Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Quỹ Phòng chống thiên tai sử dụng như thế nào, sau bão số 3?

Đây có lẽ là câu hỏi đang được đông đảo dư luận quan tâm, sau khi nhiều tỉnh thành khu vực miền Bắc chịu thiệt hại vô cùng nặng nề về người và tài sản, do bão số 3 (bão Yagi) gây ra…

Thiệt hại sau bão, là vô cùng lớn

Trước đó, tại Hội nghị về khẩn trương khắc phục hậu quả bão Yagi, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, khôi phục sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, các bộ ngành đã thông tin thiệt hại sau bão (ngày 15/9), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, bão số 3 và hoàn lưu sau bão có phạm vi ảnh hưởng rất lớn, trải dài ở 26 tỉnh, thành phố miền Bắc và Thanh Hóa, chiếm trên 41% GDP và 40% dân số của cả nước. Hiện, vẫn còn tình trạng ngập lụt khiến thiệt hại có thể nặng hơn. 

Theo ông Dũng ước tính sơ bộ (chưa đầy đủ), thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra khoảng 40.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 1,6 tỷ USD ). Những thiệt hại này theo đánh giá của bộ trưởng Dũng, khiến cho tốc độ tăng trưởng 6 tháng cuối năm của cả nước và nhiều địa phương dự báo chậm lại.

Bão Yagi đổ bộ trực tiếp vào TP. Hạ Long và nhiều khu vực trong tỉnh Quảng Ninh, tàn phá nghiêm trọng, gây ra những thiệt hại vô cùng lớn. Ảnh: KT
Bão Yagi đổ bộ trực tiếp vào TP. Hạ Long và nhiều khu vực trong tỉnh Quảng Ninh, tàn phá nghiêm trọng, gây ra những thiệt hại vô cùng lớn. Ảnh: KT

Cụ thể, tăng trưởng GDP quý 3 của cả nước có thể giảm 0,35%, quý IV giảm 0,22% so với kịch bản không có bão số 3. Ước cả năm GDP có thể giảm 0,15% so với kịch bản ước tăng trưởng có thể đạt 6,8-7%, trong đó khu vực nông, lâm, thủy sản giảm 0,33%, công nghiệp và xây dựng giảm 0,05% và dịch vụ giảm 0,22%.

Tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2024 của nhiều địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai… giảm trên 0,5%.

Các lĩnh vực chịu thiệt hại nặng nhất là hạ tầng giao thông bị ngập lụt, ảnh hưởng lưu thông, nhất là đường bộ, đường sắt đình trệ cục bộ. Các vùng trồng lúa, hoa màu, chăn nuôi, thủy sản cần nhiều nguồn lực, thời gian để tái đàn, tái vụ, tái sản xuất. Nhiều cơ sở du lịch, lưu trú bị hư hỏng, phải đóng cửa để sửa chữa.

Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, xây dựng cũng bị tác động của cơn bão, nhất là tác động gián tiếp khi bị mất điện, thông tin liên lạc, lao động và gia đình người lao động bị ảnh hưởng.

Nhiều nơi tại các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Sơn La... bị ngập cục bộ. Ảnh: KT
Nhiều nơi tại các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Sơn La... bị ngập cục bộ. Ảnh: KT

Còn theo Bộ Công Thương, bão số 3 đã gây thiệt hại và ảnh hưởng tới việc cung ứng điện, xăng dầu và sản xuất công nghiệp, cung ứng hàng hóa. Trong đó, có 5 đường dây 500kV, 40 đường dây 220kV và 187 đường dây 110kV bị sự cố. 

Lưới điện trung áp, hạ áp tại các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nội, Hưng Yên bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều cột điện gãy đổ. Các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng bị mất điện toàn tỉnh, Hải Dương bị mất khoảng 90% phụ tải.

Hoạt động sản xuất trong cụm công nghiệp bị ngưng trệ, doanh nghiệp trong các cụm công nghiệp bị thiệt hại nặng với hàng trăm dự án. Hiện vẫn còn nhiều khu vực bị mất điện, cô lập và thiếu nhân lực. Vì vậy các khu này vẫn chưa xác định được thời gian dự kiến hoàn thành việc khắc phục.

Với hoạt động thương mại và xuất nhập khẩu, nhiều cơ sở thương mại, chợ truyền thống bị tốc mái. Khu vực sản xuất nuôi trồng và cung ứng thực phẩm, kênh phân phối bị thiệt hại. Hoạt động giao thông, giao thương xuất nhập khẩu tại Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng gặp khó khăn, ảnh hưởng đến xuất khẩu các địa phương này.

