Mức giá mới này khiến nhiều nhà đầu tư nhắm mắt chạy theo tuy nhiên bài học kinh nghiệm từ điện mặt trời vẫn còn hiện hữu.
Đổ xô đầu tư điện gió
Theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam: Các dự án điện gió trong đất liền được mua với giá 1.928 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế Giá trị gia tăng), tương đương 8,5 Uscents/kWh. Tỷ giá quy đổi giữa đồng Việt Nam và USD được tính theo tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố ngày 30/8/2018 là 22.683 đồng/USD. Giá mua điện được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD.
Đối với các dự án điện gió trên biển, giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 2.223 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế Giá trị gia tăng), tương đương 9,8 Uscents/kWh. Giá mua điện được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD. Đây là mức giá mua điện gió tăng tương đối cao so với mức giá được áp dụng từ năm 2011 đến trước thời điểm Quyết định 39/2018 được ban hành (khoảng 1.770 đồng một kWh, tương đương 7,8 Uscents/kWh). Giá mua điện ở trên được áp dụng cho một phần hoặc toàn bộ nhà máy điện gió nối lưới có ngày vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021 và được áp dụng 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.
Với tỷ giá như hiện tại, giá mua điện gió trên đất liền xấp xỉ 2.000 đồng/số. Mức giá này đã khiến hàng loạt nhà đầu tư đổ xô vào điện gió.
: Điện gió hiện là lĩnh vực năng lượng tái tạo đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm. (Ảnh: IT)
Báo cáo mới đây của Bộ Công thương gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 19-3, cho hay, trong giai đoạn 2011-2018, chỉ có ba dự án điện gió được xây dựng và đưa vào vận hành với tổng công suất lắp đặt là 152,3 MW. Tuy nhiên, sau khi có Quyết định 39/2018/QĐ-TTg, tháng 9-2018, tính tới tháng 3-2020 đã có tổng cộng 78 dự án điện gió với tổng công suất 4.800 MW được đưa vào quy hoạch phát triển điện lực. Trong số này cũng có 11 dự án với tổng công suất 377 MW đã phát điện, và 31 dự án đã ký hợp đồng mua bán điện với tổng công suất 1.662 MW và có thời gian vận hành dự kiến trong năm 2020-2021.
Bên cạnh đó hiện có gần 250 dự án điện gió với quy mô tổng công suất lên tới khoảng 45.000 MW đang được UBND các địa phương gửi tới Bộ Công thương đề xuất được bổ sung vào quy hoạch điện.
Việc chạy đua của các nhà đầu tư, doanh nghiệp vào làm điện gió cũng khiến cho dự luận e ngại về làn sóng đã từng xảy ra như đối với điện mặt trời.
Cần loại bỏ nhà đầu tư ảo, khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư công trình truyền tải
Nhìn nhận về câu chuyện ồ ạt phát triển điện gió, một vị chuyên gia lâu năm về năng lượng tái tạo nhận định: Đầu tư vào điện gió để hưởng ưu đãi thời điểm hiện tại cũng đầy rủi ro. Đó là bởi, mức giá ưu đãi cho điện gió chỉ áp dụng cho các nhà máy điện gió nối lưới có ngày vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021. Nhiều nhà đầu tư đang phải chạy đua với thời gian để đưa công trình vào vận hành đúng thời hạn, tuy nhiên vấn đề ở chỗ điện gió không thể đầu tư nhanh như điện mặt trời.
Với dự án điện gió đã được bổ sung vào quy hoạch, để có được báo cáo nghiên cứu khả thi (FS), nhà đầu tư phải có dữ liệu đo gió, ít nhất là mất 12 tháng. Khi có dữ liệu đo gió, nhà đầu tư mới làm được thiết kế. Nhà đầu tư nào làm điện gió mà đến giờ chưa thu thập được dữ liệu đo gió ít nhất 6 tháng thì không thể kịp đưa vào vận hành vào trước tháng 11/2021. Ngoài ra, cũng phải nói thêm rằng, việc đặt mua thiết bị điện gió cũng khá khó khăn trong thời điểm hiện tại do ảnh hưởng của dịch Covid - 19.
Mặc dù Bộ Công Thương vừa có văn bản số 2491/BCT-ĐL trình Chính phủ ngày 9-4-2020 về việc kiến nghị xem xét kéo dài thời điểm áp dụng cơ chế giá điện ổn định cho các dự án điện gió, tuy nhiên điểm mấu chốt là Bộ này sẽ xây dựng mức giá mới cho thời gian từ tháng 11-2021 đến hết năm 2023. Điều này cũng khiến các nhà đầu tư điện gió "đứng ngồi không yên". Bởi họ đang rất mong chờ mức giá mua điện gió theo Quyết định 39 sẽ được kéo dài đến hết năm 2022 hoặc may mắn hơn là đến hết năm 2023.
