Tăng diện tích
Thái Bình được biết đến là một trong những tỉnh trọng điểm về sản xuất nông nghiệp ở đồng bằng sông Hồng. Vụ đông không chỉ nổi bật về diện tích gieo trồng mà còn về tính đa dạng của các loại cây trồng. Các loại cây trồng vụ đông có giá trị kinh tế cao như ngô, khoai lang, khoai tây, hành, tỏi... liên tục được mở rộng diện tích và cải thiện năng suất.
Vụ đông năm 2023, tổng diện tính gieo trồng đạt gần 37.240ha, tăng 531,6ha so với năm trước. Nhiều loại cây trồng chính mang lại giá trị kinh tế cao tiếp tục được mở rộng diện tích như ngô 5.602ha, tăng 488,6ha, khoai lang 2.226,3ha, tăng 225,3ha, khoai tây 3.654,7ha, tăng 92,7ha.
Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Vụ đông không chỉ giúp tối đa hóa hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho người dân mà còn góp phần tạo nên một nền nông nghiệp bền vững. Vì vậy, sự gia tăng diện tích cây vụ đông cho thấy xu hướng phát triển tích cực trong cơ cấu cây trồng, giúp đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Những năm qua, tỉnh đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách và giải pháp nhằm đẩy mạnh mở rộng diện tích trồng cây vụ đông, như hỗ trợ giống cây trồng, phân bón và vật tư nông nghiệp cho nông dân.
Các lớp tập huấn về kỹ thuật canh tác, kiểm soát sâu bệnh và bảo quản sau thu hoạch được tổ chức thường xuyên, giúp nông dân áp dụng những phương pháp sản xuất hiệu quả, tiết kiệm chi phí. Các mô hình HTX và chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thị trường dễ dàng hơn, không lo về đầu ra của sản phẩm góp phần ổn định giá cả và tránh tình trạng “được mùa mất giá”.
Nâng cao giá trị
Giá trị sản xuất của vụ đông năm 2023 đạt 5.176 tỷ đồng, tăng 2,16% so với năm trước. Những con số này thể hiện hiệu quả trong công tác quy hoạch, hỗ trợ và triển khai các chính sách sản xuất nông nghiệp tại tỉnh. Ngô, khoai lang, khoai tây là những cây trồng chủ lực, không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà còn bảo đảm cung ứng nguyên liệu cho các ngành chế biến trong tỉnh và các địa phương lân cận. Bên cạnh đó, việc duy trì sản xuất các loại rau màu và cây trồng ngắn ngày, đặc biệt là rau xanh cũng giúp nông dân linh hoạt hơn trong việc lựa chọn giống cây phù hợp với điều kiện thời tiết và nhu cầu thị trường.
Ông Nguyễn Tiến Quyền, Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Phụ cho biết: Nhiều năm qua, sản xuất vụ đông đã trở thành “vụ mùa vàng” cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với sản xuất lúa, nhiều nơi nông dân đã coi đây là vụ sản xuất chính trong năm. Nhiều xã xây dựng cánh đồng cây vụ đông đạt hiệu quả kinh tế cao như: Quỳnh Nguyên, Quỳnh Bảo, Quỳnh Hoa, Quỳnh Khê, Quỳnh Hồng với cánh đồng trồng khoai tây; Quỳnh Hoàng, Quỳnh Hoa cánh đồng trồng cây cà rốt; Quỳnh Thọ, An Đồng, An Khê, Quỳnh Lâm, Quỳnh Hoàng cánh trồng trồng ngô ngọt, ngô nếp; Quỳnh Hải, Quỳnh Minh cánh đồng trồng rau màu... Một số cây chủ lực của huyện như: ớt giá trị thu nhập ước đạt 215 - 350 triệu đồng/ha; su hào đạt 250 - 280 triệu đồng/ha, bí xanh ước đạt 210 - 330 triệu đồng/ha, ngô ngọt đạt 100 - 110 triệu đồng/ha; khoai tây 200 - 230 triệu đồng/ha...
Phấn đấu hoàn thành kế hoạch
Tiếp nối những thành công của vụ đông năm 2023, tỉnh đã đề ra mục tiêu nâng diện tích gieo trồng lên trên 40.000ha trong vụ đông năm 2024. Tính đến nay, toàn tỉnh đã gieo trồng trên 20.000ha, trong đó một số huyện đạt tỷ lệ cao như Quỳnh Phụ, Hưng Hà, Vũ Thư, Đông Hưng.
Ông Bùi Gia Khánh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vũ Thư cho biết: Đến ngày 29/10, huyện Vũ Thư đã gieo trồng trên 3.500ha, đạt trên 66% diện tích so với kế hoạch. Cơ cấu cây trồng vụ đông năm nay có sự đa dạng và tập trung vào các loại cây có giá trị kinh tế cao như dưa bí, rau các loại, khoai lang, khoai tây, ngô. Để hoàn thành kế hoạch gieo trồng 5.300ha, huyện Vũ Thư đang tập trung chỉ đạo các xã đẩy mạnh việc gieo trồng trên diện tích còn lại.
Đồng thời, chính quyền địa phương cũng đang tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản nhằm bảo đảm đầu ra ổn định cho các sản phẩm vụ đông. Huyện cũng đặt mục tiêu tăng cường các giải pháp canh tác hữu cơ, giảm thiểu việc sử dụng hóa chất, bảo vệ môi trường và bảo đảm sản phẩm nông sản an toàn cho người tiêu dùng.
Sản xuất vụ đông không chỉ là một hoạt động sản xuất theo mùa mà đã trở thành một chiến lược phát triển kinh tế quan trọng của tỉnh. Với những thành công và lợi ích mang lại, vụ đông đang ngày càng khẳng định vai trò trong phát triển nông nghiệp bền vững.
Phương Thuý (T/h)