Thanh tra Sở Công Thương vừa thanh tra 13 cơ sở sản xuất rượu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và phát hiện nhiều cơ sở không có giấy phép sản xuất.
Cụ thể, qua thanh tra, kiểm tra 13 cơ sở sản xuất rượu, đoàn phát hiện 5 cơ sở không có giấy phép sản xuất (chiếm 38,46%); 7 cơ sở chưa tuân thủ các quy định dán tem thuế trước khi tiêu thụ trên thị trường, hoặc thực hiện dán tem mang tính đối phó, mua tem thuế nhưng không sử dụng (2 cơ sở đã có giấy phép sản xuất, 5 cơ sở chưa có giấy phép).
Mặc dù hầu hết cơ sở đã có hồ sơ tự công bố sản phẩm theo quy định của Luật An toàn thực phẩm, tuy nhiên một số cơ sở hồ sơ tự công bố khác với nhãn hàng hóa tại thời điểm kiểm tra nhưng chưa làm thủ tục điều chỉnh theo quy định.
Bên cạnh đó, việc lưu trữ thông tin về nguồn gốc, xuất xứ các nguồn nguyên liệu chưa được đảm bảo, đặc biệt đối với các sản phẩm sâm Ngọc Linh dùng để sản xuất các loại rượu ngâm như: Lá sâm, củ sâm, hoa sâm Ngọc Linh.
Hoạt động kinh doanh của một số cơ sở cũng chưa tuân theo quy định như: Bán buôn, bán lẻ đối với các tổ chức hoặc cá nhân không có giấy phép kinh doanh rượu theo quy định pháp luật.
Ông Nguyễn Văn Thu, Phó Chánh Thanh tra Sở Công Thương cho biết, hoạt động thanh tra diễn ra định kỳ nhằm tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, an toàn thực phẩm, nguồn gốc, xuất xứ.
Qua đó, đánh giá thực trạng chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, an toàn thực phẩm, đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa lưu thông trên thị trường; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những trường hợp vi phạm.
Bên cạnh việc thực hiện công tác thanh tra, Đoàn thanh tra còn kết hợp lồng ghép phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn các văn bản quy định của pháp luật, qua đó nâng cao về ý thức chấp hành pháp luật của các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu.
Hành vi bán buôn rượu mà không có giấy phép có thể bị phạt hành chính từ 10 - 15 triệu đồng theo quy định tại khoản 3, Điều 6 Nghị định 98 năm 2020.
Đình Lương