Chỉ ghi nhận hình thức tổ chức, nguyên tắc về vị trí pháp lý của Hội đồng Y khoa quốc gia
Báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình và chỉnh lý một số nội dung lớn dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi và hồ sơ của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, qua quá trình tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban Xã hội nhận thấy, dự thảo Luật đã cơ bản đáp ứng được mục tiêu, quan điểm đặt ra. Đó là thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, cụ thể hóa Hiến pháp; lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; tiếp tục thực hiện chính sách xã hội hóa và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ y tế; bảo đảm sự công bằng giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và tư nhân.
Đồng thời, khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả, phát triển và hội nhập quốc tế; tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, kỷ luật của công tác quản lý Nhà nước về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh...
Về bố cục của dự thảo Luật, tiếp thu ý kiến của đại biểu, Thường trực Ủy ban Xã hội đã rà soát các quy định; hoàn thiện, bổ sung các quy định liên quan đến tài chính trong khám, chữa bệnh làm căn cứ để thiết kế một mục riêng về các điều kiện bảo đảm về tài chính cho công tác khám, chữa bệnh tại Chương X (Các điều kiện bảo đảm công tác khám bệnh, chữa bệnh)...
Về Hội đồng Y khoa quốc gia, Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng đây là lần đầu tiên Việt Nam áp dụng mô hình Hội đồng Y khoa quốc gia để thực hiện việc đánh giá năng lực trước khi cấp giấy phép hành nghề, do vậy, dự thảo Luật chỉ ghi nhận hình thức tổ chức này, nguyên tắc về vị trí pháp lý.
Về cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh (Điều 104), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, nguyên tắc vận hành hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo 3 cấp chuyên môn kỹ thuật, bảo đảm điều tiết toàn hệ thống chưa rõ ràng; đề nghị làm rõ mối quan hệ và sự kết nối giữa các cấp, hạng bệnh viện, quan hệ giữa công và tư; phân cấp các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân; trong một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thể có cả 03 cấp hay từng cấp riêng biệt. Đề nghị cân nhắc việc điều chỉnh cấp chuyên môn kỹ thuật để bảo đảm sự ổn định của hệ thống y tế như hiện nay và nên giao Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về phân tuyến chuyên môn kỹ thuật.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu, dự thảo Luật được chỉnh lý cụ thể hơn theo hướng hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bao gồm cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và tư nhân được chia thành 3 cấp chuyên môn kỹ thuật.
Một là, cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu thực hiện nhiệm vụ khám bệnh, điều trị ngoại trú, chăm sóc sức khỏe ban đầu; quản lý bệnh tật, phục hồi chức năng tại cộng đồng.
Hai là, cấp khám bệnh, chữa bệnh cơ bản thực hiện nhiệm vụ khám bệnh, điều trị ngoại trú, điều trị nội trú tổng quát; đào tạo thực hành tổng quát, tổ chức cập nhật kiến thức y khoa liên tục cho người hành nghề.
Ba là, cấp khám bệnh, chữa bệnh chuyên sâu thực hiện nhiệm vụ khám bệnh, điều trị ngoại trú, điều trị nội trú chuyên sâu; đào tạo thực hành chuyên sâu, đào tạo liên tục chuyên sâu; chuyển giao kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh.
Đồng thời, quy định nguyên tắc tổ chức của các cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh theo hướng bảo đảm tính liên tục, liên thông trong cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ được xếp vào một cấp chuyên môn, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc cấp nào phải đủ năng lực và tập trung thực hiện các nhiệm vụ của cấp đó.
Để có thể triển khai hiệu quả và bảo đảm tính khả thi, dự thảo Luật giao Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết về cấp chuyên môn kỹ thuật như thể hiện tại Điều 104 và quy định lộ trình thực hiện tại khoản 7, Điều 120 đến 01/01/2027.
