Ảnh minh họa
Tháo gỡ nhiều vướng mắc
Luật Đầu tư công có hiệu lực năm 2015, qua 3 năm thực hiện, đã đạt được kết quả tích cực như hạn chế đầu tư dàn trải, việc phân tán nợ đọng trong đầu tư xây dựng cơ bản được xử lý, quản lý và sử dụng vốn đầu tư công được công khai, minh bạch và hiệu quả hơn.
Luật Đầu tư công hiện hành đã tạo được cơ sở pháp lý quan trọng trong quản lý đầu tư công, giúp siết chặt kỷ cương trong quản lý vốn NSNN chi đầu tư thông qua các quy định mang tính chất đột phá như chuyển cơ chế từ kế hoạch đầu tư hàng năm sang kế hoạch đầu tư trung hạn gắn với kế hoạch hàng năm. Chương trình đầu tư, dự án đầu tư phải được thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn trước khi phê duyệt.
Tuy nhiên, luật còn bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc, làm ảnh hưởng đến quá trình đầu tư như thời gian chuẩn bị kéo dài, giải ngân không đạt kế hoạch... dẫn đến hiệu quả đầu tư chưa cao.
Tồn tại lớn nhất của luật hiện nay về đầu tư công là chưa phân cấp đúng mức cho cấp dưới và quản lý NSNN phân tán. Việc sử dụng nguồn lực chi cho đầu tư phát triển vừa qua chưa đạt được kỳ vọng, chưa tương xứng với số tiền bỏ ra. Do vậy, cần đưa nhiệm vụ chi đầu tư phát triển từ NSNN hay gọi là đầu tư công về một bộ quản lý về NSNN.
Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) đề xuất sửa đổi, bổ sung 18 nhóm vấn đề liên quan đến 69 điều; bãi bỏ 6 điều và bổ sung mới 4 điều. Điều này cơ bản khắc phục được những hạn chế, khó khăn, vướng mắc của luật hiện hành.
Trước tiên, nhằm khắc phục tồn tại cố hữu trong quản lý NSNN. Hiện nay, NSNN do 2 cơ quan, là Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý và phân bổ chi đầu tư; Bộ Tài chính quản lý, phân bổ chi thường xuyên. Điều này dẫn đến tình trạng nguồn lực phân tán chồng chéo, thiếu thống nhất trong quản lý, từ đó làm giảm hiệu quả chi, sử dụng NSNN phân tán, manh mún, xé lẻ, thiếu sự gắn kết giữa chi đầu tư và chi thường xuyên; co kéo trong xây dựng kế hoạch giữa dự báo nguồn thu và yêu cầu chi; thiếu thông tin cho các cấp, không rõ trách nhiệm của từng cơ quan.
Thời gian qua, việc lập kế hoạch đầu tư, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thiếu sự gắn kết với khả năng cân đối thu NSNN và khả năng vay trả nợ, nội dung lại do Bộ Tài chính chủ trì. Vì vậy, kế hoạch đầu tư thiếu bền vững, không có sự gắn kết với dự toán NSNN hàng năm, kế hoạch tài chính trung hạn nên phát triển KT-XH không được theo kỳ vọng.
Đầu tư phải theo một quy trình đầy đủ từ chuẩn bị, đưa dự án vào kế hoạch, triển khai thực hiện, giải ngân, quyết toán, vận hành, bảo dưỡng, bảo trì công trình và đánh giá hiệu quả của đầu tư. Tuy nhiên, trong tất cả các quy trình trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ thực hiện khâu phân bổ kế hoạch, vốn đầu tư trong nước, nguồn NSNN, mà không nắm rõ hết được các quy trình khác.
Đặc biệt, thiếu sự theo dõi sau đầu tư để đánh giá và bố trí nguồn vốn cho bảo dưỡng, duy tu, vận hành công trình nên phân bổ kế hoạch đầu tư thường dàn trải, phân tán, thiếu bền vững. Tuổi thọ của các công trình thường ngắn, đầu tư đi đầu tư lại nhiều lần, gây thất thoát, lãng phí. Do vậy, không thể đánh giá một cách toàn diện và chính xác được hiệu quả đầu tư.
Vừa qua, khi sửa đổi Luật Quản lý nợ công, Quốc hội đã có bước tiến rất quan trọng là đưa về một đầu mối quản lý thống nhất đối với nợ công. Việc sửa đổi Luật Đầu tư công là tiến thêm một bước mạnh dạn để có sự quản lý thống nhất đối với toàn bộ lĩnh vực đầu tư công nói riêng và quản lý NSNN nói chung.
