Do hiệu ứng đô thị (khí thải từ hệ thống điều hòa nhiệt độ, phương tiện giao thông, tỏa nhiệt từ các khối nhà bê tông, mặt đường nhựa...), nhiệt độ ngoài trời tại thành phố Hà Nội, từ 14 - 16h ngày 23/6 có thể đạt 42 - 43 độ C. Cùng thời điểm này, chỉ số tia tử ngoại tại thành phố Hà Nội cũng đạt ngưỡng 8 - 10, mức đặc biệt nguy hiểm đối với sức khỏe con người.

Nếu tiếp xúc trực tiếp trong khoảng 30 phút với ánh nắng mặt trời, người dân có thể bị bỏng da, khô mắt, cơ thể bị mất nước nghiêm trọng...

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Không riêng Hà Nội, hôm nay, 6 tỉnh, thành phố khác của khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ: Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị cũng xảy ra nắng nóng đặc biệt gay gắt, nhiệt độ cao nhất đạt 41 - 42 độ C; trong đó, khu vực huyện Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh) và huyện Đô Lương (tỉnh Nghệ An) đạt 42 độ C.

Với mức nhiệt trên, đối với người tham gia giao thông, lao động ngoài trời, nếu tiếp xúc lâu với ánh nắng có thể bị kiệt sức, đột quỵ vì mất nước, sốc nhiệt, say nắng... Để bảo vệ sức khỏe, người dân nên hạn chế tham gia giao thông, làm việc ngoài trời trong khoảng thời gian 10 - 18 giờ. Khi đi từ ngoài trời nắng về nhà, không nên bật quạt hướng thẳng vào mặt, không uống nước lạnh, không sử dụng điều hòa mức nhiệt độ thấp, không tắm gội ngay... 

PV