Phát triển theo phong trào
Theo Sở khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Thọ, trên địa bàn tỉnh có nhiều sản phẩm đã có bảo hộ chỉ dẫn địa lý như: bưởi Đoan Hùng (huyện Đoan Hùng); sơn đỏ (huyệnTam Nông); nhãn hiệu tập thể tương Dục Mỹ (huyện Lâm Thao); nếp gà gáy Mỹ Lung (huyện Yên Lập); Chè xanh Chùa Tà (huyện Phù Ninh); cá lồng sông Đà (huyện Thanh Thủy); gà nhiều cựa (huyện Tân Sơn)...
Tuy nhiên, không ít sản phẩm thương hiệu dần bị thu hẹp, hoặc chỉ phát triển theo phong trào “mạnh ai, nấy làm”.
Tại huyện Đoan Hùng có hai loại bưởi đặc sản (bưởi Sửu, bưởi Bằng Luân) được xác định là cây công nghiệp chủ lực, có lợi thế trong nền kinh tế thị trường, giúp bà con nông dân làm giàu. Năm 2006, bưởi Đoan Hùng được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Tuy nhiên, có thời gian dài, nhiều diện tích trồng bưởi theo dự án bảo tồn và phục tráng lại giống bưởi đặc sản Đoan Hùng ra hoa nhưng không đậu quả, hoặc khô tôm, vỏ xấu, khiến người dân lao đao, thương hiệu bưởi Đoan Hùng bị “lung lay”.
Ông Vũ Khánh Hiệp (xã Phương Trung) trồng bưởi theo mô hình sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm và thâm canh bưởi đặc sản Đoan Hùng
Bên cạnh đó, từ Hà Nội đến các tỉnh khác trong cả nước, bưởi mang thương hiệu Đoan Hùng được bày bán tràn lan, với mức giá khác nhau, dao động từ 15 đến 30 nghìn đồng/quả. Trong khi đó, nếu đúng đặc sản bưởi Đoan Hùng là giống bưởi Sửu (Chí Đám), giá bán dao động từ 60 đến 80 ngàn đồng/quả; là giống bưởi Bằng Luân , giá bán khoảng 35 nghìn đồng/quả; tùy thuộc vào độ tuổi của cây bưởi già hay non…
Ông Vũ Khánh Hiệp, xã Phương Trung, huyện Đoan Hùng cho biết, hầu hết thương hiệu bưởi Đoan Hùng đang bán trên thị trường là giống bưởi Diễn nhưng được trồng tại Đoan Hùng hoặc là bưởi Đoan Hùng có độ tuổi non (mới trồng khoảng 5 năm) nên giá bán rẻ hơn nhiều so với bưởi Đoan Hùng đặc sản.
Ông Hiệp cho biết thêm, những thương lái buôn bưởi “sành sỏi” thường đặt mua cả vườn bưởi Đoan Hùng (bưởi Sửu và Bằng Luân cây già), đến kỳ thu hoạch sẽ hái cả vườn trở ô tô mang đi. Sau đó, trà trộn những loại bưởi khác vào, mang bán ra thị trường. Như vậy, người mua sẽ chịu 50/50, tức là bỏ tiền mua 10 quả bưởi Đoan Hùng, sẽ có 5 quả bưởi Đoan Hùng và 5 quả bưởi khác. Việc này, dẫn đến thương hiệu bưởi Đoan Hùng đứng trước nguy cơ bị tụt giảm, mất lòng tin với người người tiêu dùng…
Toàn huyện Tam Nông hiện có trên 10 xã trồng sơn, trong đó có 4 làng nghề sản xuất sơn ta: Văn Lang, Thọ Xuyên, Xuân Quang, Dị Nậu với tổng diện tích trên 700ha, năng suất ước đạt 4,1 tạ/ha, sản lượng trung bình đạt trên 200 tấn/năm. Dù khó khăn nhưng người trồng sơn của Tam Nông vẫn luôn nỗ lực để duy trì nghề truyền thống. Năm 2011, nhựa sơn đỏ của Tam Nông được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu và nhanh chóng được xuất khẩu sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Bà Hán Thị Hoa, Trưởng làng nghề sơn ta Dị Nậu, xã Dị Nậu cho biết: “Tuy được cấp nhãn hiệu chứng nhận hàng hóa nhưng người dân Tam Nông không tận dụng lợi thế để liên kết sản xuất, chủ yếu vẫn tự trồng, chăm sóc, thu hoạch và tiêu thụ khiến giá sơn rất bấp bênh vì bị tư thương ép giá. Mặt khác, trên địa bàn tỉnh, huyện chưa có một doanh nghiệp hay một đơn vị nào đứng ra bảo hộ và bao tiêu sản phẩm. Do giá sơn xuống thấp, thu nhập không cao nên người trồng sơn cũng không còn yên tâm đầu tư, phát triển cây sơn và bảo tồn thương hiệu”.
