Những ngày đầu tháng 10 năm nay được coi là dấu mốc quan trọng của nền kinh tế Việt Nam khi dịch Covid-19 bước đầu được khống chế; TP. HCM và các tỉnh, thành tái mở cửa trên tinh thần chung sống an toàn với dịch. Cuộc chiến chống dịch căng thẳng ra sao thì con đường hồi phục kinh tế cũng gian nan như vậy.
Chúng ta kỳ vọng sản xuất lưu thông sẽ là cơ hội để phục hồi nhưng dòng người lao động hồi hương với quy mô lớn đã gây ra bộn bề khó khăn cho doanh nghiệp thuộc nhiều ngành sản xuất. Nếu như chỉ cần 3-6 tháng là doanh nghiệp có thể nối lại chuỗi vật tư, nguyên liệu thì việc nối lại chuỗi lao động cần 6-12 tháng, thậm chí nhiều thời gian hơn nữa. Nỗi gian truân đè nặng lên vai của người điều hành doanh nghiệp.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp ở các mảng du lịch, dịch vụ, ăn uống, nghỉ dưỡng. Cụ thể, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 07 tháng năm nay ước tính đạt 280,9 nghìn tỷ đồng, giảm 16,6% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu du lịch lữ hành 07 tháng ước tính đạt 11,1 nghìn tỷ đồng, giảm sâu tới 55,4% so với cùng kỳ năm trước.
Vì vậy, khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại trong cộng đồng sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới nguồn thu của các doanh nghiệp này.
Không chỉ các doanh nghiệp trên, việc đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong cộng đồng nếu diễn biến nhanh cũng ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác như: nông sản, may mặc, giáo dục,… Tuy nhiên, trước tình hình trên, nhiều doanh nghiệp đã chủ động chuẩn bị cho bản thân các hướng đi để tự “cứu mình”.
Tiêu biểu, hiện nay, đối với một số doanh nghiệp gỗ, khi giãn cách xã hội và hạn chế giao tiếp, đi lại đã tác động đến doanh số của doanh nghiệp khi không thể trực tiếp làm việc cùng với các đối tác; điều này thôi thúc các doanh nghiệp này tìm ra các giải pháp để đưa các mặt hàng đến với khách hàng với cách tiếp cận hiệu quả mà không cần đến trực tiếp các gian hàng. Cụ thể, phương pháp bán hàng online đang được nhiều doanh nghiệp áp dụng. Đây cũng là phương pháp bán hàng đang được khuyến khích trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng.
Hoặc mới đây, một cách làm mới của các doanh nghiệp gỗ thuộc HAWA (Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh) khi áp dụng cách làm mới trong bán hàng thông qua triển khai triển lãm trực tuyến bằng các showroom. Khi truy cập triển lãm trực tuyến với công nghệ mới 3D dễ dàng giúp cho khách hàng xem cụ thể, đầy đủ các mặt hàng, sản phẩm gỗ. Triển lãm với hình thức trực tuyến này giúp doanh nghiệp tiếp cận được rất nhiều khách hàng, đặc biệt là các khách hàng quốc tế.
Thời gian qua, đại dịch Covid-19 kéo dài đã khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của rất nhiều doanh nghiệp đình trệ, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa phải tạm ngừng hoạt động hay đóng cửa. Nhưng trong hoàn cảnh đó, các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã phát huy mạnh mẽ nhất tinh thần, ý chí, sức sáng tạo cũng như khả năng đương đầu với khó khăn của chính mình.
Trong suốt mùa dịch, dù khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp, doanh nhân Việt vẫn tích cực tham gia công tác an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo hay các hoạt động hướng về cộng đồng khác như cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân nghèo, các khu vực khó khăn vì cách ly, phong tỏa, ủng hộ trang thiết bị y tế, phòng dịch, máy thở, xe cứu thương…
Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc ủng hộ Quỹ vaccine phòng chống Covid-19, các doanh nghiệp, doanh nhân đã đóng góp hàng nghìn tỷ đồng để đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng toàn dân, hướng đến miễn dịch cộng đồng, kiểm soát dịch bệnh. Từ tháng 06/2021 đến nay, Quỹ vaccine phòng chống Covid-19 đã huy động được gần 8.800 tỷ đồng.
Hành trình phục hồi sau đại dịch Covid-19 cũng như đưa Việt Nam trở thành một nền kinh tế phát triển vào năm 2045 chắc chắn còn nhiều chông gai, thách thức. Tuy nhiên, với những gì mà cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã và đang thể hiện cùng với sự hỗ trợ của Đảng, Chính phủ, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng về một tương lai tươi sáng hơn cho đất nước, cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Thành Nam