Theo Bộ Tài chính, công tác quản lý thu, chi ngân sách Nhà nước (NSNN) thời gian qua được thực hiện chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả hơn. Cơ cấu chi ngân sách chuyển biến tích cực, tập trung nhiều nguồn lực cho chi đầu tư phát triển.
Bước đầu đã khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải; đảm bảo các khoản chi an sinh xã hội và các lĩnh vực quan trọng. Qua thống kê cho thấy, tổng số tiết kiệm kinh phí ngân sách, vốn Nhà nước giai đoạn 2016 - 2021 là 350,54 nghìn tỷ đồng.
Năm 2022 và 2023, tiếp tục yêu cầu cắt giảm ngay từ khâu dự toán 10% chi thường xuyên ngoài các khoản chi tiền lương, phụ cấp, các khoản đóng góp theo lương, các khoản chi cho con người và một số nhiệm vụ không thể cắt giảm. Với các nguyên tắc cắt giảm như trên, lũy kế đến hết năm 2020 đã cắt giảm ngay từ khâu dự toán khoảng 930 tỷ đồng; năm 2021, 2022 giảm thêm khoảng 180 tỷ đồng/năm và năm 2023 tiếp tục cắt giảm khoảng 90 tỷ đồng so với năm 2022.
Trong thông tư hướng dẫn thực hiện dự toán NSNN năm 2023 tới đây, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp với cơ quan tài chính thường xuyên kiểm tra việc tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách ở các đơn vị, ngân sách cấp dưới. Đồng thời, các cấp ngân sách phải quản lý chặt chẽ các khoản chi NSNN theo đúng dự toán được giao, giải ngân vốn trong phạm vi kế hoạch, vay nợ trong hạn mức được giao; hạn chế tối đa việc ứng trước dự toán, các trường hợp ứng trước thực hiện theo đúng quy định của Luật NSNN.
Bộ Tài chính cũng yêu cầu các cấp ngân sách thực hiện tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên, đặc biệt là các khoản chi tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết, đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài; quản lý các khoản chi đầu tư, xây dựng cơ bản, mua sắm, sửa chữa chặt chẽ, đúng quy định; không bố trí dự toán chi cho các chính sách chưa có chủ trương ban hành; chi ban hành chính sách làm tăng chi NSNN khi thật sự cần thiết và có nguồn bảo đảm.
Vừa qua, thẩm tra báo cáo của Chính phủ về thực hành tiết kiệm chống lãng phí, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần tiếp tục rà soát, thực hiện tiết kiệm chi quản lý hành chính gắn với tinh giản biên chế.
Cuộc họp gần đây của Thủ tướng Chính phủ với một số bộ, ngành về điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ, Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành phải đẩy mạnh tăng thu, tiết kiệm chi các khoản không cần thiết, tổ chức tổng kết năm ngắn gọn, tiết kiệm, hiệu quả, tránh phô trương, hình thức, lãng phí…
Trong bối cảnh thu ngân sách còn khó khăn, vẫn phải bội chi ngân sách, thì việc triệt để tiết kiệm được coi là một trong những giải pháp hiệu quả, để chúng ta có thêm nguồn để chi cho các nhiệm vụ cấp bách phát sinh, các khoản chi cần kíp không có trong dự toán.
Bởi vì trên thực tế, việc thực hành tiết kiệm đã được triển khai nghiêm ở nhiều cấp, nhiều ngành, song ở đâu đó, việc thực hiện còn chậm, nặng về hình thức, thiếu trọng tâm, trọng điểm; tổ chức triển khai, sơ kết, tổng kết, đánh giá, nhân rộng mô hình tiên tiến còn nhiều hạn chế.
Ngoài ra, một số văn bản quy phạm pháp luật và quy chuẩn, tiêu chuẩn, đơn giá, định mức kinh tế - kỹ thuật chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, chưa đầy đủ, chậm được rà soát, điều chỉnh, bổ sung, thiếu chặt chẽ, có trường hợp còn sơ hở, dẫn đến lãng phí, thất thoát.
Lê Xuân (t/h)