Sửa đổi nhiều nội dung
Về phân loại vốn đầu tư, Luật Đầu tư công hiện hành quy định vốn đầu tư công, bao gồm nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối trong NSNN. Các đơn vị sự nghiệp công lập được giao tự chủ cả về vốn đầu tư và chi thường xuyên, muốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất bằng nguồn thu hợp pháp của mình, thì vẫn phải làm thủ tục “xin” các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chủ trương, nguồn vốn đầu tư.
Điều này trái với chủ trương tăng quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập và không khuyến khích sự tự tích lũy để đầu tư tăng cường cơ sở vật chất. Do đó, cần phải phân loại rõ các nguồn vốn đầu tư để có quy trình quản lý khác nhau. Riêng đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ, phải quy định rõ nguồn vốn các đơn vị này được sử dụng như nguồn vốn của DNNN, không nên đưa vào quy định quản lý đầu tư công.
Trong quy trình hiện hành, khi phê duyệt chủ trương, dự án đầu tư thì đều có một bước thành lập hội đồng thẩm định, dựa trên ý kiến của hội đồng mà các cấp thẩm quyền sẽ ra quyết định phê duyệt. Tuy nhiên, về bản chất, quyết định đầu tư mang tính hành chính nhà nước, không phải mang tính chuyên môn.
Có nhiều ý kiến cho rằng, việc thành lập các hội đồng thẩm định thực chất là việc hình thức hóa hay hợp pháp hóa ý kiến, ý chí chủ quan của người có thẩm quyền, quyết định bằng bình phong là hội đồng để khi có hậu quả xảy ra thì quyết định đầu tư dù có không đúng thì không ai phải chịu trách nhiệm. Nếu cứ tiếp tục duy trì cơ chế lấy hội đồng làm “lá chắn” - sẽ có nhiều dự án đầu tư công thất thoát hoặc đầu tư không đúng nhưng cuối cùng không ai phải chịu trách nhiệm.
Do vậy, cần quy định lại quy trình, đơn vị đề xuất đầu tư phải lập và chịu trách nhiệm về thông tin, hồ sơ dự án; cơ quan có chức năng quản lý đầu tư phải chịu trách nhiệm về thẩm định. Nếu như cơ quan thẩm định hoặc người có quyền quyết định chưa đủ thông tin, cần phải tham khảo thêm thì có thể thuê chuyên gia hoặc thành lập các hội đồng nhưng chỉ tư vấn, không phải là căn cứ để ra các quyết định đầu tư. Việc quy định như trên vừa đơn giản hóa quy trình, rút gọn thời gian phê duyệt, vừa làm rõ quyền hạn, trách nhiệm của mỗi cơ quan và người đứng đầu trong các quy trình, quyết định đầu tư công.
Về sắp xếp thứ tự ưu tiên và phân bổ vốn cho kế hoạch đầu tư công, đều có quy định phải dựa vào các nguyên tắc và tiêu chí nhất định. Tuy nhiên, những quy định trong điều luật sửa đổi mới chỉ đề cập đến các nguyên tắc chung. Cho nên, cần đưa các tiêu chí cụ thể về lựa chọn, sắp xếp thứ tự ưu tiên các chương trình, dự án vào danh mục, cũng như cơ sở để phân bổ vốn đầu tư, như tiêu chí về hiệu quả tài chính dự án, tiêu chí về tác động lan tỏa đến thu hút đầu tư xã hội, tiêu chí về thúc đẩy phát triển hoạt động kinh tế, tiêu chí về thay đổi chỉ số về xã hội...
Khi có đầy đủ, công khai, những tiêu chí đó sẽ là căn cứ để cơ quan, địa phương, đơn vị đề xuất dự án, chương trình tự đánh giá dự án của mình có được xếp vào thứ tự ưu tiên hay không. Đồng thời, đây cũng là cơ sở để đánh giá kết quả đầu ra của đầu tư công.
Về công khai, minh bạch trong đầu tư công, dự án đầu tư công là sử dụng tiền công nên phải công khai, chi tiết đầu tư với mục tiêu gì, đầu tư như thế nào, cũng như giải pháp quy trình kỹ thuật được thi công. Trong quy định hiện hành của Luật Đầu tư công, đã có Điều 14 về công khai minh bạch trong đầu tư công. Tuy nhiên, những vấn đề người dân cần được biết thì chưa được cụ thể.
Vì vậy, cần quy định công khai, chi tiết đầy đủ toàn bộ hồ sơ dự án đầu tư để người dân được biết, chỉ trừ dự án đầu tư thuộc bí mật nhà nước hoặc công trình về quốc phòng, an ninh quan trọng quốc gia. Đây là cơ sơ quan trọng để thực hiện quyền giám sát của người dân, của cộng đồng cũng như Mặt trận Tổ quốc khi thực hiện giám sát đầu tư công.
Thái Bình