Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

HCDC cho biết, từ ngày 3 đến 9/7 (tuần 27), số ca mắc, nhập viện do tay chân miệng đang tăng nhanh tại TP. Hồ Chí Minh. Trong đó, các quận, huyện có số mắc tay chân miệng trên 100.000 dân cao bao gồm: Bình Tân, huyện Bình Chánh, quận Tân Phú, quận 6, quận 8.

Cũng theo HCDC, riêng trong tuần 27, TP. Hồ Chí Minh ghi nhận 1.614 ca, tăng gần 2,5 lần so với trung bình 4 tuần trước là 716 ca.

Trước tình trạng trên, HCDC lưu ý thông thường các biến chứng tay chân miệng thường xuất hiện vào ngày thứ 3 - thứ 5 của bệnh. Biểu hiện như trẻ thay đổi giấc ngủ, giật mình, chới với.

Trường hợp nhẹ, khi thiu thiu ngủ, trẻ sẽ bị giật mình, ngồi dậy chơi thì bình thường. Độ nặng hơn một chút là trẻ vừa nằm ngã ra là sẽ giật mình, chới với. Nặng hơn nữa là khi bồng trên tay, trẻ vẫn giật mình chới với.

Bên cạnh đó, cha mẹ nên chú ý dấu hiệu lòng bàn tay của trẻ có nổi nốt, miệng loét, vài ngày trước trẻ đau miệng, chảy nước bọt để phát hiện sớm phòng biến chứng…

Để chủ động phòng bệnh, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh khuyến cáo:

- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy cho trẻ và người chăm sóc trẻ.

- Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ trẻ tiếp xúc hàng ngày.

- Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

- Theo dõi sát khi trẻ bệnh để phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh chuyển nặng.

- Để có kiến thức, kỹ năng phòng bệnh Tay chân miệng, hãy truy cập vào địa chỉ http://hcdc.vn/tcm.

PV