Theo đó, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng từng loại nông sản, gắn với phát triển hạ tầng logistics nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo chuỗi cung ứng thị trường trong nước. Thực hiện hiệu quả các Đề án: (i) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thu thập thông tin, dự báo tình hình thị trường nông sản; (ii) Thúc đẩy xuất khẩu NLTS đến năm 2030. Phối hợp với các địa phương đẩy mạnh việc cấp mã số vùng trồng, nuôi, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, gắn với chỉ dẫn địa lý. Xây dựng phương án chuyển đổi phương thức kinh doanh và tiêu thụ, xuất khẩu các sản phẩm chủ lực.
Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Công Thương, các cơ quan, doanh nghiệp theo dõi sát sao diễn biến giá cả, cung cầu các mặt hàng nông sản thiết yếu (lúa gạo, thịt lợn, rau quả, thủy sản, đường, muối) để cân đối cung cầu, đảm bảo an ninh lương thực trong nước và duy trì xuất khẩu; nâng cao chất lượng dự báo thị trường và kịp thời thông tin tới các địa phương, doanh nghiệp để có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp. Đẩy mạnh truyền thông quảng bá giới thiệu sản phẩm, địa chỉ bán nông sản an toàn, nhất là theo phương thức online; tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu các địa phương theo chuỗi; đẩy mạnh kết nỗi các doanh nghiệp nông nghiệp trong và ngoài nước thông qua các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản.
Theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, đối với thị trường trong nước: Tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước, phát triển đa dạng các kênh, các hình thức giao dịch phân phối, thương mại tiêu thụ. Phát triển hệ thống lưu thông tạo điều kiện cho người tiêu dùng có khả năng tiếp cận sản phẩm nông nghiệp trong mọi tình huống. Phối hợp theo dõi, cân đối cung cầu NLTS, xây dựng phương án hỗ trợ tiêu thụ kịp thời nông sản; xúc tiến các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm có chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP) thông qua tổ chức các hội chợ, triển lãm, hội thảo, diễn đàn, sàn thương mại điện tử...
Phát triển thương hiệu, chỉ dẫn địa lý; tổ chức giới thiệu quảng bá các sản phẩm OCOP gắn với địa phương, vùng miền; tăng cường hoạt động kết nối doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm đẩy mạnh hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản cho người dân; tập huấn, hướng dẫn người sản xuất, nông dân, HTX về nhận thức và kỹ năng tiếp cận thị trường, nâng cao chất lượng nông sản đáp ứng các tiêu chuẩn, nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng trong nước... Phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện Chiến lược phát triển thương mại trong nước đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035; Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chương trình “Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”...
Đối với thị trường xuất khẩu: Tận dụng các FTAs, đặc biệt là CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng NLTS chủ lực. Thúc đẩy quan hệ đa phương, song phương thông qua các Diễn đàn lớn của Liên hợp quốc, WTO, APEC, ASEAN..., qua đó tận dụng cơ hội nâng cao hình ảnh NLTS Việt Nam. Phối hợp với Bộ Công thương thực hiện Đề án tăng cường xuất khẩu hàng hóa chính ngạch; tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường chính ngạch cho các sản phẩm hoa quả tươi, rau, thủy sản sang các thị trường có yêu cầu chất lượng cao.
Duy trì và phát triển thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, EC; chú ý thị trường Nga; mở rộng thị trường nông sản sang những nền kinh tế có cơ cấu bổ sung với Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, EC, Trung Đông, Argentina. Lựa chọn đưa các sản phẩm phù hợp vào các thị trường tiềm năng như: Nga, Trung Đông, Châu Phi, ASEAN... Kịp thời giải quyết khó khăn về kỹ thuật, thuận lợi hóa thông quan, hạ tầng logistic, không để ứ đọng hàng hóa tại cửa khẩu.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại quốc tế, tăng cường giới thiệu quảng bá sản phẩm xuất khẩu, thúc đẩy xuất khẩu, mở cửa thị trường; hỗ trợ doanh nghiệp thông tin chính sách thị trường xuất khẩu. Phối hợp với Tham tán thương mại, Tham tán Nông nghiệp tại nước ngoài hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường trọng điểm Mỹ, EU, Anh, Trung Quốc, Nhật Bản…
Minh Anh