Đường dây sản xuất, buôn bán tân dược giả liên tỉnh
Ngày 12/7, Công an TP. Hồ Chí Minh cho biết đã đấu tranh, triệt phá đường dây chuyên tổ chức sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả các loại, quy mô cực lớn, do Quách Ngọc Giao (sinh năm 1968, ngụ phường 11, quận 10) cầm đầu.
Cụ thể, ngày 11/7/2023, tại địa điểm đối diện căn nhà số 700 Lê Hồng Phong, phường 12 (quận 10), trinh sát Đội 7, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu (Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP. Hồ Chí Minh) bắt quả tang Quách Ngọc Giao đang vận chuyển 1 thùng carton (bên trong có chứa 300 hộp thuốc Fugacar) giao cho Tăng Chí Đức (sinh năm 1967, ngụ phường 7, quận 11).
Khám xét nơi ở của Quách Ngọc Giao tại căn nhà trên đường Điện Biên Phủ, phường 11 (quận 10), các trinh sát phát hiện, thu giữ 45 thùng carton tân dược giả thành phẩm, bao bì, tem nhãn các loại. Khám xét tại kho chứa hàng của Giao (tại địa chỉ 282/5 Nguyễn Trọng Tuyển, phường 10, quận Phú Nhuận), cơ quan công an phát hiện và thu giữ thêm 65 thùng carton tân dược giả thành phẩm, bao bì, tem nhãn các loại.
Khám xét nhà không số tại xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) của đối tượng Trần Văn Nghĩa (sinh năm 1974, ngụ ấp Mỹ An, xã Mỹ Đức Tây, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang), Cơ quan công an phát hiện và thu giữ 25 thùng carton tân dược các loại.
Nghĩa khai tiêu thụ các loại thuốc giả (Tanganil 500 mg, Terneurine H.5000, Becozyme...) do Giao sản xuất. Riêng thuốc Asmacort, do Nghĩa tự sản xuất. Để sản xuất thuốc Asmacort, Nghĩa mua vỏ chai, tem nhãn của Giao, mua nguyên liệu thuốc từ các công ty dược Việt Nam, sau đó lột bỏ tem thuốc nội địa, dán tem thuốc ngoại nhập vào để bán với giá thành cao hơn.
Tại căn nhà ở Cầu Xéo, phường Tân Quý, quận Tân Phú (TP. Hồ Chí Minh) - địa điểm tổ chức sản xuất tân dược giả của đối tượng Phạm Văn Đin (sinh năm 1978, quê Đồng Nai), lực lượng chức năng thu giữ 40 thùng carton tân dược thành phẩm, bao bì và nguyên liệu thuốc các loại. Tại đây, Đin tổ chức sản xuất tân dược giả các loại như Enat, Tanganil 500mg. Sau đó, Đin giao toàn bộ thuốc thành phẩm cho Giao tiêu thụ.
Để sản xuất mặt hàng Enat, Tanganil 500mg, Đin khai nhận đã mua nguyên liệu thuốc từ các công ty dược Việt Nam và thuốc quá hạn sử dụng trôi nổi trên thị trường; vỉ nhựa, bản kẽm khuôn vỏ hộp giấy, tem, in ấn bao bì... được Đin đặt mua và in của một vài công ty ở quận Bình Tân, quận Tân Phú (TP. Hồ Chí Minh).
Khám xét khẩn cấp nơi ở của đối tượng Tăng Chí Đức (tại địa chỉ T216 ấp Xoài Đôi, xã Long Trạch, huyện Cần Đước, tỉnh Long An), Tổ công tác phát hiện và thu giữ 8 thùng carton tân dược thành phẩm, bao bì và nguyên liệu thuốc các loại. Đức thừa nhận, sản xuất thuốc Terneurine H.5000, Voltaren và tiêu thụ các loại tân dược khác do Giao cung cấp.
Tại phòng trọ không số trên đường Nguyễn Thị Tú, phường Bình Hưng Hòa B (quận Bình Tân), đối tượng Đào Công Tâm (sinh năm 1968, quê Cần Thơ) tổ chức sản xuất thuê cho Giao thuốc Becozyme, Laroscorbine với giá 3.000 đồng/hộp. Tâm cũng là đầu mối tiêu thụ tân dược giả do Giao cung cấp. Tại địa điểm này, Tổ công tác thu giữ 18 thùng carton tân dược thành phẩm, bao bì và nguyên liệu thuốc các loại.