Các sản phẩm hàng hóa: Tương làng Bợ (huyện Thanh Thủy), hồng không hạt Gia Thanh (huyện Phù Ninh), rau an toàn Tân Đức (thành phố Việt Trì)… dù đã được cấp nhãn hiệu tập thể nhưng vẫn loay hoay tìm hướng đi để phát triển theo hướng bền vững bởi các đơn vị sản xuất kinh doanh, các làng nghề và người dân chưa mặn mà với việc tạo dựng và gìn giữ thương hiệu.
Cần giải pháp đồng bộ
Theo ông Phạm Công Khanh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Thọ, nguyên nhân dẫn đến tình trạng “chìm nổi” sản phẩm chỉ dẫn địa lý là do lối sản xuất thủ công, manh mún, nhỏ lẻ theo hộ gia đình, kinh doanh theo lối riêng rẽ “mạnh ai nấy làm” nên sự gắn kết chưa cao. Trong khi việc đầu tư máy móc thiết bị hiện đại và khâu giới thiệu, quảng bá sản phẩm lại không được chú trọng đúng mức bởi mất nhiều chi phí.
Để khắc phục những hạn chế trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu chỉ dẫn địa lý, hiện nay Phú Thọ đã và đang tập trung triển khai đồng bộ hoạt động phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm, ngành hàng chủ yếu của tỉnh nhằm thúc đẩy sản xuất phát triển, gia tăng chuỗi giá trị hàng hóa, góp phần mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, người sản xuất và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Các sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ khi đưa ra thị trường sẽ được quản lý chất lượng, yêu cầu về mẫu mã, tem nhãn theo quy trình nghiêm ngặt, từ đó nâng cao giá trị và tránh được tình trạng bị làm giả, làm nhái. Đồng thời, ban hành “Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2016 - 2020” với mục tiêu nâng cao giá trị thương hiệu, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các sản phẩm và dịch vụ thông qua việc hỗ trợ tạo lập, quản lý, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ. Dự kiến, đến hết năm 2020, tỉnh sẽ hỗ trợ tạo lập, quản lý từ 11 đến 15 chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận; 300-400 nhãn hiệu hàng hóa.
Ông Nguyễn Minh Xuyên, Chủ tịch UBND huyện Đoan Hùng cho biết, bên cạnh việc cơ quan liên quan phối hợp, nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, phân bón mới nhằm cải thiện, nâng cao năng suất, chất lượng, mẫu mã cho sản phẩm đã được chứng nhận nhãn hiệu nói chung và bưởi Đoan Hùng nói riêng, cần mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước, hướng tới xuất khẩu để tăng giá trị.
Cùng với đó, người sản xuất cần quan tâm đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, thực hiện tốt các biện pháp thâm canh, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP; tăng cường quản lý nhãn mác chỉ dẫn địa lý, tránh tình trạng lạm dụng thương hiệu. Đồng thời, các ngành, địa phương cần tăng cường hỗ trợ kinh phí cho các cơ quan, tổ chức đang sở hữu những nhãn hiệu tập thể để duy trì, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng các kênh tiêu thụ; tiếp tục khảo sát, đánh giá khả năng phát triển nhãn hiệu, hoặc chỉ dẫn địa lý của một số sản phẩm đặc trưng để từ đó đưa sản phẩm của Phú Thọ thực sự có chỗ đứng vững chắc tại thị trường trong nước và vươn ra thế giới.
Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh: Hiện nay, mô hình quản lý chỉ dẫn địa lý vẫn còn gặp nhiều khó khăn, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý tham gia vào thị trường còn chưa nhiều, chưa có các dấu hiệu nhận diện chỉ dẫn địa lý làm cơ sở để người tiêu dùng nhận biết trên thị trường. Do vậy, chúng ta cần có sự nhìn nhận và đánh giá nghiêm túc về vai trò và sự cần thiết của vấn đề bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Bởi nó không những là công cụ để bảo vệ giá trị của sản phẩm mà còn là động lực cho quá trình phát triển thương mại bền vững.
Tính đến 31/5/2017, Việt Nam đã bảo hộ 49 chỉ dẫn địa lý quốc gia và 6 chỉ dẫn địa lý của nước ngoài. Trong hơn 10 năm qua, số chỉ dẫn địa lý quốc gia được bảo hộ đã tăng 3,5 lần. Về cơ cấu sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, có 47% sản phẩm là trái cây, 23% là các sản phẩm từ cây công nghiệp và lâm nghiệp, 12% là thủy sản, 8% là gạo, còn lại là các sản phẩm khác. Có 5 sản phẩm không phải là thực phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý (nón lá Huế, thuốc lào Tiên Lãng, thuốc lào Vĩnh Bảo, cói Nga Sơn và hoa mai vàng Yên Tử).
Hoan Nguyễn