa; tuyệt đối không núp trong phòng, nhà vệ sinh…;
8. Gọi điện báo ngay cho Cảnh sát PCCC khi cần cứu nạn, cứu hộ theo số máy 114.
Trung tá Bùi Đăng Tuấn, Phó trưởng Phòng CS PCCC số 3 chia sẻ với PV
Theo Trung tá Bùi Đăng Tuấn, Phó trưởng Phòng CS PCCC số 3 (Sở CS PCCC Hà Nội), Công tác PCCC rất quan trọng. Thời gian qua UBND quận Cầu Giấy rất quan tâm đến công tác PCCC, triển khai nhiều đợt tuyên truyền, tập huấn PCCC cho các lực lượng chức năng và các chủ cơ sở kinh doanh; buổi hội thao này có ý nghĩa quan trọng trong công tác tuyên truyền, nâng cao nghiệp vụ PCCC cho các đơn vị, các lực lượng trên địa bàn quận; công tác PCCC của quận Cầu Giấy, hiện nay đã được bảo đảm, đáp ứng tốt yêu cầu khi có tình huống cháy nổ, tai nạn lao động xảy ra; các cơ sở kinh doanh (đặc biệt là các nhà hàng, quán Karaoke) đã được rà soát lại toàn bộ về công tác phòng chống cháy nổ, nhất là các kho tạm hiện có trên địa bàn.
Nguyễn Kiên