Nằm tại địa chỉ: 601 Nguyễn Văn Linh, P. An Tảo, TP. Hưng Yên, với lượng khách hàng đông nhưng “Siêu thị sách Hưng Yên” lại bày bán nhiều loại mặt hàng không có tem nhãn phụ bằng Tiếng Việt theo quy định.
Theo ghi nhận thực tế tại đây của phóng viên thấy có rất nhiều các sản phẩm được bày bán như: Sách vở, Đồ chơi, logo lắp ráp, đồ chơi búp bê, gấu bông, thiết bị văn phòng, rất nhiều đồ dùng học tập và những sản phẩm khác… đều không có nhãn phụ theo quy định. Không chỉ vậy, tại đây còn bày bán các loại túi xách, mũ nghi giả mạo thương hiệu nổi tiếng đang được bảo hộ tại Việt Nam.
Tìm hiều 1 vòng quanh cửa hàng, có rất nhiều sản phẩm tại đây không có thông tin về nhà phân phối, cách sử dụng cũng như những cảnh báo về độ tuổi phù hợp sử dụng sản phẩm. Vậy, những người tiêu dùng bình dân, không có vốn ngoại ngữ biết làm sao để xác định sản phẩm và mua? Siêu thị sách Hưng Yên bán rất nhiều sản phẩm dành cho trẻ nhỏ. Liệu rằng, những món đồ trên có thực sự an toàn với trẻ?
Phần lớn các mặt hàng ở đây đều có chữ nước ngoài, thế nhưng nhiều sản phẩm không có nhãn phụ tiếng Việt, không rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Những sản phẩm hàng hóa có nhãn phụ tiếng Việt thì thông tin rất chung chung (tên gọi của hàng hóa, giá bán), ngoài ra không có thông tin nào khác. Điều này như đánh đố người tiêu dùng, cũng làm cho không ít người mua hàng hoài nghi về nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm.
Thậm chí một số hàng hóa liên quan đến thời trang, phụ kiện thời trang, được sản xuất từ chất liệu vải, thế nhưng lại không thể hiện dấu hợp quy trên nhãn sản phẩm. Chưa dừng lại ở đó, những sản phẩm của các thương hiệu đắt đỏ đang được bảo hộ tại Việt Nam lại được bày bán với mức giá rẻ bất ngờ khiến cho phóng viên không khỏi hoài nghi việc có hay không “Siêu thị sách Hưng Yên” đang mập mờ về nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, và một số sản phẩm hàng hóa tại đây có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu?
Có thể thấy, việc các nhà sách lớn đang bày bán các sản phẩm nhập khẩu thiếu thông tin bằng tiếng Việt theo quy định của pháp luật là đang tạo điều kiện cho các mặt hàng kém chất lượng, hàng nhái sẽ có cơ hội “tuồn vào” các cửa hàng gây ảnh hưởng rất lớn tới người tiêu dùng, trước mắt là tiền mất tật mang sau là ảnh hưởng sức khoẻ.
Bởi trên thực tế, đã có nhiều vụ việc trẻ em sử dụng đồ chơi không rõ nguồn gốc xuất xứ, đồ kém chất lượng dẫn đến tình trạng nguy hiểm về tính mạng.
Theo các chuyên gia y tế, các đồ chơi không an toàn, ngoài gây nguy cơ sát thương trực tiếp còn ảnh hưởng tiêu cực về lâu dài đến sự phát triển thể chất của trẻ. Bởi đa phần các loại đồ chơi đều bị trộn thêm hạt nhựa công nghiệp, cho thêm nhiều phụ gia, màu công nghiệp kém chất lượng để giảm giá thành, dễ gia công, tạo hình.
Khi có sự cố xảy ra, tổ chức, cá nhân nào sẽ phải chịu trách nhiệm đối với khách hàng?...
Liệu đây có phải hành vi tiếp tay cho tiêu thụ hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ? Rất cần các cơ quan chức năng tại Hưng Yên kiểm tra, làm rõ, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và thị trường minh bạch.
Tâm An - Kim Khánh