Sở hữu trí tuệ - Nâng cao vị thế và giá trị DN - Hình 1

Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI phát biểu tại buổi tọa đàm

Tòa đàm nhằm hưởng ứng tháng hành động “Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới” (26/4); nâng cao nhận thức về ảnh hưởng của các bằng sáng chế, bản quyền, nhãn hiệu hàng hóa và kiểu dáng công nghiệp…

Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới cũng là dịp để mọi người hiểu rõ hơn về vai trò bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ đối với việc thúc đẩy hoạt động sáng tạo và đổi mới, cũng như để tôn vinh hoạt động sáng tạo và những thành quả mà các nhà sáng chế đã đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn cầu; khuyến khích tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của người khác.

Theo chiến lược phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam đến năm 2020, Việt Nam cần đạt giá trị sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao là 45% GDP; giá trị các sản phẩm này phải chiếm khoảng 40% tổng giá trị sản xuất công nghiệp.

Tại tòa đàm, các chuyên gia đều nhận định, doanh nghiệp cần phải có sự quan tâm hơn nữa đến sở hữu trí tuệ cũng như bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, tài sản trí tuệ có vai trò to lớn trong nền kinh tế, nhưng vẫn chưa được đánh giá đúng.

Doanh nghiệp cần nhận thức rằng, ở trình độ phát triển của xã hội hiện nay, tài sản trí tuệ là tài sản vô hình có giá trị kinh doanh lớn hơn nhiều lần so với các loại tài sản hữu hình cộng lại. Trong xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, vai trò to lớn của quyền sở hữu trí tuệ đối với các tài sản vô hình lại càng có ý nghĩa trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh và lưu thông hàng hóa của doanh nghiệp.

Theo PGS. TS. Mai Hà, Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam, bất kỳ doanh nghiệp cung cấp sản phẩm hay dịch vụ nào, chắc chắn là đã và đang sử dụng và tạo ra rất nhiều tài sản trí tuệ.

Do đó, cần xem xét một cách hệ thống các biện pháp cần thiết để bảo hộ, quản lý và thực thi quyền sở hữu trí tuệ của mình, nhằm đạt được hiệu quả kinh doanh tốt nhất cũng như cần nghiên cứu để tránh những tranh chấp, kiện tụng tốn kém nếu doanh nghiệp đang vô tình sử dụng quyền sở hữu trí tuệ của người khác.

Khi doanh nghiệp bảo hộ tốt quyền sở hữu tài sản trí tuệ của mình thì doanh nghiệp sẽ có những lợi thế cạnh tranh so với đối thủ, tạo dựng được vị trí vững chắc trên thị trường; hạn chế hành vi sao chép của đối thủ cạnh tranh và có quyền yêu cầu đối thủ bồi thường khi xâm bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Hơn nữa, doanh nghiệp còn có thể nâng cao giá trị khi được định giá bởi các nhà đầu tư, hoặc các tổ chức tài chính nhờ độc quyền sở hữu tài sản trí tuệ có giá trị.

Sở hữu trí tuệ có thể tạo thu nhập cho doanh nghiệp thông qua việc chuyển nhượng quyền sở hữu, chuyển giao quyền sử dụng, bán hoặc thương mại hóa sản phẩm hoặc dịch vụ được bảo hộ.

Sở hữu trí tuệ - Nâng cao vị thế và giá trị DN - Hình 2

Sở hữu trí tuệ - Nâng cao vị thế và giá trị DN

Đồng tình với quan điểm trên, ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ nhấn mạnh, Sở hữu trí tuệ bao gồm: chỉ dẫn địa lý, quyền tác giả, kiểu dáng công nghiệp, thương hiệu, nhãn hiệu… là những “tài sản vô hình”, nhưng có thể lớn hơn rất nhiều so với giá trị các tài sản hữu hình. Vì thế, việc bảo hộ sở hữu trí tuệ sẽ góp phần nâng cao năng lực, vị thế của các doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển nền kinh tế, tạo ra các sản phẩm có giá trị lớn, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài nước.

Bảo hộ sở hữu trí tuệ là công cụ cạnh tranh hữu hiệu cho doanh nghiệp cũng như nền kinh tế quốc gia, là một trong những năng lực nội sinh quan trọng hàng đầu để phát triển bền vững.

Quốc gia và doanh nghiệp nào có được càng nhiều quyền sở hữu trí tuệ thì năng lực cạnh tranh của quốc gia và doanh nghiệp đó càng cao.

Do đó, mỗi doanh nghiệp Việt Nam cần nắm vững cách thức sử dụng hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ để nâng cao vị thế và giá trị của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp cần phải bảo đảm có thể sẵn sàng giải quyết những thách thức và áp dụng các biện pháp nhằm khai thác tài sản trí tuệ của họ và bảo hộ những tài sản đó ở bất cứ đâu.

Để làm được điều này, trước tiên doanh nghiệp cần nhận thức được giá trị của sở hữu trí tuệ, coi đó là một tài sản kinh doanh có giá trị.

Đánh giá về vấn đề này, ông Phan Phương Linh, Phó Giám đốc Dịch vụ tư vấn định giá, Công ty PwC Việt Nam cho biết, tỷ trọng trung bình của giá trị “tài sản vô hình” trong tổng giá trị doanh nghiệp tại các doanh nghiệp trên thế giới là 53% (năm 2016), nhưng tỷ trọng này tại các doanh nghiệp Việt Nam chỉ đạt 26%.

Trên thực tế, không ít doanh nghiệp Việt Nam đã nhận được bài học đau xót khi xem nhẹ giá trị thương hiệu nên đã không đăng ký bản quyền, và rồi bị các doanh nghiệp nước ngoài đăng ký và lấy mất thương hiệu - Tiêu biểu như thương hiệu nước mắm Phú Quốc, Cà phê Buôn Ma Thuột…

Nguyễn Kiên