Trong tổng số vụ việc đã xử lý có 9 trường hợp vi phạm không đăng ký website bán hàng với Bộ Công Thương, số tiền xử phạt 270 triệu đồng; 5 vụ vi phạm được phát hiện qua các nền tảng mạng xã hội, số tiền xử phạt gần 120 triệu đồng (các hành vi vi phạm gồm: Không đăng ký thành lập hộ kinh doanh; kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, giả mạo nhãn hiệu).
Đơn cử, vào tháng 4/2024, thông qua mạng xã hội (facebook, zalo), Đội QLTT số 1 (Cục QLTT tỉnh) phối hợp với Công an TP Bắc Giang kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh Đ.T.Q ở xã Đồng Sơn (TP Bắc Giang), phát hiện chủ hộ kinh doanh hơn 10 nghìn đơn vị sản phẩm là hàng thời trang không rõ nguồn gốc xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu. Với vi phạm này, hộ kinh doanh Đ.T.Q đã bị xử phạt gần 150 triệu đồng.
Ông Giáp Quang Đăng, Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh nhận định, công tác kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực TMĐT còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do các đối tượng thường không sử dụng thông tin cá nhân, địa chỉ thật trong giao dịch; không có kho hàng hoặc kho hàng phân tán ở nhiều nơi; khi bị phát hiện dễ dàng sửa chữa, xóa dấu vết, chứng cứ. Trong khi đó, công tác phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các lực lượng chức năng có thời điểm chưa kịp thời, hiệu quả. Nguồn lực con người, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên môi trường TMĐT chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Quy định pháp luật điều chỉnh lĩnh vực này chưa hoàn thiện, sát thực tế. Vì lợi nhuận cao, một bộ phận tổ chức, cá nhân kinh doanh đã bất chấp quy định pháp luật, cố tình vi phạm. Bên cạnh đó, không ít người tiêu dùng chưa thông thái khi mua hàng trên mạng, vô tình tiếp tay cho đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả, kém chất lượng.
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, lực lượng QLTT tăng cường phối hợp quản lý, đánh giá các website kinh doanh trên địa bàn tỉnh; phối hợp kiểm tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động TMĐT. Cùng đó tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT đến năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện toàn ngành đang xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý địa bàn tập trung, tích cực ứng dụng giải pháp công nghệ vào quá trình giám sát, đấu tranh, xử lý vi phạm; đào tạo, trang bị kiến thức về TMĐT, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ.
Bá Đoàn