Còn theo theo thống kê sơ bộ của Ngân hàng Nhà nước tại 20/26 tỉnh, thành phố, ước tính dư nợ bị ảnh hưởng khoảng 80.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 5% dư nợ trên địa bàn). Trong đó, tại Quảng Ninh và Hải Phòng có 117.000 khách hàng bị ảnh hưởng với dư nợ khoảng 23.100 tỷ đồng.

Quỹ còn kết dư 2.263 tỷ đồng

Liên quan đến hoạt động của Quỹ Phòng chống thiên tai, trao đổi trước báo chí (tối 20/9), đại diện Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, Quỹ phòng chống thiên tai được thành lập và hoạt động theo Luật Phòng chống thiên tai và Nghị định 78/2021/NĐ-CP. Đây là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Quỹ này bao gồm Quỹ Phòng chống thiên tai Trung ương (do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý) và Quỹ Phòng chống thiên tai cấp tỉnh (do UBND cấp tỉnh quản lý).

Theo thông tin từ Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, Quỹ Phòng chống thiên tai cấp tỉnh được thành lập và hoạt động từ năm 2014. Tính đến ngày 20/9, 63/63 tỉnh, thành phố đã thu được 5.925 tỷ đồng, đã chi 3.686 tỷ đồng, còn kết dư 2.263 tỷ đồng.

Ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai. Ảnh: Văn Phúc
Ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai. Ảnh: Văn Phúc

Ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai khẳng định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn không giữ, quản lý số tiền này. Đây là số tiền tồn quỹ mà 63 tỉnh, thành phố đang giữ, quản lý.

Nguồn thu của quỹ cấp tỉnh bao gồm: tiền hỗ trợ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; đóng góp bắt buộc của tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài trên địa bàn (tối thiểu 500.000 đồng, tối đa 100 triệu đồng); công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi đến tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường theo quy định của pháp luật về lao động; điều tiết từ quỹ trung ương và giữa các quỹ cấp tỉnh; thu lãi từ tài khoản tiền gửi…

Về việc quản lý và chi sử dụng quỹ này, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai cho biết, toàn bộ nguồn thu quỹ trong năm (bao gồm cả lãi từ tài khoản tiền gửi) chi hỗ trợ cho các hoạt động ứng phó thiên tai; cứu trợ, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai; hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa. “Tồn dư quỹ cấp tỉnh là số tiền quỹ thu được từ khi thành lập, hàng năm nếu chi không hết được chuyển sang các năm sau để sử dụng tiếp”, đại diện Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai thông tin.

Thu chi Quỹ, do Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm

Cũng theo ông Phạm Đức Luận cho hay, hiện nay, sau khi bị thiệt hại do bão số 3 gây ra, một số địa phương dự kiến sử dụng Quỹ Phòng chống thiên tai để khắc phục hậu quả. Cụ thể, tỉnh Lào Cai: 5 tỷ đồng; TP. Hải Phòng: 50 tỷ đồng; tỉnh Điện Biên: 3 tỷ đồng; tỉnh Yên Bái: 13 tỷ đồng; tỉnh Thái Nguyên: 10 tỷ đồng. Các tỉnh khác đang tổng hợp thiệt hại, rà soát và đề xuất sử dụng quỹ này.

“Nguồn quỹ này phần lớn tồn ở các tỉnh, thành tập trung đông dân cư, doanh nghiệp như: TP. HCM, Bình Dương, TP. Hà Nội… thu quỹ nhiều, nhưng lại ít chịu ảnh hưởng thiên tai”, ông Luận cho biết.

Đại diện phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng khẳng định, theo quy định thì Quỹ Phòng chống thiên tai của tỉnh này được điều chuyển cho tỉnh khác, nên một số địa phương đã sử dụng Quỹ Phòng chống thiên tai của tỉnh mình để hỗ trợ thiệt hại cho địa phương khác.

