Được biết, xã Mường Do có tổng diện tích 21,53 ha chè, trong đó có 4 ha diện tích chè cổ thụ, chủ yếu tập trung tại bản Lằn. Để nghề trồng chè phát triển, từng bước thay thế các loại cây lương thực truyền thống và trở thành nguồn thu nhập chính của người dân địa phương, năm 2018, UBND xã Mường Do đã lựa chọn sản phẩm chè để đăng ký sản phẩm OCOP. Xây dựng lộ trình cụ thể cho việc phát triển sản phẩm chè từ khâu chăm sóc, thu hái đến đóng gói bao bì sản phẩm.
Với nhiều nỗ lực trong việc bảo tồn, sản lượng chè búp tươi hiện tại đạt gần 20 tấn/năm; riêng sản phẩm chè xanh, chè đen và chè vàng thành phẩm, đạt sản lượng trên 2,2 tấn/năm. Qua đánh giá, kiểm định chất lượng, năm 2020, chè Mường Do chính thức được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.
Nhờ vậy, giá trị chè Mường Do được nâng lên đáng kể, giá bán 130 nghìn đồng/kg chè thường và từ 150-200 nghìn đồng/kg chế biến từ chè cổ thụ. Sau khi trừ các loại chi phí, người trồng chè có thể thu lãi từ 10-15 triệu đồng/ha chè thành phẩm.
Hiện nay, trên địa bàn xã Mường Do có trên 200 hộ trồng chè. Tuy nhiên, số lượng hộ chế biến chè chỉ có khoảng 40 hộ. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, UBND xã cũng vận động các hộ trồng chè đi học hỏi cách sao chè ở một số địa phương trong tỉnh như: Bắc Yên, Mộc Châu để về áp dụng vào chế biến sản phẩm chè búp tươi của gia đình. Từ đó mà chất lượng chè thành phẩm ngày càng được nâng cao, xây dựng thương hiệu chè riêng của địa phương, nâng cao thu nhập cho người trồng chè.
Bà Hà Thị Nu - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Mường Do, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất chè sạch Mường Do cho biết: “Hiện nay vùng chè Shan tuyết ở xã Mường Do hiện có hơn 11.000 cây, được thế hệ cha ông vào rừng lấy giống trồng từ năm 1958. Qua hơn 60 năm ươm mầm, bén rễ tại vùng đất này, cây chè đã trải qua nhiều bước thăng trầm, đã có thời gian dài, cây chè bị lãng quên.
Đặc biệt, từ năm 1994 đến năm 2004, giá chè xuống thấp, người trồng chè không còn mặn mà, nhiều diện tích trồng chè bị phá để làm nương, nhiều gốc chè cổ thụ bị đào về làm cảnh, khu vực những cây còn lại cỏ mọc um tùm, trở thành thức ăn cho trâu, bò... đến năm 2017, xã Mường Do thành lập Tổ hợp tác sản xuất chè sạch nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát triển vùng chè Shan tuyết cổ thụ, tạo nguồn thu nhập cho người dân”.
Trong quá trình khôi phục lại vùng chè cổ thụ, Tổ hợp tác được các đơn vị hỗ trợ giúp đỡ, cải tạo những diện tích chè già cỗi, tận dụng các quỹ đất để trồng dặm diện tích chè mới. Theo đó, các thành viên được tập huấn về chăm sóc, thu hoạch và chế biến. Hệ thống máy móc hoàn thiện khâu chế biến, đóng gói, bao bì, quảng bá cho sản phẩm cũng được Tổ hợp tác đầu tư... Đặc biệt, là Tổ hợp tác đã liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu một phần sản phẩm nên đầu ra tương đối ổn định.
Nhờ giải pháp đó, vùng chè Shan tuyết cổ thụ tại Mường Do từng bước được khôi phục và phát triển. Sản lượng chè búp tươi toàn xã đạt khoảng 14 tấn/năm, trong đó, Tổ hợp tác đứng ra mua khoảng 10 tấn/năm với giá 15 - 20 nghìn đồng/kg nhằm phục vụ chế biến sản phẩm.
