1. Tác giả trò chuyện với Thượng tướng – Viện sỹ Nguyễn Huy HiệuTác giả trò chuyện với Thượng tướng – Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu

Lý luận gắn liền với thực tiễn

Xét đến cùng, lĩnh vực nào cũng vậy, lý luận phải được áp dụng vào thực tiễn. Thực tiễn mới là cây đời mãi mãi xanh tươi; còn lý luận thì chỉ là một bức tranh, với thời gian, với bụi trần, nó sẽ trở nên xám xịt.

Đối với các loại hình báo chí, mỗi thể loại đều có đặc điểm riêng, có đối tượng và cách thể hiện khác nhau, song lại có một đặc điểm chung đó là xuất phát từ thực tiễn và phục vụ thực tiễn. Đánh giá một tờ báo, một bài báo, phải dựa vào nhiều tiêu chuẩn mà tiêu chuẩn quan trọng nhất chính là xem tờ báo, bài báo đó có nhằm đáp ứng một nhu cầu thực tiễn nào đó của công chúng hay không?

Có người hỏi: Vậy các tạp chí lý luận, các bài luận văn thì thế nào?

Đúng là các tạp chí lý luận, các bài luận văn chính luận, cũng như các bài phê phán đều phải có tính lý luận, luận điểm; nội dung lý luận càng sắc bén, luận điểm càng chính xác, phong phú, xúc tích thì tờ báo, bài báo càng có chất lượng cao. Song, tính chính xác, phong phú, xúc tích lại chính là ở sự kết tinh từ thực tiễn. Chỉ có lý luận nào gắn liền với thực tiễn, phục vụ thực tiễn và được thực tiễn khảo nhiệm mới bắt rễ trong đời sống, trở thành vũ khí đấu tranh cách mạng và thật sự là món ăn tinh thần của nhân dân. Không có thực tiễn thì không có lý luận, khoa học. Đương nhiên, lý luận, khoa học còn có vai trò dẫn đường, dự báo không phải cái gì khác mà chính là dẫn đường cho thực tiễn, dự báo sự phát triển của thực tiễn có thể diễn ra.

Hiện nay, các báo chí đều đang ra sức chuyển tải thông tin về đường lối, chủ trương, chính sách đổi mới - hội nhập của Đảng và Nhà nước. Đường lối, chủ trương, chính sách đổi mới - hội nhập đó là một mẫu mực về tính thực tiễn, về sự khái quát từ thực tiễn nước ta, chứ không phải từ một mô hình sẵn có.

Đối với một người làm báo, đương nhiên phải học tập lý luận, trau dồi nghiệp vụ và rèn luyện đạo đức một cách toàn diện; song nắm bắt thực tiễn là một vấn đề hết sức quan trọng. Học lý luận không bao giờ là đủ, song dù trình độ lý luận đến đâu mà không đi sát cuộc sống, không hằng ngày, hằng giờ quan sát thực tiễn và suy nghĩ những gì đang diễn ra trong thực tiễn, góp một tiếng nói vào sự giải quyết các vấn đề thời sự nóng bỏng trong thời cuộc, thì không thể có những đề tài hay, càng không thể có những bài báo hay được.

Cuộc sống - tức là thực tiễn - là gốc mà hoa trái là các bài báo. Không có gốc tốt, không thể có hoa thơm quả ngọt. Không có thực tiễn thì không thể có bài báo hay.

Thực tiễn là gốc của lý luận, là nguồn cảm hứng muôn đời của thi nhân, văn nghệ sỹ, là tiêu chuẩn của chân lý và cũng là nguồn vô tận của báo chí. Vốn thực tiễn cùng với lý luận là tài sản vô giá của người làm báo.

Tự tìm phương thức ứng xử hay 

ảnh minh họaNhững phương thức ứng xử hay phải tự mình tìm lấy

Ứng xử trong giao tiếp (trực tiếp) báo chí là một vấn đề rất quan trọng đối với người làm báo. Có thể nói, đi trọn đời mình, người làm báo cũng không thể nêu được hết các tình huống phải xử trí trong quá trình giao tiếp.

