Nhiều vụ cháy nổ, rò rỉ hóa chất xảy ra liên tục trong thời gian gần đây là hồi chuông cảnh báo về những “lỗ hổng” trong nhận thức của các DN sản xuất và kinh doanh hóa chất, cần được chấn chỉnh kịp thời để tránh gây ra những sự cố đe dọa đến sức khỏe, tính mạng con người.
Sản xuất "chui"
Thời gian qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất ngày càng tăng, luôn kèm theo các nguy cơ xảy ra các sự cố đe dọa đến sức khỏe, tính mạng con người, an ninh xã hội và môi trường.
Báo cáo mới nhất của UBND quận 12, TP.Hồ Chí Minh về vụ cháy nổ hóa chất của Công ty TNHH thương mại sản xuất Đặng Huỳnh ngày 17/10 cho thấy: Công ty được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Hồ Chí Minh cấp phép kinh doanh ngày 28/3/2003, ngành nghề kinh doanh là sản xuất phân bón (không sản xuất tại trụ sở) và một số ngành nghề khác thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Mặc dù không được phép sản xuất phân bón tại trụ sở, mà chỉ là điểm kinh doanh, nhưng công ty này vẫn sản xuất “chui” và đã gây ra hậu quả đáng tiếc.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Văn Thanh - Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) - cho biết, thực tế Công ty TNHH thương mại sản xuất Đặng Huỳnh, khi sản xuất phân bón, đã không thực hiện đúng quy chuẩn về an toàn hóa chất, đồng thời chưa xây dựng phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố cháy nổ hóa chất. Thậm chí công ty cũng không tuân thủ các quy phạm về an toàn khi sản xuất hóa chất tại khu dân cư.
Ông Thanh khẳng định, đối với các loại hóa chất mà các cơ quan điều tra tại hiện trường vụ nổ như Kali Nitrat (KNO3), Kali Clorat (KClO3), Potassium Nitrate (KNO3), từ trước tới nay, Công ty Đặng Huỳnh không đăng ký, khai báo với Sở Công Thương hoặc Bộ Công Thương khi nhập khẩu các mặt hàng hóa chất này.
Cần kiểm soát chặt
Để kiểm soát chặt các cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất, trong thời gian tới, Cục Hóa chất sẽ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, ban hành hoặc kiến nghị ban hành mới các văn bản về tăng cường quản lý các hoạt động sản xuất, kinh doanh sử dụng hóa chất nhằm chủ động phòng ngừa các sự cố hóa chất, cháy nổ xảy ra nhưng vẫn phải bảo đảm các yêu cầu về cải cách hành chính; các cơ quan chức năng ở địa phương cần tăng cường hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất đối với các DN và các tổ chức, cá nhân liên quan.
Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là cơ quan xác nhận biện pháp phòng ngừa, ứng phó cho các dự án và cơ sở hóa chất trên địa bàn. Tuy nhiên, cơ quan chức năng sẽ kiểm tra thực tế tại dự án, cơ sở hóa chất để xem xét, đánh giá và xác nhận các biện pháp hiệu quả.
Ông Thanh cho rằng, đối với hóa chất nguy hiểm, cần phải tuân thủ quy định an toàn và quy phạm an toàn quốc gia. Hiện Việt Nam có quy chuẩn, quy phạm an toàn liên quan đến sản xuất, sử dụng các loại hóa chất có tính độc, nguy hiểm. Khi sử dụng các loại hóa chất đều phải tuân thủ quy phạm, có nghĩa là DN phải bảo đảm khoảng cách an toàn giữa khu sản xuất và khu dân cư.
Theo Báo Công Thương