Nhân dịp Hội nghị Điều phối vùng Đông Nam Bộ và công bố Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 ngày 5/5/2024, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có những chia sẻ về ý nghĩa, vai trò cũng như một số điểm nhấn nổi bật của bản quy hoạch.

Xác định sứ mệnh mới của vùng là phát triển cao hơn, vượt bậc hơn

Bộ trưởng cho biết, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân của các vùng đang có xu hướng chậm lại, thấp hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của cả nước. Cùng với đó, đóng góp của vùng trong GDP của cả nước đang có xu hướng giảm, trong khi các tiềm năng dư địa, lợi thế còn đang rất nhiều, chưa khai thác hết.

“Nếu chúng ta tìm và giải quyết được các điểm nghẽn, nút thắt thì sẽ khai thông, giải phóng được nguồn lực rất lớn, giống như một chiếc lò xo bị nén lại lúc này, nay được bung ra và phát triển hết sức mạnh mẽ”, Bộ trưởng nêu rõ.

Đánh giá về Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, bản quy hoạch đã cụ thể hóa được Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về tầm nhìn phát triển vùng Đông Nam Bộ; đồng thời, xác định được những định hướng phát triển, không gian phát triển, động lực phát triển cho từng khu vực, từng địa phương hay từng các ngành lĩnh vực kinh tế.

Bên cạnh đó, điểm nổi bật của bản quy hoạch là phát triển hệ thống hạ tầng khung kết nối một cách đồng bộ hiện đại cho cả vùng. “Đây là tiền đề phát triển vừa nhanh, vừa bền vững, vừa lâu dài cho cả đất nước”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay.

Theo Bộ trưởng, nội dung của quy hoạch vùng lần này có thể tập trung vào 3 từ: đột phá, tiên phong và liên kết.

Về đột phá, chúng ta đột phá từ tư duy, tầm nhìn cho đến tổ chức thực hiện. Về tiên phong, vùng Đông Nam Bộ phải tiên phong, đi đầu trong năng động sáng tạo; đổi mới và cải cách; hình thành các lĩnh vực dẫn dắt và đóng góp cho đất nước, cho các vùng xung quanh; khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo; giáo dục-đào tạo, phát triển văn hóa, xã hội…

Về liên kết, Bộ trưởng cho rằng điều này đã trở thành xu thế tất yếu. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và trong các Nghị quyết gần đây của Bộ Chính trị đều nhấn mạnh về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc liên kết vùng. “Chúng ta phải đặt vấn đề trong một liên kết vùng chặt chẽ để có thể hỗ trợ nhau, bổ sung nhau, liên kết với nhau để có thể cùng nhau khai thác tận dụng hết các lợi thế tiềm năng của nhau và đóng góp mang lại những giá trị lớn hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Bộ trưởng cho biết, quy hoạch lần này nhấn mạnh TP Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ không chỉ là một vùng động lực, một cực tăng trưởng của cả nước mà còn đặt trong thế so sánh với các nước trong khu vực, châu Á và trên thế giới, đúng tinh thần của Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị. Như vậy, chúng ta đã nâng tầm của quy hoạch lần này, xác định sứ mệnh mới của vùng cũng như TP Hồ Chí Minh là phải phát triển cao hơn, vượt bậc hơn và hoàn toàn có thể thực hiện được.

Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030: Đột phá, tiên phong và liên kết ảnh 1

Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030 xác định sứ mệnh mới của vùng cũng như TP Hồ Chí Minh là phải phát triển cao hơn, vượt bậc hơn.

Phải có cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội cho vùng

Chia sẻ cụ thể hơn về tư duy, tầm nhìn mới trong bản quy hoạch, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, có nhiều cách đặt vấn đề về đổi mới tư duy, nhưng ở đây, góc tiếp cận cho vùng Đông Nam Bộ là: biến cái không thể thành cái có thể, luôn luôn phải tiên phong, luôn luôn phải đi đầu, cùng phát triển và vượt lên. “Phải có tư duy như vậy mới phát triển mạnh mẽ được”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, trước đây TP Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ luôn đi đầu cả nước về những mô hình kinh tế mới, thể chế mới, cơ chế mới, phương thức mới... Trong giai đoạn tới, cũng nên dành cho khu vực này được áp dụng những cơ chế mới thật mạnh mẽ, thật tiên phong, đi đầu, từ đó sẽ có những bước phát triển rất tốt.

Lưu ý về quá trình triển khai thực hiện quy hoạch, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh trước hết là phải nâng cao nhận thức về vai trò của liên kết vùng, của quy hoạch vùng, tức là nói đến liên kết vùng thì phải thống nhất trong nhận thức, rồi mới đến hành động.