Bởi vì, nhà báo, phóng viên (sau đây gọi chung PV) phải giao tiếp với nhiều người, đủ các tầng lớp nhân dân. Viết bao nhiêu bài báo thì ít nhất có bấy nhiêu lần giao tiếp. Giao tiếp - tức là quan hệ giữa người với người. Con người là một thực thể xã hội, có cá tính, không ai giống ai. Ngay một con người, nếu anh (chị) có quan hệ nhiều lần với người nào đó thì mỗi lần một khác, do hoàn cảnh cụ thể và do cả sự thay đổi, biến chuyển của bản thân người đó về địa vị xã hội, về tuổi tác và do đó cả về tính cách của họ, không phải lúc nào cũng giống nhau.

Thực tiễn cho thấy, những phương thức ứng xử hay phải tự mình tìm lấyMỗi người đều có cái gì đó của riêng mình và chỉ mình mới có. Đi giao tiếp với người khác, chính là đem cái riêng của mình để tiếp xúc với một cái riêng của một người nào đó. Ví như, mỗi người có một dấu vân tay; cả tỷ người của thế giới cũng không thể có 2 vân tay trùng nhau. Vậy thì, sách vở nào nói được đầy đủ những cung cách ứng xử cho từng cái riêng đó? Trong giao tiếp, dựa vào cái chung, cái phổ biến, mỗi PV phải tự tìm lấy cái riêng của mình và chỉ có cái riêng của mỗi người mới có thể giao tiếp với nhau.

Đương nhiên, việc học tập kinh nghiệm của các nhà báo lão thành, cả người đi trước, của bạn bè là hết sức quan trọng. Song, học tập kinh nghiệm không thể là sao chép nguyên xi. Bắt chước người khác làm một cách máy móc, theo nguyên mẫu thì giỏi lắm cũng chỉ bằng người ta, chỉ như cái mẫu đã có mà thôi. Phải sáng tạo lấy cách ứng xử của mình, làm ra một cái mẫu mới của chính  mình. Ngay những kinh nghiệm của bản thân đã được đúc kết từ các lần giao tiếp trước, cũng chỉ để tham khảo cho các lần giao tiếp sau; dù giao tiếp với con người cũ, cũng phải có cách ứng xử thích nghi với lần giao tiếp mới.

Điều kiện cơ bản nhất để thực hiện thành công các cuộc tiếp xúc báo chí của PV là do bản lĩnh của người PV quyết định. Bản lĩnh của người PV, đòi hỏi phải thật vững vàng mới ứng xử tốt trong mọi tình huống giao tiếp báo chí. Nó được thể hiện qua lập trường, quan điểm, nghiệp vụ báo chí…; cũng như việc tích lũy kinh nghiệm thực tế và đạo đức trong sáng của người PV.

Bản lĩnh của người PV, đòi hỏi phải có kiến thức toàn diện, chuyên sâu và kỹ năng tổ chức các cuộc tiếp xúc. Trong đó, nhận biết khí chất và cá tính đối tượng tiếp xúc là vấn đề rất quan trọng…

Sự đồng tình, tán thưởng

Phóng viên tác nghiệpTác nghiệp trên đảo Đá Lớn - quần đảo Trường Sa    

Khi viết bài mà người thông tin (đối tượng cần tìm hiểu) ca ngợi những thành tích của họ, dù đúng mức hay không đúng mức, người được thông tin (PV) đều phải biểu thị sự đồng tình và tán thưởng.

Muốn được người khác biết đến và hoan nghênh những cái hay, cái đẹp của mình - đó là một đặc tính thường tình của con người. PV viết và đăng một bài mà mình cho là hay, thì cũng muốn được độc giả khen bài đó.