Quy định rõ chức năng, địa vị pháp lý của Hội đồng Y khoa quốc gia
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao nỗ lực nghiêm túc, tinh thần trách nhiệm lắng nghe, chủ động phối hợp giữa Thường trực Ủy ban Xã hội, Chính phủ, Bộ Y tế trong tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi. Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng góp ý về một số nội dung liên quan đến trách nhiệm của Chính phủ trong hướng dẫn thực hiện quy định về chức danh chuyên môn, lộ trình thực hiện để Hội đồng y khoa quốc gia vận hành, phân cấp chuyên môn kỹ thuật, tài sản vật tư y tế…
Liên quan đến quy định về giấy phép hành nghề, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, các quy định về nội dung này được bố cục trong dự thảo Luật chưa hợp lý và cần thảo luận thêm để thiết kế cho phù hợp.
Băn khoăn về quy định tại khoản 3, Điều 21 dự thảo Luật quy định “Giấy phép hành nghề có thời hạn 05 năm kể từ ngày cấp mới, cấp lại, gia hạn và điều chỉnh”, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, quy định này về mặt luật pháp là không hợp lý và đề nghị quy định theo hướng: mỗi người hành nghề chỉ được cấp một giấy phép hành nghề; thời hạn có giá trị chỉ có 05 năm, sau đó cấp lại, gia hạn thì cũng là 05 năm. Băn khoăn về quy định cấp giấy phép hành nghề có thời hạn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần làm rõ, quy định tường minh vấn đề này.
“Việc chữa bệnh, cứu người liên quan đến tính mạng, sức khỏe người dân cần phải hết sức kỹ lưỡng, hết sức thận trọng nhưng phải đúng quy luật, khách quan và phù hợp với thực tiễn Việt Nam cũng như kinh nghiệm quốc tế”. Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị rà soát lại các quy định về thẩm quyền cấp mới, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh giấy phép hành nghề, đình chỉ hành nghề, thu hồi giấy phép hành nghề trong dự thảo Luật.
Liên quan đến Hội đồng y khoa quốc gia quy định tại Điều 24 dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội không tán thành với cách quy định hiện nay trong dự thảo Luật về vấn đề này. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, với quy định trong dự thảo Luật hiện nay, địa vị pháp lý của Hội đồng Y khoa quốc gia không rõ ràng. Dự thảo Luật chỉ quy định Chính phủ quy định thành lập, nhưng theo dự thảo Luật không rõ ai đứng ra thành lập tổ chức này? Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, Bộ Y tế cung cấp thêm tài liệu tham khảo kinh nghiệm quốc tế về thành lập mô hình Hội đồng y khoa quốc gia; cần đánh giá xem mô hình nào phù hợp với Việt Nam.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng thống nhất với sự cần thiết phải quy định về Hội đồng y khoa quốc gia trong dự thảo Luật, nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng được xác định trong Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới và nước ta cũng chưa có kinh nghiệm trong vấn đề này. Quy định tại Điều 24 của dự thảo Luật còn mang tính khái quát, chỉ xác định chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Y khoa quốc gia, sau đó giao cho Chính phủ quy định chi tiết. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng, quy định hiện nay chưa rõ về địa vị pháp lý, chưa rõ tổ chức này thì trực thuộc cơ quan nào, quan hệ với cơ quan quản lý Nhà nước về y tế như thế nào và nếu giao Chính phủ quyết định với những nguyên tắc như quy định trong Điều 24 cũng sẽ rất khó cho Chính phủ. Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra nghiên cứu thêm để quy định cụ thể hơn một bước nữa, làm cơ sở cho Chính phủ quy định chi tiết sẽ phù hợp hơn.
Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cũng đề nghị, thiết kế nội dung quy định cho rõ chức năng, nhiệm vụ, trong đó cần quy định rõ hơn nữa vai trò của các Hội chuyên ngành trong việc tham gia đánh giá năng lực cấp giấy phép hành nghề theo thông lệ quốc tế.
Theo Báo Đại biểu Nhân dân