Nguy cơ lây lan trong các doanh nghiệp nhiều tỉnh, thành
Tại khu vực phía Nam, những ngày gần đây, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai ghi nhận nhiều ca bệnh Covid-19.
Cụ thể, trong tuần qua, số ca nhiễm Covid-19 tại các doanh nghiệp là hơn 1.200 ca, tăng gấp 6 lần so với thời gian thực hiện "3T" trước đây. Một số địa phương như: Trảng Bom, Cẩm Mỹ, Định Quán cũng ghi nhận các F0 liên quan đến các doanh nghiệp đóng trên địa bàn và những huyện lân cận.
Đối với các ổ dịch lớn, phức tạp, Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh hỗ trợ để xử lý ổ dịch trong thời gian ngắn nhất có thể. Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh mới đây, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn yêu cầu Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai phối hợp với đơn vị quản lý hạ tầng khu công nghiệp chủ động bố trí địa điểm, cơ sở hạ tầng để triển khai các khu cách ly tập trung F1 trong các khu công nghiệp hoặc ký túc xá của người lao động.
Trường hợp không bố trí được các khu cách ly tập trung F1 chung cho khu công nghiệp thì từng doanh nghiệp phải bố trí khu cách ly F1 ngay trong doanh nghiệp để chủ động cách ly F1. Các đơn vị, địa phương liên quan có trách nhiệm hỗ trợ doanh nghiệp triển khai khu cách ly F1 trong doanh nghiệp đúng quy định phòng dịch.
Ngày 04/11, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết đã ban hành văn bản đề nghị tăng cường công tác kiểm soát, phòng chống dịch Covid-19 tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Lý do là gần đây, trên địa bàn tỉnh liên tục có các ca nhiễm trong cộng đồng, nhất là tại một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.
Công tác truy vết, công tác kiểm tra của chính quyền địa phương cho thấy còn nhiều đơn vị chưa chấp hành nghiêm trong công tác phòng chống dịch như: chưa quản lý chặt chẽ phương tiện ra vào, để nhân viên tiếp xúc lái xe không tuân thủ chặt các biện pháp 5K... Việc thiếu chặt chẽ trong kiểm soát đã tạo cơ hội cho dịch bệnh có thể xâm nhập từ bên ngoài vào và gây ảnh hưởng đến việc sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến sức khỏe công nhân, người lao động.
Trong khi đó, tại phía Bắc, thông tin từ UBND TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, địa phương này vừa phát hiện trên địa bàn 05 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2; 8 ca test nhanh dương tính, đang chờ kết quả khẳng định; 1 ca ngoài cộng đồng có liên quan cũng đã khẳng định dương tính.
Đến rạng sáng nay, 5/11, TP.Uông Bí đã lấy mẫu xét nghiệm cho 3.143 công nhân thực tế đi làm tại đơn vị này. Cùng với đó, TP. Uông Bí đang tiếp tục khẩn trương truy vết lấy mẫu đối với các trường hợp F1, F2; sàng lọc người ho, sốt; lấy mẫu nhóm nguy cơ; đồng thời cách ly toàn bộ 388 người tại phân xưởng C7, Công ty TNHH Sao Vàng (nơi có ca F0 và các trường hợp là F1 tại doanh nghiệp này).
Doanh nghiệp cần chủ động nâng cao năng lực y tế
Có thể nói, hiểu rõ nguy cơ bùng phát dịch, có năng lực dự phòng virus lây lan... là yếu tố giúp doanh nghiệp giải bài toán nâng cao năng lực y tế. Theo TS. BS Nguyễn Thu Anh - Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock Việt Nam (Trường Đại học Sydney, Australia): “Năng lực y tế trong doanh nghiệp là bài toán khó, cần sớm có lời giải, nhất là khi cuộc sống dần trở lại bình thường và hoạt động kinh doanh, sản xuất tái khởi động”.
Theo ông Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Chế biến gỗ và Mỹ nghệ TP.HCM, sau một tháng nới lỏng giãn cách, qua sàng lọc triệu chứng và xét nghiệm định kỳ, nhiều đơn vị phát hiện F0. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, người lao động và địa phương đã bình tĩnh xử trí tình huống, không hoang mang như trước. Hiện vẫn còn nhiều đơn vị áp dụng khu cách ly tại nhà máy, công xưởng để nhân viên ở lại, tránh lây lan dịch cho người thân lẫn xóm trọ của họ. Không ít công ty bố trí nơi điều trị F0, trường hợp bệnh nhân trở nặng, họ lập tức liên hệ cơ sở y tế địa phương.
Theo Sở Y tế Đồng Nai, bộ phận y tế doanh nghiệp cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến thông tin về phòng, chống dịch, nâng cao sức khỏe tại nơi làm việc, chú trọng nâng cao ý thức người lao động trong việc chấp hành nghiêm các quy định phòng dịch. Xây dựng phương án, phương tiện sơ cứu, cấp cứu, thuốc thiết yếu và tình huống cấp cứu tai nạn lao động, tổ chức tập huấn sơ cứu, cấp cứu cho người lao động tại cơ sở.
Bên cạnh đó, xây dựng và triển khai kế hoạch phương án phòng, chống dịch Covid-19 tại doanh nghiệp theo hướng dẫn của ngành Y tế. Trong đó có phương án xử lý khi doanh nghiệp có ca nghi nhiễm và ca nhiễm Covid-19. Xây dựng và tổ chức xét nghiệm cho người lao động tại doanh nghiệp; hướng dẫn người lao động tự xét nghiệm nhằm tầm soát kịp thời nguy cơ, hạn chế thấp nhất lây nhiễm trong doanh nghiệp.
Còn Sở Y tế TP.HCM thì đã có văn bản về việc hướng dẫn tạm thời phương án phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động liên tục khi phát hiện ca nhiễm Covid-19. Theo đó, người lao động tham gia hoạt động sản xuất phải đảm bảo một trong các điều kiện sau: đã tiêm vaccine đủ liều, đã tiêm ít nhất 1 mũi và có kế hoạch tiêm mũi 2, hoặc nhiễm Covid-19 đã khỏi bệnh.
Khi phát hiện người có triệu chứng nghi ngờ nhiễm Covid-19 hoặc có yếu tố dịch tễ, bộ phận sàng lọc thông tin ngay cho tổ y tế hoặc báo cáo lãnh đạo cơ sở, doanh nghiệp liên hệ với đơn vị y tế để tổ chức xét nghiệm kiểm tra Covid-19 theo quy định. Sở Y tế đề nghị cơ sở trên phải tổ chức khu vực làm việc thông thoáng, người lao động tuân thủ 5K, giữ khoảng cách 1m; người lao động ăn theo ca, giữ khoảng cách 2m, không ngồi đối diện, có vách ngăn, phân luồng ra vào nhà ăn…
Đặc biệt, doanh nghiệp không cần dừng hoạt động nếu phát hiện ca F0 mà tạm thời cách ly F0 ở buồng cách ly hoặc khu vực cách ly của đơn vị và liên hệ ngay cơ quan y tế địa phương để được hỗ trợ. Nếu F0 ở 1 dây chuyền sản xuất thì xử lý trên quy mô dây chuyền. Nếu F0 ở từ 2 dây chuyền sản xuất trở lên trong cùng 1 phân xưởng thì xử lý trên quy mô toàn phân xưởng…
Phương Thảo
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ)