(TH&CL) - Dư luận… sôi sùng sục bởi một số tiền lớn đã, đang và sẽ được chi tiêu chưa hợp lý vào một số lĩnh vực mà người dân không biết lấy từ đâu ra? Câu hỏi về lãng phí, thất thoát, về trình độ quản lý, cơ chế giám sát theo đó ngày một lớn…
Ảnh minh họa
Muốn “thẳng” phải tăng thêm 193 tỷ đồng?
Ngày 18/4, ông Nguyễn Thịnh Thành, Chánh Văn phòng UBND TP. Hà Nội chính thức có văn bản gửi báo chí và một số đơn vị liên quan giải thích lý do đường Trường Chinh đoạn qua Quân chủng Phòng không – Không quân đi uốn xuống phía Nam. Theo khảo sát thực tế, nếu xác định tuyến đường đi thẳng thì phải mở rộng đường về phía Bắc, tổng diện tích đất thu hồi tăng thêm về phía Bắc (thuộc quận Đống Đa, từ hồ Hố Mẻ đến Cống Chéo sông Lừ) là 16.239 m2; đồng thời phải cấp đất cho các cơ quan để làm trụ sở mới do bị thu hồi hết và gần hết đất. Mặt khác, các công trình kiến trúc trên đất cơ bản phải phá dỡ, hồ điều hòa Hố Mẻ bị thu hẹp diện tích, ảnh hưởng đến tiêu thoát nước của khu vực. Theo đó, dự toán kinh phí bồi thường tăng thêm khoảng 193 tỷ đồng. Như vậy, để tiết kiệm gần 200 tỷ đồng, đường Trường Chinh phải oằn mình tiết kiệm?
Muốn đổi mới, phải chi 34.000 tỷ đồng!
Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai từng đặt câu hỏi về vấn đề nguồn lực cho việc thay SGK bậc phổ thông: “Nguồn lực ra sao? Nhà nước bao nhiêu? Xã hội bao nhiêu?”.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển sau đó giải trình với một con số chính xác “34.275 tỷ đồng”. Ông Hiển còn cẩn thận cho biết “chưa kể đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật còn thiếu”.
Con số hơn 34.000 tỷ đồng, Bộ trưởng giải thích “là tổng hợp từ kết quả nghiên cứu của nhiều nhóm chuyên gia khác nhau. Trong số 34.000 tỷ đồng này, các nhóm chuyên gia đề xuất không chỉ biên soạn SGK, mà còn bao gồm cả đào tạo đội ngũ giáo viên, mua sắm trang thiết bị và nhiều công việc khác. Riêng về biên soạn chương trình SGK, nhóm chuyên gia đề xuất trên 100 tỷ đồng”.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, ông Ksor Phước bâng khuâng tự hỏi “cái mới là cái gì? Đột phá là cái gì?”, “chỉ thấy hoang mang”!
Muốn đi tàu điện, phải chi 300 triệu USD!
Tổng cộng, dự án tàu điện Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) đã được Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng điều chỉnh mức đầu tư từ 552 triệu USD lên tới 891 triệu USD, tăng 339 triệu USD.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có văn bản yêu cầu Bộ GTVT phối hợp với Bộ KH-ĐT và các cơ quan liên quan làm việc với đối tác Trung Quốc để bổ sung nguồn vốn ODA cho phần vốn tăng thêm của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ GTVT, UBND TP. Hà Nội chỉ đạo kiểm điểm nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân về việc chất lượng thiết kế cơ sở hạn chế dẫn đến phải điều chỉnh, chậm trễ trong giải phóng mặt bằng, kéo dài thời gian thi công làm tăng tổng mức đầu tư.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông gồm các hạng mục: Xây dựng 13 km đường sắt đi trên cao; 1,7 km ra vào khu depot, đường sắt đôi khổ 1,435 m; tốc độ tối đa 80 km/h; trang bị 13 đoàn tàu 4 toa xe công suất khoảng 1.200 người, tần suất chạy 2 phút/chuyến. Dự án cũng bao gồm 12 ga trên cao, nhà điều hành 9 tầng trong khu depot rộng 23 ha.
Theo PGS. TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, trước đây, có tình trạng chủ đầu tư luôn đưa ra mức giá thấp, thậm chí phi lý để được thông qua. Sau đó, trong quá trình thương thảo hợp đồng mới ngã giá cụ thể và dẫn đến tình trạng thẳng tay nâng giá, đội giá so với mức được duyệt.
Thực tế hiện nay, số lượng dự án được kiểm tra, thanh tra, kiểm toán rất ít so với tổng số dự án, tổng số vốn đầu tư. Các cuộc thanh tra, kiểm tra các dự án cho thấy, nhiều dự án có sai phạm ngay từ khâu lập dự án, thiết kế, đấu thầu, sử dụng vốn đầu tư sai mục đích, nghiệm thu, thanh toán khống, quyết toán sai so với khối lượng thực tế đã thi công, đơn giá, định mức gây thất thoát, lãng phí vốn đầu tư. Thực trạng đó có thể do thiếu và yếu về cơ chế quản lý, giám sát.
Đinh Việt