Năm qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai thực hiện Kế hoạch hành động bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp; xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách về chất lượng, ATTP phù hợp diễn biến dịch Covid-19, ban hành Đề án Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản giai đoạn 2021 - 2030 và Đề án Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 - 2025; tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về ATTP; triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình phối hợp giữa Chính phủ với Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về “Tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn vì sức khỏe cộng đồng, phát triển bền vững giai đoạn  2021 - 2025”, Chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản chất lượng, an toàn giữa TP. Hà Nội với các tỉnh, thành phố giai đoạn 2021 - 2025... Thực hiện “Kế hoạch hành động quốc gia để thực thi hiệu quả Hiệp định về vệ sinh ATTP và kiểm dịch động thực vật của WTO và cam kết trong khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do”.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn và chương trình “Nông nghiệp sạch cho người Việt Nam, cho Thế giới”, nhất là cho các đô thị lớn; tổ chức sản xuất theo hướng tập trung bảo đảm ATTP, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; tăng cường sử dụng vật tư nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn với 2.510 chuỗi (tăng 866 chuỗi so với năm 2021), trong đó có sự tham gia của trên 300 công ty, 150 hợp tác xã, một số tập đoàn lớn tham gia chuỗi như Dabaco, Ba Huân, Saigon Coop, San Hà... tham gia mô hình chuỗi.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo nhân rộng, mở rộng sản xuất nông nghiệp tập trung, sạch, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo ATTP; hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương tổ chức lực lượng quản lý chất lượng, ATTP đáp ứng yêu cầu tình hình mới; nâng cao hiệu quả hoạt động thanh, kiểm tra thường xuyên, đột xuất các cơ sở sản xuất; tăng cường kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp, thắt chặt khâu buôn bán, lưu thông; tổ chức lấy mẫu giám sát các sản phẩm chủ lực, tiêu dùng nhiều, nguy cơ cao, kịp thời phát hiện, cảnh báo, truy xuất xử lý: Duy trì các  chương trình giám sát quốc gia đối với dư lượng các chất độc hại trong thủy sản nuôi, an toàn vế sinh vùng thu hoạch nhuyễn thể 2 mảnh vỏ.

Bộ cũng tập trung giải quyết vướng mắc, chủ động xử lý các sự cố mất ATTP và đàm phán xử lý các rào cản kỹ thuật, mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm nông lâm thủy sản. Tập trung giải quyết vướng mắc về rào cản ATTP của các thị trường và đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tháo gỡ vướng mắc cho xuất khẩu nông sản.

Minh Anh (t/h)