Bộ Giao thông Vận tải sẽ đấu thầu các dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam (Ảnh minh hoạ: TTXVN)

Bộ Giao thông Vận tải sẽ đấu thầu các dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam (Ảnh minh hoạ: TTXVN)

Trao đổi với phóng viên chiều 14/4 về quan điểm của Bộ Giao thông Vận tải trong việc lựa chọn đấu thầu hay chỉ định thầu đối với các dự án thành phần của cao tốc Bắc-Nam vừa được Chính phủ đồng ý chuyển hình thức từ đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP) sang đầu tư công, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định, Bộ Giao thông Vận tải sẽ thực hiện đấu thầu đối với các dự án trên.

Đánh giá về việc chọn hình thức chỉ định thầu hay đấu thầu cho các dự án vừa được chuyển đổi hình thức đầu tư, ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, năm 2017 Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư cao tốc Bắc-Nam; trong đó yêu cầu đấu thầu chọn nhà đầu tư quốc tế.

Đến nay, vì một số lý do chúng ta không thực hiện được việc chọn nhà đầu tư quốc tế, trong khi đó việc chọn nhà đầu tư trong nước cũng không thành, do đó khi chuyển sang đầu tư công mà lại có ý định chỉ định thầu thì sẽ có nhiều băn khoăn.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Thanh, "nếu các dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam không đấu thầu một cách công khai, đúng luật sẽ khiến dư luận nghi ngại, doanh nghiệp không được cạnh tranh và rủi ro cho cả những người quyết định, quản lý dự án”.

Trước thông tin có doanh nghiệp quân đội đề xuất được chỉ định thầu một số dự án cao tốc Bắc-Nam, trao đổi với phóng viên, TS. Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho hay, ông vẫn ủng hộ phương án đấu thầu nhưng phải thực hiện đúng pháp luật, minh bạch công khai.

Trường hợp phải chỉ định thầu, có thể ưu tiên các doanh nghiệp quốc phòng thực hiện ở các dự án xung yếu ở các khu vực có nhu cầu cao về đảm bảo an ninh-quốc phòng.

“Quá trình theo dõi các dự án giao thông, tôi thấy chất lượng và tiến độ công trình của các đơn vị quân đội đảm bảo, nhất là tính kỷ luật trong thi công. Vai trò của quân đội trong phòng chống dịch cũng đã làm nức lòng người dân thời gian qua. Có thể ưu tiên, chỉ định cho doanh nghiệp quốc phòng thực hiện, tất nhiên không phải là tất cả”, TS. Trần Chủng nói.

Ông Vũ Đức Nhận, Phó Tổng giám đốc Công ty Phương Thành (doanh nghiệp vừa là nhà đầu tư đồng thời đã thi công khoảng 200 km đường cao tốc nêu quan điểm: Về phía doanh nghiệp nhìn nhận phương thức chỉ định thầu hay đấu thầu đều có những ưu, nhược điểm nhất định, do đó khi chọn phương thức nào thì tính minh bạch cần phải được đặt lên hàng đầu.

Cụ thể là “đầu bài” đưa ra cho các doanh nghiệp cần phải căn cứ vào năng lực tài chính, nhân lực và máy móc…, đặc biệt là kinh nghiệm của những doanh nghiệp này, nếu đã có năng lực làm các dự án cao tốc thì nên ưu tiên.

Về vấn đề chỉ định thầu các dự án này cho các doanh nghiệp quân đội, ông Vũ Đức Nhận cho rằng, chỉ nên ưu tiên một phần cho doanh nghiệp quốc phòng, còn lại nên đấu thầu rộng rãi để mọi doanh nghiệp được tham gia.

Ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Tổng giám đốc Tập đoàn Cienco 4 (đơn vị chủ lực về thi công, đầu tư công trình giao thông) cũng vừa ký công văn gửi Bộ Giao thông Vận tải đề nghị chỉ định mình làm nhà thầu hoặc nhà đầu tư.

Lý do được Cienco 4 đưa ra là doanh nghiệp này đầu tư dự án BOT trên Quốc lộ 1 đoạn Nghi Sơn (Thanh Hóa) - Cầu Giát (Nghệ An) nên khi đường cao tốc Bắc-Nam chạy song song hình thành, họ sẽ chịu nhiều rủi ro. Vì thế, Cienco 4 đề nghị được chỉ định thi công/đầu tư đoạn cao tốc Bắc-Nam thuộc phân đoạn từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh để tránh rủi ro và tạo công ăn việc làm, thu nhập cho tập đoàn.

Một chuyên gia kinh tế cho rằng, để giải quyết các mối quan hệ, nhóm lợi ích đan xen và cả những đề nghị của các doanh nghiệp tư nhân như Phương Thành hay Cienco 4, phương án tốt nhất vẫn là đấu thầu. Trường hợp phải quyết định chỉ định thầu, cần lập ra một hội đồng gồm các chuyên gia độc lập, có chuyên môn, chuyên tâm, đủ đông như chấm thầu để các nhóm lợi ích không thể chạy chọt được.

