Ra quân bắt giữ bò thả rong tại Khu đô thị sinh thái Golden Hills
Qua ghi nhận của Phóng viên Thương hiệu & Công luận sáng nay ngày 23/4, trên địa bàn Khu đô thị sinh thái Golden Hills, thuộc tổ dân phố 35 một số con đường như: A10, A04, A06…Vẫn còn những nhóm bò (từ 4-5 con) đi lông nhông ăn cỏ và phóng uế bừa bãi trên đường. Đặc biệt, tại Cầu Gia Tròn sáng nay lượng phân của trâu, bò phóng uế khá nhiều hơn những ngày trước.
Chị Nguyễn Kim Quý, trú tại tổ dân phố 35 chia sẻ với phóng viên: “ Sáng nào em cũng chở các con em đi học, ngang qua cầu là mùi hôi lẫn nước đái của trâu, bò nồng nặc không chịu nổi… rất khổ tâm…” Còn ông Nguyễn Văn H, ở xã Hòa Liên thì thở dài nói với phóng viên: “Chiếc xe con của tôi, nhiều buổi sáng đi làm qua đoạn đường cầu Gia Tròn, thấy phân trâu, bò phóng uế đó, nhưng không làm sao tránh được, vì quá nhiều, phải chấp nhận đi băng qua, đến cơ quan ai cũng bịt mũi, vì mùi hôi, đành để xe ngoài đường nắng suốt cả buổi sáng đến trưa về, mới vệ sinh được cho chiếc xe…”.
Trao đổi với ông Mai Tấn Tuân, Tổ phó Tổ Kiểm tra Quy tắc Đô thị phường Hòa Hiệp Nam cho hay: “Việc ra quân bắt giữ bò gần như thường xuyên, nhưng các hộ chăn nuôi bò thả rong, họ rất ù lì, mỗi lần bắt giữ, chúng tôi đều lập biên bản xử phạt, viết cam kết, nhưng rồi họ cứ đâu lại vào đấy”. Chứng kiến việc bắt giữ bò sáng nay (23/4), sau khi bắt được bò đưa lên xe không có chủ nhận) lực lượng chức năng phải nhờ hộ ông Hồ Đình Xão, sinh năm 1987, trú tại thôn Trung Nghĩa, xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang nuôi giữ hộ tiền công mỗi ngày 200.000 đồng/con.
Một điều hầu hết các hộ chăn nuôi trâu, bò thả rong, họ đều tránh né cơ quan chức năng, thậm chí khi bị tai nạn bò chết, người bị thương, họ lại càng tránh không nhận bò về…
Ông Lê Văn H, một người dân địa phương nói: “Mức phạt chưa đủ sức răn đe, nên những hộ chăn nuôi trâu, bò thả rong vẫn ù lì…”.
Mặc dù nhiều năm qua chính quyền địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, làm việc với các hộ dân chăn nuôi trâu, bò này, tuy nhiên tình trạng chăn thả rong trâu, bò vẫn đang tiếp diễn.
Cần những quy định cụ thể và chặt chẽ hơn
Theo khoản 2 Điều 10, Nghị định 46/2016/NĐ-CP, hành vi để súc vật đi trên đường bộ không bảo đảm an toàn cho người và phương tiện đang tham gia giao thông chỉ bị phạt tiền từ 60.000 - 80.000 đồng. Nghị định 167/2013/NĐ-CP, ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối hành vi thả rong động vật nuôi nơi công cộng; phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi để động vật nuôi gây thiệt hại tài sản cho người khác…
Chưa kể, việc địa phương tổ chức bắt nhốt đàn trâu, bò thả rong, không người quản lý cũng bất cập bởi các phường, xã không có lực lượng canh giữ cũng như chăm sóc trâu, bò trong suốt thời gian chờ chủ đến giải quyết. Nhiều trường hợp chủ đàn bò không chịu đến nhận; bò chết sau một thời gian bị nhốt trong chuồng, chính quyền địa phương phải bỏ tiền ra đền bù cho người dân theo giá thị trường.
Theo nhiều người dân, do hình thức xử phạt hành chính theo quy định còn nhẹ nên tình trạng các hộ chăn nuôi viết cam kết lần 2, lần 3, thậm chí lần 4, lần 5 về việc không thả rong bò trên địa bàn nhưng vẫn tái phạm không phải là chuyện hiếm.
Trong quá trình đô thị hóa, nhiều hộ nông dân không có điều kiện chuyển đổi ngành nghề nên cố gắng thoát nghèo bằng cách theo đuổi việc chăn nuôi gia súc, gia cầm. Với những trường hợp này, nhiều địa phương cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình xử lý do tâm lý không muốn “triệt đường” làm ăn của bà con.
Để giải quyết tận gốc vấn đề người dân chăn nuôi trâu, bò rồi thả rong trong đô thị, bên cạnh việc xử lý theo quy định thì cần phải kết hợp các biện pháp tuyên truyền pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức của người dân và điều quan trọng nhất là chính quyền phải có cơ chế khuyến khích để người dân chuyển đổi ngành nghề, có cơ hội tìm kiếm việc làm, cải thiện đời sống...
Hoàng Hữu Quyết