Trong việc tiếp xúc với PV, đối tượng đương nhiên cũng tìm cách thông tin cho PV những điều mà họ cho là tâm đắc trong đơn vị, DN mình, dù là người khiêm tốn, không có tính phô trương, khi báo cáo không dùng những từ mang tính tự ca ngợi; nhưng nếu PV tinh tế thì sẽ thấy ý muốn nói điều tốt về bản thân hay DN họ thế nào cũng bộc lộ ra.

Ngay cả khi nói đến những điều dở, vấn đề tiêu cực, thì thường có kèm theo những lý do thanh minh, sự biện bạch, biện pháp khắc phục, trong đó ngụ ý là những điều tích cực nhất mà bản thân người giám đốc hay cả DN họ đã - đang làm, chí ít thì cũng là những dự kiến sắp tới sẽ làm.

Trước tình hình đó, PV cần có thái độ đồng tình và đôi khi còn giúp họ làm nổi bật thêm những điều tốt. Cái hay, cái đẹp, cái thiện vừa có nét chung, lại vừa có nét riêng. Nó phải đặt trong điều kiện cụ thể, trong điều kiện này có thể là hay lắm, nhưng trong điều kiện khác chỉ là hay vừa thôi, thậm chí có khi lại là không hay nữa… Một người giám đốc nói lên ưu điểm trong quản lý của bản than, cũng như trong DN họ - chính là nói cái hay trong điều kiện cụ thể của DN đó. Nhận thức cái hay, cái đẹp còn do trình độ thẩm mỹ của mỗi người. Giám đốc cho cái này, cái kia của DN họ là hay, tất nhiên cũng còn do trình độ nhận thức của bản thâm họ.

PV là người đã đi quan hệ với nhiều nơi, được thấy cái hay, cái đẹp trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, cho nên thấy cái hay, cái đẹp mà đối tượng tiếp xúc đang nêu, chắc chắn cũng sẽ có suy nghĩ và đánh giá của riêng mình. Song, dù suy nghĩ và đánh giá như thế nào, PV cũng phải tỏ thái độ tán thưởng và cổ vũ cái hay, cái đẹp mà đối tượng tiếp xúc đã nêu.Sự phụ họa của PV phải có tình cảm tự đáy lòng và chân thực.Những lời nịnh hót vụng về, rỗng tuếch không có sức truyền cảm.

Cần nắm vững phương châm khi đã giao tiếp với nhau, thì dứt khoát phải đứng trên lập trường của người mà đối xử với người: “Nếu ta đối xử với người theo lập trường của người, thì người cũng đứng trên lập trường của ta mà đối xử với ta”.

Và khi bị khước từ...

Phóng viên tác nghiệpĐiều kiện cơ bản nhất để thực hiện thành công các cuộc tiếp xúc báo chí của PV là do bản lĩnh của người PV quyết định

Trong trường hợp giao tiếp để lấy thông tin và viết bài chống tiêu cực bị khước từ, PV phải có cách ứng xử khéo léo và thận trọng. Đây là một hoàn cảnh giao tiếp có nhiều khó khăn, nhiều tình huống phức tạp phải ứng xử.

Có thể, có các tình huống xảy ra như, tiêu cực ở nơi định viết, đã được phanh phui và kết luận; hoặc đang trong quá trình điều tra, hoặc đã xét xử thành án. Đó là những trường hợp có sự vi phạm lớn. Còn trong trường hợp vi phạm nhỏ, hoặc vi phạm tương đối lớn nhưng vẫn nằm trong phạm vi xử lý nội bộ, đã xử lý hoặc chưa xử lý..., nếu phải giao tiếp để lấy thông tin thì mỗi tình huống, PV phải có một cách xử lý khác nhau.