80 tấn hàng do người dân, Chính quyền, Đảng bộ TP.HCM ủng hộ, quyên góp, được các chiến sĩ Bộ Tư lệnh TP.HCM vận chuyển, trao cho người dân tại các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái bị ảnh hưởng bởi bão số 3 (Yagi). Ảnh: Hoàng Tuyết
80 tấn hàng do người dân, Chính quyền, Đảng bộ TP.HCM ủng hộ, quyên góp, được các chiến sĩ Bộ Tư lệnh TP.HCM vận chuyển, trao cho người dân tại các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái bị ảnh hưởng bởi bão số 3 (Yagi). Ảnh: Hoàng Tuyết

Trong đó, TP.HCM đã hỗ trợ Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa khoảng 7,5 tỷ đồng trong các năm 2017 và 2021, dự kiến năm 2024 sẽ hỗ trợ 6 tỷ đồng; TP Đà Nẵng hỗ trợ cho các tỉnh bị thiệt hại do thiên tai (Hà Giang, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Sơn La, Yên Bái, Thanh Hóa, Khánh Hòa) khoảng 49,9 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Lào Cai đã tạm ứng Quỹ Phòng chống thiên tai cấp tỉnh để hỗ trợ tỉnh Lai Châu khắc phục thiệt hại thiên tai 4 tỷ đồng năm 2019.

Ông Phạm Đức Luận cho biết, việc công khai thu chi quỹ này sẽ do Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm. “Từ khi thành lập đến nay, do vướng mắc về mô hình hoạt động, nên đến nay quỹ trung ương vẫn chưa hoạt động được. Do vậy, Bộ NN&PTNT không quản lý một đồng quỹ phòng chống thiên tai nào”, ông Luận nói.

Tuấn Ngọc

Bài liên quan

Tin mới

PC Yên Bái: Vượt khó, nỗ lực khắc phục cấp điện sau bão lũ
PC Yên Bái: Vượt khó, nỗ lực khắc phục cấp điện sau bão lũ

Ảnh hưởng của bão số 3 đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Trong đó hệ thống điện cũng chịu thiệt hại nặng nề. Tuy nhiên, vượt qua khó khăn, các cán bộ, công nhân Công ty Điện lực Yên Bái (PC Yên Bái) đã và đang ngày đêm nỗ lực nhằm khôi phục cấp điện trở lại cho khách hàng.

Apple vừa ra mắt bản public beta đầu tiên của iOS 18.1
Apple vừa ra mắt bản public beta đầu tiên của iOS 18.1

Vào đầu tuần này, Apple vừa phát hành iOS 18 cho người dùng toàn thế giới và mới đây, công ty cũng đã tung ra bản beta public đầu tiên của iOS 18.1.

Giá lúa gạo hôm nay 21/9: Giá gạo xuất khẩu ở mức cao
Giá lúa gạo hôm nay 21/9: Giá gạo xuất khẩu ở mức cao

Ghi nhận giá lúa gạo hôm nay (21/9) tại thị trường trong nước duy trì ổn định so với ngày hôm qua với mặt hàng lúa, giá gạo nguyên liệu tăng 50 đồng/kg. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ở mức cao.

Triều cường vượt báo động 3 gây thiệt hại nhiều diện tích lúa ở ĐBSCL
Triều cường vượt báo động 3 gây thiệt hại nhiều diện tích lúa ở ĐBSCL

Sáng 21/9, mực nước trên sông Hậu tại TP. Cần Thơ đã đạt 2m, mức báo động 3. Mưa kéo dài kết hợp triều cường khiến hàng loạt diện tích lúa sắp thu hoạch bị sập, thiệt hại nặng.

Thúc đẩy các chương trình bảo hiểm nông nghiệp và phát triển nông thôn bền vững
Thúc đẩy các chương trình bảo hiểm nông nghiệp và phát triển nông thôn bền vững

Tại Hà Nội, Bảo hiểm Agribank và Trung tâm Hỗ trợ nông dân, nông thôn (Hội Nông dân Việt Nam) đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược, đánh dấu bước khởi đầu quan trọng trong việc thúc đẩy các chương trình bảo hiểm nông nghiệp và phát triển nông thôn bền vững tại Việt Nam.

Nhiều trang trại lợn bị xóa sổ do bão lũ, giá thịt lợn lập đỉnh cao mới
Nhiều trang trại lợn bị xóa sổ do bão lũ, giá thịt lợn lập đỉnh cao mới

Do ảnh hưởng của bão số 3, nhiều tỉnh thành miền Bắc bị mưa lũ và sạt lở đất. Đáng chú ý, ngập lụt diễn ra tại nhiều tỉnh, thành khiến nhiều trang trại nuôi lợn ở miền Bắc bị xóa sổ khiến nguồn cung thịt lợn khan hiếm. Giá thịt lợn hơi theo đó tăng mạnh, lập đỉnh cao mới.