Hiện nay, Tổ hợp tác đang tập trung sản xuất 3 loại trà: trà vàng, trà xanh và trà đen, trong đó, sản phẩm chè xanh là chủ yếu với sản lượng 1,8 tấn chè khô/năm. Chè sạch, không dùng thuốc hóa học để bảo quản…Qua đánh giá của người tiêu dùng, sản phẩm chè Mường Do có hương thơm đặc trưng riêng, rất được khách hàng ưa chuộng.
Để đảm bảo cho chè thành phẩm thơm, ngon, người dân ở xã Mường Do thực hiện thời gian hái chè búp tươi khi trời không quá nắng gắt, chè thành phẩm mang đậm hương vị đặc trưng, chè búp tươi được hái theo nguyên tắc 1 tôm 2 lá hoặc 1 tôm 3 lá. Hầu hết chè búp tươi ở Mường Do đều được sao bằng máy để đảm bảo độ khô phù hợp.
Chè Shan tuyết Mường được nhiều khách hàng nhận xét là sản phẩm chè đắt và ngon nhất trên địa bàn huyện Phù Yên. Vì vậy, nếu được quan tâm đúng cách thì người dân Mường Do hoàn toàn có thể làm giàu được từ cây chè này. Bởi vậy, các cấp Ủy, chính quyền xã cần có hướng để bảo tồn và nhân rộng diện tích vùng chè Shan tuyết.
Hướng dẫn bà con, đầu tư nhân lực và tạo đòn bẩy truyền cảm hứng để bà con hiểu được hết giá trị của cây chè; nhận thức được thế mạnh từ cùng nguyên liệu sẵn có, dần nâng tầm giá trị sản phẩm, giá trị kinh tế, chất lượng cuộc sống cũng được nâng lên…
Ông Lường Văn Vương, Chủ tịch UBND xã Mường Do cho biết “Để sản phẩm được đánh giá và xếp hạng OCOP, chúng tôi kiến nghị các cơ quan chuyên môn từ tỉnh đến huyện sớm có kế hoạch đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trong khâu chăm sóc và thu hái. Đồng thời, có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp có đủ năng lực tham gia liên kết trong khâu tiêu thụ, quảng bá sản phẩm. Qua đó, sẽ góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, tạo nền tảng vững chắc giúp xã hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới”.
Gắn mở rộng diện tích chè trồng mới với bảo tồn diện tích chè cổ thụ, Mường Do phấn đấu nâng cao giá trị sản phẩm chè, . Đồng thời thực hiện hướng dẫn và sự chỉ đạo của tỉnh huyện cũng tích cực hướng dẫn các đơn vị hợp tác xã có sản phẩm OCOP đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử. Đẩy mạnh hoạt động điểm trưng bày sản phẩm tại khu trưng bày của huyện.
Huyện cũng tích cực hỗ trợ các hợp tác xã liên kết tiêu thụ sản phẩm, xây dựng và quản lý có hiệu quả nhãn hiệu các sản phẩm của hợp tác xã. Nhằm từng bước đưa cây chè trở thành cây trồng chủ lực của địa phương, góp phần giúp nhân dân trong xã xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Thực hiện chương trình OCOP, huyện Phù Yên đã xây dựng kế hoạch triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm đến các xã, thị trấn đồng thời thành lập hội đồng đánh giá và phân hạng sản phẩm. Huyện xác định sản phẩm chủ lực của địa phương là thực phẩm, sản phẩm chế biến từ dược liệu, nhóm chế biến sản phẩm và sản phẩm từ cây ăn quả. Huyện Phù Yên hiện có 7 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP gồm sản phẩm miến dong, sản phẩm Cao, tinh dầu xả, Tỏi đen, tỏi khô, sản phẩm chè, nước cốt chanh leo, quýt ngọt.
Linh Tuệ