Phạm vi thực hiện toàn bộ vùng lõi của làng gốm Thanh Hà với các đối tượng hướng đến là các cơ sở kinh doanh homestay, các cơ sở sản xuất gốm thủ công, trải nghiệm chuốt gốm và cơ sở bán nước giải khát tại khu vực nói trên.
Mục tiêu cụ thể đặt ra, 100% các cơ sở kinh doanh homestay được công nhận đạt tiêu chuẩn du lịch xanh theo Bộ Tiêu chí Du lịch xanh Quảng Nam dành cho homestay.
50% các cơ sở sản xuất gốm thủ công, trải nghiệm chuốt gốm được công nhận đạt tiêu chuẩn du lịch xanh theo Bộ Tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam dành cho Điểm tham quan; 50% cơ sở bán nước giải khát các loại thực hành du lịch xanh.
Triển khai một hoạt động truyền thông về du lịch xanh cho khách tham quan.
Hiện nay, làng nghề truyền thống gốm Thanh Hà có 32 cơ sở sản xuất và kinh doanh dịch vụ gốm, giải quyết việc làm cho gần 70 lao động của địa phương.
Phần lớn các lò nung đã ngừng sử dụng than củi và chuyển đổi sang nhiên liệu gas, góp phần đáng kể trong việc giảm lượng khí thải ra môi trường.
Bên cạnh đó, các hộ kinh doanh trong làng cũng đã được tham gia các lớp tập huấn về bảo vệ môi trường và phát triển du lịch.
Về khía cạnh phát triển dịch vụ du lịch, 32 cơ sở sản xuất, kinh doanh với các sản phẩm du lịch chính là trình diễn chuốt gốm và trải nghiệm làm gốm; lưu trú du lịch tại làng; tham quan Công viên Đất nung; kinh doanh dịch vụ giải khát và quà lưu niệm.
Ông Trương Hoàng Vinh, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An cho biết: "Nội tại của di sản văn hóa tại Làng gốm đang được bảo tồn tốt. Trong công tác bảo vệ môi trường, đơn vị quản lý du lịch, thợ gốm, người dân đã có nhiều hoạt động cụ thể, hiệu quả theo tinh thần hướng tới môi trường xanh. Tuy nhiên, ở lĩnh vực bảo vệ môi trường thì điểm đến Làng gốm Thanh Hà cần phải có nhiều sự đầu tư quy mô hơn nữa để đáp ứng các tiêu chí xanh trong tương lai.
"Trước mắt, cần tiếp tục tạo ra các sản phẩm lưu niệm nhỏ có chuyển tải nhiều thông điệp văn hóa, giá trị kinh tế cao. Đồng thời cần có chủ trương áp dụng công nghệ xử lý tuần hoàn nước thải, sử dụng nước thải sau xử lý để tưới tiêu cũng như tăng cường sử dụng hoặc thay thế hệ thống chiếu sáng bằng năng lượng sạch", ông Vinh đề xuất.
Làng gốm Nam Diêu - Thanh Hà được hình thành vào khoảng thế kỷ XVI - XVII, hưng thịnh nhất vào khoảng nửa đầu thế kỷ XIX, được triều đình Nguyễn ghi vào sách Đại Nam nhất thống chí. Tháng 8/2019, nghề gốm Thanh Hà đã được Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Vào ngày 9 và 10 tháng 7 Âm lịch hằng năm, người dân làng gốm tổ chức Lễ giỗ Tổ nghề nhằm tưởng nhớ, tri ân công đức các bậc tiền nhân; đồng thời, đây cũng là dịp để các nghệ nhân chia sẻ, truyền lại cho thế hệ trẻ về nguồn cội, lịch sử, cũng như ý thức bảo tồn, gìn giữ và phát triển nghề của cha ông.
Hoàng Hữu Quyết