Chống tiêu cực là một cuộc đấu tranh phức tạp ngoài xã hội, phản ánh vào cuộc đấu tranh tư tưởng nội bộ.Những kẻ tham nhũng, hối lộ tìm mọi cách chống lại, họ bất chấp cả pháp luật, đạo lý và dĩ nhiên không ưa gì báo chí.Không khi nào họ chịu cung cấp thông tin thực cho PV; họ tìm mọi cách để khước từ tiếp xúc báo chí, thậm chí có thể mua chuộc PV. Cho nên, PV phải bằng cách tiếp xúc với các cơ quan điều tra, giám sát và xét xử.

Đối với các cơ quan công an, viện kiểm sát và tòa án, thì việc chống tiêu cực lại trở thành việc tích cực, họ sẵn sàng cung cấp thông tin cho báo chí, sẵn sàng giao tiếp với PV. PV đến các cơ quan này có nhiều thuận lợi.Tuy nhiên, khi các vụ việc tiêu cực đang trong giai đoạn điều tra, thì đây lại là vấn đề bí mật chưa được phép công bố. Chỉ khi nào cơ quan kiểm sát khởi tố, lúc đó tin tức về các vụ việc mới được từng bước công bố trước dư luận và khi đã xét xử, thành án, vụ việc mới được công bố hoàn toàn.

Cái khó là báo chí phải tìm cách nêu các biểu hiện tiêu cực khi nó còn chưa nghiêm trọng, để ngăn ngừa và xử lý kịp thời.Việc này, thường phải giao tiếp với những đối tượng không dính líu tới các vụ tiêu cực, song lại là người trong cuộc hoặc có liên quan, có thể biết được những việc ấy.Mỗi người có thể biết được một số khía cạnh từ những góc độ khác nhau.Cho nên, PV phải khai thác thông tin từ nhiều phía, nhiều nguồn.

Trong trường hợp đó, PV phải như là những cán bộ điều tra hình sự, tốn nhiều công sức. Cũng có khi, những đơn vị, DN có các hiện tương tiêu cực ở mức độ chưa nghiêm trọng - đã tự giác công bố thông qua các cuộc tổng kết hoạt động, hoặc công tác thanh tra trong ngành, cũng như kiểm tra nội bộ đảng.PV có thể tìm cách khơi thác các thông tin đó.Song, thường là những đối tượng này không muốn tiếp xúc với PV, hoặc có tiếp xúc nhưng không mặn mà và không chịu phanh phui hết sự thật.

Để tìm hiểu tình hình được tốt, PV thường phải áp dụng những phương pháp, phương thức phù hợp như đặt mục đích chủ yếu là xem xét các bài học kinh nghiệm, chuyển việc khơi thác thông tin về hiện tượng tiêu cực thành khơi thác thông tin mặt tích cực. Nói cách khác, chuyển mặt tiêu cực thành mặt tích cực.

Phải vận dụng quan điểm của Đảng và lời dạy của Hồ Chủ tịch đó là có khuyết điểm cũng chưa đáng sợ, cái đáng sợ là có khuyết điểm mà không nhận ra hay không dám nhận và không kiên quyết sửa chữa, nếu dám nhận khuyết điểm và kiên quyết sửa chữa, thì khuyết điểm hóa thành ưu điểm. Như vậy, khơi thác thông tin về tiêu cực và chống tiêu cực vẫn tạo được một không khí phấn khởi và thoải mái, tự nhiên.

Khơi thác những thông tin loại này phải thật tỉnh táo, nhất là đăng lên báo lại càng phải thận trọng...

Lấy TÂM - ĐỨC làm đầu

Gắn với nghiệp báo,PV phải có sự nhận thức và khả năng lý luận nhất định; phải có lập trường, quan điểm báo chí, nhất là trong thời đại mới – hội nhập hiện nay. Và điều kiện tiên quyết đó là phải chấp hành nghiêm túc theo luật pháp.

