Vụ tai nạn thương tâm gây nên cái chết của 13 công nhân và làm bị thương hàng chục người khác ở khu công nghiệp Formosa (Vũng Áng, Hà Tĩnh) đã bóc trần hàng loạt vấn đề nhức nhối trong cách đối xử của các ông chủ dự án - những người giàu với những người làm thuê nghèo khó; và, cũng khó chối bỏ trách nhiệm của những nhà quản lý ở địa phương...
Có thể bạn quan tâm
Ít nhất, đã có hai lần giàn giáo được làm từ hàng ngàn tấn sắt thép rung lắc khiến công nhân hoảng loạn phải bỏ chạy; thế mà, viên đốc công người Hàn Quốc vẫn buộc công nhân phải quay lại làm việc cho kịp tiến độ (!?)
Trong cuộc họp báo ngày 27.3.2015, dẫu rằng một số người có trách nhiệm từ phía chủ đã cúi đầu xin lỗi nhưng cái cách mà những con mắt vô hồn ấy bày tỏ cũng như việc lảng tránh các câu hỏi quan trọng nhất của báo chí nói lên rằng, họ chẳng hề khóc trước cái chết của người nghèo.
Hai câu hỏi quan trọng nhất: Có hay không việc giàn giáo rung chấn, vẫn bắt công nhân làm việc và, viên đốc công người Hàn còn ở Việt Nam hay đã về nước (Tuổi Trẻ, 27.3.2015, 13:37 GMT+7)? Hai câu hỏi cho cùng một sự việc bị cho qua một cách tàn nhẫn minh chứng sự dối gian, thiếu thành khẩn của những cái cúi đầu và, cả sự báo trước rằng người ta sẽ còn quanh co nữa...
Dư luận chưa hết sốc vì những thông tin trên thì, lúc 18:50, 27.3.2015, chương trình VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam đã loan báo một tin động trời: Cả 13 công nhân chết thảm thương và hàng chục người bị thương chưa hề (đối với những người chết là KHÔNG) được người thuê lao động mua bảo hiểm?
Không thể chấp nhận những từ như quên hay sơ suất trong vụ việc này. Coi thường an toàn lao động, tức là coi tính mạng, sức khỏe của công nhân như bọt bèo không hề là chuyện nhất thời “ngoài ý muốn” như những người giàu nói vì đây không phải là vụ tai nạn đầu tiên, mà cả hai lần nghiêm trọng trước, đều có người chết và bị thương: Ngày 27.7.2014, sập giàn giáo làm chết 2 công nhân, bị thương 3; ngày 19.1.2015, sập cầu thang đường dẫn, một công nhân chết và một bị thương (Tuổi Trẻ, đã dẫn)!
Càng đáng phê phán hơn nữa là những nhà quản lý địa phương – cụ thể là Sở LĐTB&XH và Ban Quản lý Khu kinh tế Hà Tĩnh cũng quanh co và biện minh rằng vì có hàng chục ngàn công nhân nên các biện pháp kiểm tra, thanh tra, chủ yếu mang tính chất... nhắc nhở(!)
Sự đắng cay của sự thật càng làm cho dư luận sửng sốt khi đại diện các ban, ngành của Hà Tĩnh nói rằng “chờ kết quả điều tra đến đâu thì nhận trách nhiệm đến đó”. Họ còn đi xa hơn nữa và dường như muốn chọc tức dư luận khi “khoe” rằng tuần vừa rồi đang phát động tuần lễ an toàn lao động...
Lương tâm có lẽ là một thứ xa xỉ trong cách hành xử của những người giàu liên quan đến Formosa. Nếu họ có chút lương tâm để cảm thấy day dứt gọi là trước những cái chết của hàng chục con người, thì họ đã dám nhận dù chỉ một phần trách nhiệm. Đằng này, cái số không tròn trĩnh trong mọi cách trả lời càng làm cho nước mắt của lương tri và thân phận mặn đắng hơn.
Formosa và Vũng Áng chỉ là cái sự đã rồi, để đã biết. Còn biết bao công nhân phải làm vắt hết cả mồ hôi và máu để kiếm sống mà không được chủ mua bảo hiểm? Biết bao người mỗi ngày phải đối mặt với hiểm nguy để đổi lấy những đồng tiền công rẻ mạt? Không lẽ luật pháp bó tay trước sự lộng hành và coi thường sinh mạng của người lao động mà họ thuê mướn rồi bỏ mặc cho sự rủi may trên giàn giáo thi công?
Chẳng có sự bồi thường nào sánh được với sự sống. Chẳng thể nào ngăn được sự tái diễn của đau thương và mất mát của người lao động nếu không có những chế tài và sự trừng phạt nghiêm khắc tất cả mọi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Theo Hà Văn Thịnh(Một thế giới)