Đồng thời, phải có cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội cho vùng. “Vừa qua chúng ta đã có cơ chế, chính sách đặc thù cho TP Hồ Chí Minh. Bây giờ phải xem còn cơ chế chính sách gì nữa giúp chúng ta có thể thực hiện các mục tiêu đề ra, cần nghiên cứu”, Bộ trưởng cho hay.

Thông tin thêm về vấn đề này, Bộ trưởng cho biết, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang cùng các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu các cơ chế, chính sách đặc thù cho cả vùng Đông Nam Bộ, cũng như các vùng khác trong cả nước để có thể đề xuất những điểm phù hợp theo điều kiện đặc thù riêng, từ đó phát huy được tiềm năng, thế mạnh của từng vùng và phát triển.

Bộ trưởng nêu rõ, các vùng đặc biệt là Đông Nam Bộ phải có cơ chế huy động nguồn lực riêng, bởi nếu chỉ phụ thuộc vào ngân sách nhà nước thì rất khó hiện thực các mục tiêu đề ra vì nhu cầu đầu tư đang rất lớn. Chúng ta cần mạnh dạn đầu tư phát triển, khai thác được các tiềm năng, lợi thế, và tận dụng các dư địa vĩ mô còn cho phép, bảo đảm an toàn, nhưng vẫn tạo được động lực phát triển.

“Nếu chúng ta mạnh dạn đầu tư, miễn là đầu tư đúng, đầu tư hiệu quả để nền kinh tế phát triển thì tư duy này hết sức quan trọng”, Bộ trưởng nhấn mạnh. Một tư duy nữa, theo Bộ trưởng, là cần phải tập trung vào phát triển để duy trì sự ổn định chứ không phải tập trung vào ổn định để phát triển. Để bản quy hoạch phát huy giá trị, chúng ta phải quyết tâm tổ chức thực hiện nhanh hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn thì sẽ đạt được những mục tiêu và mong muốn đề ra.

Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030: Đột phá, tiên phong và liên kết ảnh 2

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng cần nghiên cứu đề xuất những cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để có thể hiện thực hóa các mục tiêu đề ra trong bản quy hoạch vùng Đông Nam Bộ.

Liên kết vùng là xu thế tất yếu

Về vấn đề liên kết vùng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, liên kết vùng có nhiều nội dung như liên kết hạ tầng, liên kết xã hội, liên kết về biến đổi khí hậu, liên kết về đào tạo, nguồn nhân lực. Tất cả những điều đó cần phải có tính kết nối, hỗ trợ, bổ sung cho nhau thì sẽ giúp tận dụng khai thác được cơ hội, thế mạnh của từng vùng, địa phương hơn.

Bộ trưởng nêu ví dụ, Cảng hàng không Long Thành nếu hoàn thành sẽ hướng tới là trung tâm trung chuyển của khu vực và thế giới. Chúng ta cũng sẽ hình thành được một nền hậu cần bảo dưỡng, sửa chữa, một nền kinh tế xoay quanh cảng hàng không đó.

Khi đó, chúng ta nhìn nhận nó không chỉ là một sân bay chở khách đi, khách đến mà còn hình thành một nền kinh tế xoay quanh nó để phục vụ cho hoạt động khai thác xuất nhập khẩu trong nước, nhưng đồng thời cũng có thể trở thành cảng trung chuyển trong tuyến đường vận chuyển quốc tế, đặt trong mối liên kết với các cảng khác như Cái Mép-Thị Vải…

Ngoài ra, việc hình thành các vành đai xoay quanh Vành đai 3 và 4, hay các hành lang kinh tế như TP Hồ Chí Minh-Biên Hoà -Vũng Tàu, các tuyến từ Sài Gòn xuống Cần Thơ, Cà Mau sẽ liên kết các tỉnh, các vùng chung quanh để cùng nhau phát triển.

Về trách nhiệm của các địa phương trong triển khai thực hiện quy hoạch, Bộ trưởng nhấn mạnh các địa phương phải nhận thức được việc liên kết vùng là xu thế tất yếu, liên kết với nhau để cùng nhau phát triển; đồng thời, phải tham gia tích cực, hiệu quả trong cơ chế hoạt động của Hội đồng Điều phối vùng.

“Những vấn đề lớn của vùng sẽ được thảo luận ở Hội đồng Điều phối vùng. Các địa phương cần tham gia tích cực, có những vấn đề từng địa phương không thể tự giải quyết được thì Hội đồng Điều phối vùng sẽ giải quyết, cao hơn nữa là các cấp có thẩm quyền nhưng phải thông qua Hội đồng Điều phối vùng”, Bộ trưởng nêu rõ.

Theo Báo Nhân Dân