Người PV luôn phải lấy chữ TÂM, chữ ĐỨC làm đầu. Đó là một điều kiện cơ bản để trở thành một thành viên chính thức của một tờ báo, tạp chí, một hội viên của Hội Nhà báo Việt Nam và một cán bộ báo chí được cấp thẻ nhà báo. Đó cũng là một trong những điều kiện cần thiết để có đủ tư cách là một chủ thể trong giao tiếp báo chí.

Mỗi lần giao tiếp, người PV không chỉ là người tiếp xúc với đối tượng với tư cách cá nhân, mà với tư cách đại diện cho một tờ báo hay một tờ tạp chí, cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước hoặc một tỉnh, thành phố, một ngành chủ quản của Nhà nước. Với tư cách ấy, người phóng viên phải lịch thiệp, không những phải trau chuốt trong lời nói, mà còn phải trang nhã trong phong cách, lịch sự trong hình thức (tất nhiên không xa hoa, cầu kỳ), có phong cách gần gũi với quần chúng, không xuề xòa làm mất vẻ tự tin, tự trọng.

Những phẩm chất trên đây, nếu một người PV được đào luyện tốt, thì có thể tạo được  một tư thế tự tin và gây được ấn tượng tốt ngay từ đầu - khi tiếp xúc với mọi đối tượng.

“Vạn sự khởi đầu nan” - muôn việc bắt đầu đều khó. Song nếu “đầu xuôi thì đuôi lọt”! Ngay từ khởi đầu tiếp xúc, đối tượng đã thấy PV là một người có cảm tình, thì họ cũng thấy hứng phấn. Ngược lại, vừa tiếp xúc, họ đã thấy PV là một con người thiếu lịch thiệp - miễn cưỡng, thì sự giao tiếp khó thuận lợi. Ngay từ đầu, PV không tạo được tình cảm tốt đẹp, thì đối tượng tiếp xúc không thiếu gì lý do để từ chối cuộc tiếp xúc.

Chúng ta hiểu rằng, việc PV đến liên hệ công tác, đối tượng tiếp xúc có vui lòng tiếp hay không là do sự mến mộ của họ, do sự tự giác hoàn toàn, chứ không phải sự tiếp cấp trên mà họ thuộc quyền. Với cấp trên, họ buộc phải tiếp theo mệnh lệnh. Còn đối với PV, có thể họ không khước từ thẳng thừng, song một khi thiếu cảm tình, họ có thể dây dưa rồi đi đến thôi hẳn. Những trường hợp như thế, không phải là không xảy ra.

Phẩm chất của người PV, đòi hỏi phải có cái TÂM trong sáng. Chữ TÂM chính là hạt nhân của bản chất con người. Quan hệ giữa người với người nảy sinh từ cái TÂM. Con người ta, ai cũng muốn giao tiếp, mà mọi cuộc giao tiếp đều có căn nguyên từ cái TÂM và giao tiếp thành công cũng từ cái TÂM. Sở dĩ, có quan hệ tốt đẹp giữa cha mẹ và con cái, vợ với chồng, quan hệ trong gia đình, dòng họ, xóm giềng, làng nước, quốc gia, quốc tế… đều xuất phát từ cái TÂM. Quan hệ trong giao tiếp báo chí cũng không ngoài cái TÂM ấy.

Đi giao tiếp, người PV không có một động cơ nào khác đó là nhằm thu thập thông tinđể viết tin, bài. Muốn người ta đối xử tốt với mình, cung cấp thông tin với tất cả thịnh tình, thì trước hết, mình phải đối xử tốt với người - tức là lòng mình phải tốt trước đã…

Có thể nói, đi trọn đời mình, người làm báo cũng không thể nêu được hết các tình huống phải xử trí trong quá trình giao tiếp. Bởi vì, PV phải giao tiếp với nhiều người, đủ các tầng lớp nhân dân. Viết bao nhiêu bài báo, thì ít nhất có bấy nhiêu lần giao tiếp. Và người nghe “biết nghe” - chính là bí quyết để cho người nói trở thành “biết nói”...

Xuân Phong