Theo SCIC, việc rút vốn được thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ và Bộ Tài chính. 

1.000 tỷ đồng này là giá trị số cổ phiếu riêng lẻ được Tisco phát hành cho SCIC hồi năm 2015 để tăng vốn, thanh toán cho các hạng mục đầu tư của dự án “Cải tạo, mở rộng sản xuất Công ty Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2”.

Gần 10 năm về trước, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên đã đặt bút ký vào hợp đồng chọn nhà thầu Trung Quốc là Tập đoàn xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) làm tổng thầu EPC Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn II, với công suất mở rộng 500.000 tấn phôi/năm và 500.000 tấn thép cán/năm. Đây là dự án nhóm A được vay vốn ưu đãi. Tổng vốn đầu tư khi đó là hơn 3.800 tỷ đồng.

Dự án khởi công 2007 nhưng ít lâu sau phải dừng hoạt động vì gặp cú sốc khủng hoảng kinh tế. Năm 2009, dự án mới khởi động trở lại nhưng đã bị đội vốn gấp hơn 2 lần, từ hơn 3.800 tỷ đồng lên trên 8.100 tỷ đồng.

Số vốn đội lên quá lớn khiến việc thu xếp vốn cho dự án của Tisco gặp nhiều khó khăn.

Đến tháng 7/2012, dự án lại bắt đầu rơi vào giai đoạn “chết lâm sàng” lần hai khi đang xây dựng thì các nhà thầu Trung Quốc MCC lục tục kéo nhau về nước, bỏ lại những hạng mục còn dở dang và trang thiết bị chất đầy trong kho. Tính đến nay, dự án đã bỏ hoang được 5 năm.

Theo báo cáo, nguyên nhân chính dẫn đến chậm hoàn thành, vốn đầu tư tăng lên là do bị thiếu vốn và phần bị thiếu vốn là phần C (xây dựng và lắp đặt) đã được giao cho nhà thầu Việt Nam (Vinaincon) thi công theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trong khi đó, phần E và phần P (phần cơ điện) do nhà thầu MCC - Trung Quốc đảm nhiệm cho đến nay không tăng so với hợp đồng gốc đã ký.

Việc thanh toán hơn 93% giá trị phần P cho nhà thầu MCC được thực hiện theo hợp đồng đã ký và thông lệ quốc tế. MCC thực hiện giao hàng theo tiến độ thực hiện Dự án đã được các bên thống nhất.

Dự án gang thép Thái nguyên mở rộng giai đoạn 2 là 1 trong 12 dự án thua lỗ, đắp chiếu, kém hiệu quả ngành Công Thương.

 PV