Năng lực của nhà đầu tư đóng vai trò rất quan trọng trong việc quy hoạch điện gió. (Ảnh: IT)
Vậy mới thấy ngoài vấn đề cơ chế, năng lực của nhà đầu tư góp phần quyết định rất lớn. Điện gió là một lĩnh vực mới ở Việt Nam, có hàm lượng khoa học công nghệ rất cao. Nhiều nhà đầu tư có nguồn lực tài chính nhưng lại chưa đủ trình độ về công nghệ triển khai và quản lý dự án. Ngược lại, nhiều nhà đầu tư đủ năng lực về công nghệ, lại không huy động được nguồn tài chính. Ngoài ra, cũng có một số "nhà đầu tư ảo", thấy Nhà nước có chủ trương phát triển điện gió, nhiều ưu đãi về thuế đất, thì đăng kí dự án, nhưng không đủ năng lực triển khai, chờ khi giá điện gió tăng sẽ chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư khác…
Chính vì vậy, để loại bỏ bớt các "dự án ảo", tập trung nguồn lực và ưu đãi để các nhà đầu tư nhanh chóng triển khai các dự án điện gió, Chính quyền các địa phương cần phải xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng hơn năng lực của các nhà đầu tư khi phê duyệt dự án, tránh để đầu tư vào điện gió trở thành phong trào ảo, tính thực tiễn không cao.
Đặc biệt để tránh hiện tượng các nhà đầu tư kém năng lực chiếm dự án, còn các nhà đầu tư có năng lực lại mất cơ hội..., cần rà soát lại một cách tổng thể các dự án đầu tư, từ cấp địa phương cho đến cấp trung ương, nhà đầu tư nào thực sự có khả năng thì tiếp tục cho đầu tư và kiên quyết thu hồi dự án của những nhà đầu tư ảo, không có năng lực.
Ngoài các vấn đề trên, tương tự điện mặt trời, nỗi lo đặt ra khi phát triển ồ ạt điện gió còn là lưới điện bị quá tải ở những vùng có nhiều dự án đầu tư khiến cho lượng điện sản xuất ra không thể bán hết. Khi đó, nhà đầu tư dù hoàn thành dự án đúng tiến độ, được hưởng mức giá ưu đãi cũng không tránh khỏi cảnh chơi vơi. Do vậy Bộ Công thương khi đề nghị Chính phủ cho chủ trương điều chỉnh mục tiêu phát triển nguồn điện gió đến năm 2025 với quy mô công suất 11.630 MW, cũng đồng thời đề nghị bổ sung quy hoạch hoặc đẩy sớm hàng loạt dự án lưới điện truyền tải đồng bộ, nhằm giải tỏa công suất các dự án điện gió trong danh mục đề xuất.
Cần khuyến khích các dự án điện gió đi kèm công trình truyền tải điện do tư nhân đầu tư để đảm bảo sự phát triển đồng bộ. (Ảnh: IT)
Tuy nhiên điều đáng nói là, tất cả các dự án truyền tải này vẫn được Bộ Công thương yêu cầu giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị thành viên của EVN thực hiện đầu tư, thay vì kêu gọi tư nhân trong nước tham gia như mong muốn được đặt ra tại Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị. Mặc dù đã có nhiều địa phương trong thời gian gần đây như Trà Vinh, Daklak, Gia Lai ... đều đưa ra những đề xuất thiết thực, với mong muốn được bổ sung một số dự án điện gió lớn, quy mô , có chủ đầu tư uy tín và năng lực cao vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia với lý do có phương án đầu tư đường dây đấu nối, giải tỏa công suất, trong khi nhiều dự án khác chưa có.
Hy vọng Bộ Công thương sẽ sớm ghi nhận ý kiến của các địa phương để có phương án hợp lý, thống nhất nhằm khuyến khích tư nhân tham gia vào đầu tư xây dựng các trạm biến áp, hệ thống truyền tải lưới điện ... theo tinh thần Nghị Quyết 55 của Bộ Chính trị để góp phần thiết thực đưa Nghị quyết vào đời sống nhằm giải quyết nhiệm vụ trước mắt cũng như hướng tới phát triển bền vững năng lượng quốc gia.
Lê Vũ - Bảo Trần