Theo một chuyên gia giao thông, trong Luật Đầu tư công hiện nay có các điều khoản cho phép chỉ định thầu. Tuy nhiên, việc chuyển các dự án cao tốc sang đầu tư công có được chỉ định thầu hay không phải có ý kiến chính thức của Chính phủ, Quốc hội.

Trước đó, ngày 7/4, Văn phòng Chính phủ  có Thông báo 147/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc chuyển đổi hình thức đầu tư một số đoạn trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông và Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ.

Theo đó, thông báo này nêu rõ, diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến tiến độ nhiều dự án giao thông trọng điểm. Dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông ban đầu được đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP) nhưng khó tìm được nhà đầu tư trong nước đủ năng lực trong bối cảnh hệ thống ngân hàng siết việc cho vay.

Trong lúc chưa tìm được nhà đầu tư thì dịch bệnh Covid-19 ập đến, càng làm khó việc triển khai dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông. Trong khi đó, đây là những dự án giao thông cấp bách, cần triển khai và hoàn thành sớm trong năm 2021-2022 theo yêu cầu của Quốc hội.

Trước thực tế này, Chính phủ đã thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính phương án chuyển 8 dự án PPP cao tốc Bắc-Nam phía Đông sang hình thức đầu tư công. Mục đích của việc chuyển đổi này nhằm sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công chưa được giải ngân, đồng thời sớm hoàn thành tuyến cao tốc này theo yêu cầu của Quốc hội.

Đáng chú ý tại thông báo này có nêu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Chính phủ: “Xem xét việc áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư, chỉ định thầu, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án".

Đến ngày 9/4/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 41/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020; trong đó có nội dung thống nhất về dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông là chuyển sang hình thức đầu tư công sử dụng toàn bộ ngân sách nhà nước; giao Bộ Giao thông Vận tải chuẩn bị các thủ tục cần thiết để triển khai ngay sau khi Quốc hội chấp thuận chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư công. Tại Nghị quyết này, Chính phủ chưa quyết định chỉ định thầu hay đấu thầu các dự án cao tốc này.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, 9 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam vừa được Chính phủ thống nhất phương án chuyển đổi từ đầu tư PPP sang đầu tư công đều là những dự án lớn. Trong đó, 8 dự án cao tốc Bắc-Nam có tổng mức đầu tư 88.234 tỷ đồng, cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ (Mỹ Thuận là cầu nối giữa Tiền Giang và Vĩnh Long) có mức đầu tư 5.408 tỷ đồng được đặt mục tiêu thông xe kỹ thuật năm 2021, khánh thành năm 2022. Tổng mức đầu tư công cho 9 dự án này ước tính lên tới 93.639 tỷ đồng.

Liên quan đến tiến độ giải phóng mặt bằng của toàn bộ cao tốc Bắc-Nam (bao gồm cả 9 dự án vừa được chuyển đổi và 3 dự án được đầu tư bằng tiền ngân sách (dự án Cao Bồ - Mai Sơn, dự án Cam Lộ - La Sơn và dự án cầu Mỹ Thuận), ngày 14/4, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể chủ trì họp trực tuyến với 13 địa phương về công tác này.

Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay, sau một năm thực hiện, các địa phương đã chi trả cho người dân và bàn giao được 70% diện tích mặt bằng của 11 dự án cao tốc Bắc-Nam. Đây là nỗ lực lớn của chính quyền địa phương từ cấp tỉnh, cấp huyện đến cấp xã. Tuy nhiên, việc giải phóng mặt bằng các dự án này còn nhiều khó khăn, khi khối lượng 30% còn lại chủ yếu là đất ở, tái định cư và di dời công trình hạ tầng kỹ thuật.

“Theo yêu cầu của Chính phủ, chúng ta phải có mặt bằng sạch trong tháng 6/2020 để triển khai đồng loạt các gói thầu cao tốc Bắc - Nam trên cả nước trong tháng 8/2020. Trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương trong giai đoạn tới rất nặng nề. Nếu chúng ta không vào cuộc quyết liệt, không có giải pháp hiệu quả sẽ rất khó hoàn thành giải phóng mặt bằng trong tháng 6/2020 theo chỉ đạọ của Thủ tướng Chính phủ”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định.

Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị các địa phương đưa nội dung giải phóng mặt bằng các dự án cao tốc Bắc-Nam vào chương trình làm việc của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để tập trung chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị địa phương cùng vào cuộc quyết liệt, phân công trách nhiệm rõ ràng cho các tập thể, cá nhân để hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng các dự án cao tốc Bắc-Nam trong tháng 6/2020.

Theo TTXVN