Ngoài ra, Phòng Cảnh sát kinh tế còn khám xét ở một số địa điểm khác tại quận 8 và quận Tân Phú (TP. Hồ Chí Minh), thu thêm 12 thùng carton tân dược thành phẩm và bao bì các loại.
Trong chuyên án này, cơ quan điều tra đã thu giữ toàn bộ máy móc ép vỉ, đóng gói tân dược giả; tạm giữ khoảng 3 triệu viên thuốc và 31.000 ống tân dược giả thành phẩm các loại (trị giá tương đương 10 tỷ đồng hàng thật); bắt giữ 10 đối tượng (trong đó có đối tượng chủ mưu, cầm đầu).
Bên cạnh đó, khẩn trương truy xét 3 điểm tiêu thụ tân dược giả; bước đầu thu hồi hơn 130.000 viên tân dược giả các loại đã được tiêu thụ ra thị trường. Theo ước tính của các công ty dược có sản phẩm bị làm giả, tổng trị giá toàn bộ tang vật thu giữ trong chuyên án này ước tính lên đến hàng chục tỷ đồng.
Cần xử lý nghiêm các hành vi vi phạm
Trao đổi với phóng viên Thương hiệu & Công luận, Luật sư Trần Minh Cường (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) cho biết, trên thị trường hiện nay, hầu hết các loại thuốc đều có nguy cơ bị làm giả với hình dạng, bao bì, nhãn mác giống như thật.
Đây là một vấn đề vô cùng nghiêm trọng vì thuốc là sản phẩm được sử dụng trực tiếp bằng cách uống, bôi hoặc đưa vào cơ thể bằng tiêm, truyền.
Bất kể đó là loại thuốc bình thường hay thuốc đặc trị, đều có chung một đích cuối cùng là giúp bảo vệ, tăng cường sức khỏe và hỗ trợ điều trị bệnh cho mọi người. Tính mạng mỗi con người là vô cùng quý giá.
Thế nhưng, lại có những đối tượng lợi dụng chính sức khỏe, tính mạng của đồng loại mình để trục lợi cá nhân. Vì vậy, pháp luật quy định rất cụ thể về hành vi sản xuất buôn bán hàng giả là thuốc nhằm xử lý những hành vi nguy hiểm này.
Theo Luật Dược 2016, thuốc giả là thuốc được sản xuất thuộc một trong các trường hợp sau đây:
Không có dược chất, dược liệu;
Có dược chất không đúng với dược chất ghi trên nhãn hoặc theo tiêu chuẩn đã đăng ký lưu hành hoặc ghi trong giấy phép nhập khẩu;
Có dược chất, dược liệu nhưng không đúng hàm lượng, nồng độ hoặc khối lượng đã đăng ký lưu hành hoặc ghi trong giấy phép nhập khẩu, trừ thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng quy định tại Khoản 32, Điều 2 - Luật Dược 2016 trong quá trình bảo quản, lưu thông phân phối;
Được sản xuất, trình bày hoặc dán nhãn nhằm mạo danh nhà sản xuất, nước sản xuất hoặc nước xuất xứ.
Trường hợp vi phạm ở quy mô nhỏ, chưa gây hậu quả lớn không đến mức phải xử lý hình sự, các chủ thể vi phạm sẽ phải chịu chế tài hành chính theo quy định tại Điều 9, Điều 10 - Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, với mức phạt từ 10 triệu - 200 triệu đồng đối với cá nhân sản xuất hàng giả là thuốc, mức phạt với tổ chức vi phạm là gấp 2 lần.
Đối với các hành vi gây hậu quả nghiêm trọng, các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả sẽ bị xử lý hình sự về “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh” theo quy định tại Điều 194 - Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Theo đó, cá nhân phạm tội tùy theo các tình tiết định tội, định khung sẽ bị phạt lên đến 20 năm tù giam, chung thân và thậm chí là tử hình. Pháp nhân phạm tội, có thể bị phạt tiền từ 1 - 20 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc đình chỉ vĩnh viễn.
Luật sư Luật sư Trần Minh Cường nêu quan điểm:
“Thuốc là hàng hóa đặc biệt có ảnh hưởng tới hiệu quả điều trị bệnh, cũng như sự an toàn, sức khỏe của người dân. Chính vì vậy, để ngăn chặn tình trạng này, việc kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc sản xuất, nhập khẩu, lưu thông - là đòi hỏi bức thiết đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh và hệ thống các cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm soát, xử phạt nghiêm những doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối thuốc kém chất lượng”.
Hoàng Bách